Bất an với sữa nhiễm khuẩn

Cục An toàn thực phẩm đang giám sát chặt việc thu hồi sản phẩm sữa nghi nhiễm khuẩn và khẳng định những bậc cha mẹ có con đã lỡ uống các loại sữa này bị đau bụng, tiêu chảy, khó thở… tạm thời có thể yên tâm.

Sự cố 3 nhãn sữa lớn có sản phẩm bị thu hồi khiến người tiêu dùng phân vân, lo lắng trong việc lựa chọn sữa cho con.

Người mua, kẻ bán đều hoang mang


Thị trường sữa Hà Nội những ngày sau thông tin nhiều loại sữa bột bị thu hồi do nghi nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum (khuẩn độc thịt - C.Botulinum, gây liệt cơ) đìu hiu hẳn. Chị Hạnh, nhân viên cửa hàng sữa ở Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) cho biết bình thường, các sản phẩm có thương hiệu bán rất chạy nhưng mấy hôm nay vắng hẳn. “Cửa hàng đã in danh sách số lô bị thu hồi để người mua đối chiếu nhưng nhiều bà mẹ vẫn không yên tâm” - chị Hạnh than thở.

Chị Nguyễn Thu Hoài (ở quận Hoàng Mai) có con uống sữa Similac GainPlus Eye-Q được gần 1 năm nay. Sau khi đọc tin sữa này bị nhiễm khuẩn, chị kiểm tra và tá hỏa khi thấy hộp sữa con mình trùng với lô bị cảnh báo nhiễm khuẩn. Mang hộp sữa ra cửa hàng để nhận lại hơn 500.000 đồng nhưng 2 ngày nay, chị vẫn thấp thỏm lo lắng cho sức khỏe của con.

Bất an với sữa nhiễm khuẩn - 1

Thông tin về sữa nhiễm khuẩn khiến nhiều người cẩn trọng hơn trong việc xem thông tin về lô sản phẩm. Ảnh: NGỌC DUNG

Trong khi đó, ở TP HCM, ngày 6-8, nhiều cửa hàng sữa ở các quận 3, 8 và một số siêu thị đã chủ động rút các sản phẩm thuộc danh sách bị thu hồi của Abbott, Dumex ra khỏi kệ. Chị Đặng Ngọc Tuyền (quận 6) cho biết vừa đổi từ sữa GainPlus Eye-Q sang sữa Dielac Alpha cho con 1 tháng nay. Nghe tin sữa Similac bị nghi nhiễm khuẩn, dù con không còn uống nữa nhưng chị vẫn lo lắng, không biết những lô hàng trước đây có bị nhiễm khuẩn không.

Cùng tâm trạng, chị Chu Thanh Thảo (ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lo ngại: “Hết Abbott đến lượt Dumex có vấn đề, giờ muốn đổi sữa khác cho con cũng không biết chọn loại nào”.

Lỡ uống sữa nghi có độc, phải làm sao?


Ông Đỗ Thái Vương, Giám đốc đối ngoại Văn phòng đại diện Abbott Việt Nam, cho hay tính đến hết ngày 5-8, Abbott Việt Nam đã thu hồi 11.653 thùng sữa Similac GainPlus Eye-Q, chiếm gần 90% lượng hàng đã bán ra (12.927 thùng).

Liên quan đến loại sữa này, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, nhận định khó thu hồi toàn bộ số sữa đã bán và cũng không loại trừ có trẻ đã sử dụng. “Tôi hy vọng con số đó không nhiều vì đây là sản phẩm mới được nhập về Việt Nam cách đây 1-2 tháng” - ông Trung nói.

Với lô sữa Dumex Gold bước 2 cho trẻ 6-12 tháng tuổi loại 800 g (do Công ty TNHH Danone Việt Nam nhập khẩu), ông Trung cho biết số lượng nhập khẩu là 615 thùng (12 hộp/thùng) nhưng mới có khoảng 190 hộp được giới thiệu đến khách hàng nên sẽ cố gắng thu hồi toàn bộ.

Theo chị Chu Thanh Thảo, việc các công ty thu hồi sản phẩm sữa nghi nhiễm khuẩn là đương nhiên. Song, với những trường hợp đã uống sữa nhiễm khuẩn thì trách nhiệm của nhà sản xuất, phân phối tới đâu?

Trả lời thắc mắc trên, đại diện Abbott Việt Nam cho rằng theo các cơ quan y tế, hàm lượng nhiễm C.Botulinum trong sữa rất nhỏ, chưa đến mức gây ngộ độc cho người sử dụng. Abbott khuyến cáo nếu thấy trẻ đã sử dụng sản phẩm có vấn đề về sức khỏe, hãy đến bệnh viện khám. “Nếu bác sĩ kết luận sản phẩm sữa Abbott gây ảnh hưởng đến sức khỏe thì công ty sẽ chịu trách nhiệm” - ông Vương khẳng định.

Theo ông Trần Quang Trung, vi khuẩn C.Botulinum ủ bệnh 24-36 giờ chứ không “tích tụ” trong cơ thể như chất melamine. Do vậy, nếu phụ huynh đã lỡ cho con uống sữa trùng với số lô bị thu hồi và thấy cháu có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, ăn uống kém, mệt mỏi toàn thân, khó nói, khó thở… thì tạm thời có thể yên tâm.

“Hiện Cục ATTP chưa nhận được bất cứ thông tin nào về trường hợp (trên thế giới và Việt Nam) bị nhiễm bệnh sau khi dùng sữa nghi nhiễm khuẩn. Với mẫu sữa được kiểm nghiệm tại Viện An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, khoảng 4-5 ngày tới sẽ có kết quả” - ông Trung cho biết.

Giám sát chặt việc thu hồi

Ông Trung khẳng định đến chiều 8-6, Việt Nam mới chỉ ghi nhận 2 loại sữa nhiễm khuẩn C.Botulinum. Với sản phẩm dinh dưỡng công thức Karicare, Việt Nam không cấp phép nhập khẩu loại sữa bị cảnh báo nhiễm vi khuẩn C.Botulinum.

“Sự cố này chắc chắn ảnh hưởng lớn đến tâm lý tiêu dùng của các gia đình. Vì vậy, Cục ATTP đã yêu cầu các công ty có sản phẩm dinh dưỡng sử dụng bột đạm whey cô đặc báo cáo về nguồn gốc nguyên liệu” - ông Trung nhấn mạnh. Ông Trung cho biết cơ quan chức năng đang tập trung giám sát chặt chẽ việc thu hồi. “Các sản phẩm thu hồi sẽ được trả lại hoặc tiêu hủy, tùy theo sự thỏa thuận của nhà sản xuất và đơn vị nhập khẩu. Bằng hình thức nào thì số lượng sữa nghi nhiễm khuẩn này cũng sẽ được giám sát chặt” - ông Trung khẳng định.

Ngoài ra, ông Trung cũng lưu ý các phụ huynh không nên dùng sữa xách tay, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc vì không thể khẳng định được chất lượng.

Singapore đang thu hồi sữa Mamil Gold PreciNutri bước 2 dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi; Hồng Kông thu hồi 2 lô sữa công thức Cow & Gate Happy Kid 3 dùng cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi

Công ty sữa cung cấp đường dây nóng

Đại diện Công ty Danone Việt Nam cho biết lô hàng có nguy cơ nhiễm C.Botulinum được sản xuất ngày 30-5, số lô 300513R1. Khách hàng đã mua sản phẩm trùng khớp với số hiệu trên hãy liên lạc ngay với tổng đài Careline Dumex qua số đường dây nóng 1800599944 để hoàn đổi miễn phí.

Phía Abbott cũng cung cấp số điện thoại đường dây nóng 19001519 giải đáp thắc mắc của khách hàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung - Thanh Nhân (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN