Bảo vệ nông sản Đà Lạt hay “ngăn sông cấm chợ”?
Được biết, từ ngày 15.9, chợ nông sản Đà Lạt (Lâm Đồng) sẽ thực hiện quy chế cấm đưa các loại nông sản có xuất xứ từ bên ngoài vào chợ. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này dù nhằm mục đích bảo vệ thương hiệu nông sản địa phương nhưng không phù hợp với tự do thương mại.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng khẳng định, đây không phải là một văn bản, mệnh lệnh hành chính của chính quyền địa phương. Quy chế này là của Ban quản lý chợ, được xây dựng dựa trên những mục đích, tiêu chí thành lập chợ ngay từ ban đầu.
Sở dĩ Ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt đưa ra quy chế này là vì khi chợ được xây dựng ở khu vực Trại Mát thì tiêu chí ban đầu là hỗ trợ nông dân tiêu thụ các nông sản được sản xuất trên đất Đà Lạt. Vì vậy, nếu xét theo tiêu chí này thì việc Ban quản lý chợ ban hành quy chế cấm đưa nông sản từ bên ngoài vào chợ cũng là hợp lý. Những tiểu thương kinh doanh nông sản Đà Lạt tại chợ còn được hưởng những ưu đãi khác về mặt bằng, miễn giảm phí…
Lực lượng chức năng thu giữ số lượng khoai tây Trung Quốc "phù phép" thành khoai tây Đà Lạt. Ảnh: I.T.
“Cũng không có chuyện cấm các nông sản của Trung Quốc vào Đà Lạt, vì mình cấm người ta được, người ta cũng có quyền cấm ngược lại. Ở đây là không cho sản phẩm ở nơi khác ở khu chợ kinh doanh nông sản Đà Lạt, còn ở những chợ đầu mối, chợ dân sinh khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hàng hóa từ các nơi vẫn lưu thông bình thường, miễn là đảm bảo giấy tờ, nguồn gốc hàng hóa” – ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, để giữ vững thương hiệu nông sản Đà Lạt, phải đấu tranh tự vươn lên là chính, theo đó phải tái cơ cấu lại sản xuất để giá thành hạ, đảm bảo chất lượng và số lượng cung cấp cho thị trường.
“Để giải quyết dứt điểm vấn đề, theo tôi, ngoài việc tăng cường các công cụ nhận diện thương hiệu thì cũng phải đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất để làm sao hạ giá thành sản xuất. Thực tế, hiện nay, sở dĩ một số tư thương cố tình có các hành động gian lận thương mại vì hiện nay chế tài chưa được rõ ràng nên khó xử lý khi phát hiện sai phạm” – ông Sơn nói.
Trên thực tế, từ nhiều năm nay, các tư thương đã lợi dụng sự mập mờ này để rửa sạch khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc, sau đó trộn đất đỏ Đà Lạt vào mang đi nơi khác tiêu thụ, khi bị phát hiện, lực lượng chức năng cũng không biết xử lý theo nghị định nào, chế tài ra sao nên rất khó xử lý dứt điểm.
“Tôi cho rằng đây là một cuộc đấu tranh trường kỳ, không chỉ với khoai tây mà còn với nhiều mặt hàng nông sản khác của Lâm Đồng, thực tế khoai tây Trung Quốc, tỏi Trung Quốc chất lượng kém hơn hẳn của Đà Lạt nên dù giá có cao gấp 2- 3 lần người tiêu dùng vẫn chấp nhận. Đây cũng chính là kẽ hở khiến nhiều người hám lợi, làm giả hàng nông sản Đà Lạt để kiếm lợi” – ông Sơn khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng (ngoài cùng bên phải) thăm một vườn ươm giống. ảnh: I.T.
Để từng bước ngăn chặn vấn nạn này, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã tăng cường kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm các loại hàng hóa nhập khẩu vào địa bàn, nếu vi phạm về chất lượng, nhập khẩu không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ sẽ kiên quyết tiêu hủy.
Hiện, Lâm Đồng cũng đang thực hiện dự án nhận diện thương hiệu khoai tây Đà Lạt, theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ hỗ trợ khoảng 1 tỷ đồng để in ấn 200.000 bao bì hỗ trợ các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ khoai tây Đà Lạt. Bao bì này được thiết kế gắn với thương hiệu Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành (thương hiệu chung dùng để quảng bá nông sản Đà Lạt được công bố vào cuối tháng 2.2017).
“Tuy nhiên, theo tôi, giải pháp quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu khoai tây theo hướng bền vững, có liên kết với doanh nghiệp. Hiện, diện tích khoai tây của Lâm Đồng đạt khoảng 1.245-1.700 ha/năm, sản lượng từ 30.000-34.000 tấn. Trong đó, diện tích trồng theo VietGAP là 560 ha, sản lượng đạt 11.900 tấn” – ông Sơn khẳng định.