Bất an thị trường mùa trung thu

Sự kiện: Tết Trung thu

Bánh trung thu trôi nổi, đồ chơi trẻ em không nguồn gốc được bày bán công khai từ chợ sỉ đến chợ vỉa hè. Những sản phẩm kém chất lượng đang lăm le “đổ bệnh” xuống con trẻ, với sự giúp sức của… người lớn.

Bánh trung thu trôi nổi bán đổ đống cùng với rau củ bên hông chợ Bình Tây (Q.6, TPHCM) (ảnh chụp trưa 8/9) 

Bánh trung thu trôi nổi bán đổ đống cùng với rau củ bên hông chợ Bình Tây (Q.6, TPHCM) (ảnh chụp trưa 8/9) 

Tổ chức trung thu bằng bánh không nguồn gốc

Những chiếc bánh chỉ được bọc nhựa sơ sài, dán chữ bên ngoài “bánh trung thu” vừa được chung cư Lê Thành (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TPHCM) dùng làm quà tặng cả trăm con em cư dân vui tết trăng rằm tháng Tám tối 7/9.

Xoay trở chiếc bánh tìm thông tin nơi sản xuất, chị Thùy Dung (35 tuổi, nhân viên văn phòng) ngao ngán: “Tôi về chung cư này được 3 năm, thì ngần ấy tết Trung thu, ban quản lý đều tặng các con những loại bánh không nguồn gốc như vậy. Sợ không an toàn nên tôi chẳng dám cho con ăn. Nhưng vẫn có phụ huynh vô tư bóc cho con ăn mà không quan tâm chất lượng, lỡ có chuyện gì thì biết kêu ai”.

Được giao nhiệm vụ mua 100 cái bánh trung thu để tặng một mái ấm trẻ mồ côi ở Q. Thủ Đức, Thủy (trưởng nhóm từ thiện tự phát) rủ phóng viên đến chợ sỉ Bình Tây (Q.6) so giá.

Tại đây, đủ các loại bánh với thương hiệu như Thanh Tâm, Thanh Tú, Vy Tâm, Vy Ngân..., chủng loại khá hấp dẫn: thập cẩm gà quay, thập cẩm thịt nướng 2 trứng, gà quay yến sào, đậu xanh hạt sen… giá từ 18.000 - 30.000 đồng/cái (khoảng 250-500 gram/bánh).

Chỉ tay vào loại bánh 100 gram, người bán cho hay đó là bánh trung thu thiếu nhi, 8.000 đồng/cái, mua 100 cái trở lên tính giá sỉ: 6.000 đồng. “Cận Trung thu, bánh này bán chạy lắm. Có hôm bán gần cả ngàn cái cho mấy người làm từ thiện, vừa rẻ vừa ngon”, chủ hàng nói. 

Đồ chơi trung thu không rõ nguồn gốc được dí tận tay trẻ

Đồ chơi trung thu không rõ nguồn gốc được dí tận tay trẻ

Trên vỏ bánh dù ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng nhưng không thấy ngày tháng. Hỏi thì người bán chỉ ậm ừ: “Sản xuất và đóng gói đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tui bán ở đây hơn chục năm, có ai nói ăn bánh này bị trúng độc đâu. Bánh để được hơn tháng không hư, mốc”.

Tại chợ Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân) có nhiều loại bánh trung thu mochi, bọc 4 cái giá 20.000 đồng. Bao bì in dòng chữ nhìn vừa giống tiếng Nhật, vừa na ná tiếng Hàn. “Bánh nhập từ Nhật Bản, ăn mềm dẻo, vị ngọt thanh độc đáo”, người bán chào mời. Đang thao thao, bỗng có mối đến lấy 10 hộp mochi, người bán liền nhấc điện kêu người đem bánh trung thu Trung Quốc cho khách (?!).

Đủ chiêu đối phó

Thời điểm này, trên nhiều tuyến đường ở TPHCM như Ba Tháng Hai (Q.10), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, Q.3), An Dương Vương (Q.6), Võ Văn Kiệt (Q.5)… các cửa hàng thuê địa điểm kinh doanh bánh trung thu đều treo biển quảng cáo giảm giá “mua 1 tặng 3, tặng 4”, “giảm giá 70%”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, loại bánh được khuyến mãi, giảm giá không phải hàng chính hãng mà là hàng nhái, bánh nhỏ và không có thương hiệu. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu cho biết, với giá nguyên liệu trên thị trường hiện nay, nếu làm đàng hoàng cũng không thể có giá bán rẻ đến mức 7.000 đồng/bánh (và còn rẻ hơn nếu bán sỉ). 

Về nguyên tắc, hàng hóa không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ sẽ không được kinh doanh, nhưng nhiều cơ sở đã đối phó với quy định này bằng những loại nhãn mác có thông tin nửa vời, mập mờ khiến người mua không dễ nhận ra nếu không quan sát kỹ.

Ban quản lý (BQL) chợ An Đông (Q.5) thừa nhận, khu vực chợ có bán bánh tự làm, chủ yếu do người dân và các lò bánh nhỏ tự làm bán cho khách quen. Theo BQL chợ, nếu tiểu thương không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và an toàn thực phẩm (ATTP), sản phẩm không có bao bì nhãn mác rõ ràng sẽ không cho bán. Dẫu vậy, vẫn có tình trạng “mượn” giấy tờ để hợp thức hóa bánh trung thu không nhãn mác. Hơn nữa, khu vực vòng ngoài không thuộc quyền quản lý của chợ nên cũng khó xử lý.

TS Phan Thế Đồng, giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm và Dinh dưỡng trường ĐH Hoa Sen TPHCM, khuyến cáo, khi ăn phải những loại bánh trung thu không có nguồn gốc, không rõ thành phần thì rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe như dễ mắc bệnh về gan, thận, ung thư…; ngoài ra còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hệ sinh sản.

Bên cạnh đó, bánh trung thu có thời hạn lâu dài thì chắc chắn có rất nhiều phụ gia trong đó như chất bảo quản, chất chống oxy hóa, phẩm màu… để làm bánh đẹp, ngon, mềm, ít bị khô. Bánh mà không có chất phụ gia thì thời hạn sử dụng rất ngắn.

Chuyên gia ATTP Vũ Thế Thành cho biết, nguyên tắc thực phẩm đã chế biến qua nhiệt không thể để ở nhiệt độ thường mà phải bảo quản mát không quá 4 độ C, hoặc phải luôn trong tình trạng hâm nóng, theo luật của Mỹ. Theo tiêu chuẩn của một vài tiểu bang Mỹ, các loại bánh chưng, bánh trung thu không cho phép để ở nhiệt độ thường quá 24 tiếng. Có dùng bảo quản cũng chỉ được tối đa một tuần.

BQL ATTP TPHCM khẳng định, thời gian qua, các đoàn liên ngành quận, huyện thường xuyên kiểm tra đột xuất tình hình sản xuất, kinh doanh bánh trung thu. Trong đó tập trung ở cơ sở sản xuất, đầu mối kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện các sai phạm nghiêm trọng.

“Trong quá trình kiểm tra, đoàn sẽ thực hiện lấy mẫu nhóm có nguy cơ cao gây mất ATTP, trong đó tập trung vào những sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về chất lượng thực phẩm. Thực hiện truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đối với những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không đảm bảo ATTP và xử lý nghiêm khi có vi phạm”, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL ATTP TPHCM, nói.

Nhan nhản đồ chơi trôi nổi

Nhiều loại đồ chơi như lồng đèn phát nhạc, đồ chơi ánh sáng, mặt nạ… được cánh hàng rong dí tận tay trẻ em tại các điểm vui chơi, phố đi bộ Nguyễn Huệ, giá từ 15.000-50.000 đồng/món. Bên cạnh đó, các loại dao, súng, kiếm… cũng được bày bán đầy ở các cửa hàng trên đường Ngô Nhân Tịnh (Q.5), chỉ cần khách có yêu cầu, số lượng bao nhiêu cũng có. TS Hoàng Minh Nam, Hội Hóa học TPHCM, lưu ý, sẽ rất nguy hiểm khi trẻ chơi những loại đồ chơi nhiều màu sắc, vì khi đó bé rất dễ nuốt và hít phải những hạt bụi màu li ti bay ra trong quá trình vui chơi. Để tạo nên màu sắc trên sản phẩm, người ta thường sử dụng các ion kim loại, nhất là các ion kim loại nặng. Chất này nếu tích tụ lâu trong cơ thể sẽ dẫn đến khả năng mắc ung thư. Với đồ chơi phát sáng, nếu tiếp xúc nhiều sẽ tăng nguy cơ suy giảm thị lực, thoái hóa điểm vàng và nhiều bệnh nguy hiểm cho mắt. 

Nhiều mâm cỗ Trung thu năm nay sẽ thiếu đi trái bưởi?

Tết Trung thu năm nay rơi vào tháng 9 (không phải tháng 10) nên các loại bưởi ở miền Bắc chưa kịp rộ, cộng với mưa gió,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Phương ([Tên nguồn])
Tết Trung thu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN