“Bảo mẫu” cho Chúa Sơn Lâm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Việc làm “bạn” với hổ không hề dễ, dù nuôi từ nhỏ đến lớn thế nhưng rất khó để tiếp xúc trực tiếp với Chúa Sơn Lâm. Ngoài việc nuôi dạy chúng, những người nuôi hổ phải thể hiện được vai trò của một “bảo mẫu” chăm hổ như con và kiêm luôn vai trò của bác sĩ thú y để chữa trị cho chúng khi ốm đau, bệnh tật.

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp gặp anh Lê Duy Thế (SN 1983, trú tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An) là cán bộ quản lý Khu Sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm – là người trực tiếp chăm sóc loài vật được mệnh danh là Chúa Sơn Lâm. Trong cuộc trò chuyện với PV ĐS&PL, anh Thế lần đầu trải lòng về những khó khăn, vất vả khi trở thành “bảo mẫu” chăm sóc cho những “vị vua” của núi rừng.

Anh Thế chia sẻ, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Nghệ An, chuyên ngành bác sĩ thú ý, anh về làm việc tại Khu Sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm đến nay đã được 7 năm. Công việc hàng ngày là quản lý, chăm sóc các loài thú ở trong Khu Vườn thú, đặc biệt trong đó, có 35 con hổ chủ yếu giống Ben-gan với trọng lượng và kích thước khác nhau.

Giống hổ vàng ben-gan.

Giống hổ vàng ben-gan.

Chăm hổ hơn chăm con mọn

Trải lòng về nghề làm “bạn” với Chúa Sơn Lâm, anh Thế cho biết, đối với loài hổ trong môi trường nuôi nhốt khi hổ mẹ sinh xong, thường phải tách hổ con ra nuôi riêng. Bởi, khi sinh xong, hổ mẹ thường dễ bị stress do ảnh hưởng của môi trường bên ngoài, có thể làm tổn thương hổ con. Thêm nữa, điều kiện vệ sinh chuồng trại khi sống chung khó có thể đảm bảo cho hổ con phát triển khoẻ mạnh. Việc chăm sóc hổ con không khác gì chăm sóc con mọn, thậm chí còn vất vả hơn.

Hổ trắng ben-gan.

Hổ trắng ben-gan.

Nhiều năm làm công việc chăm sóc hổ, anh Thế vẫn còn nhớ đầu năm 2020, anh có phụ trách nuôi 1 chú hổ con. Lần đó, anh phải cho nó ở chung phòng làm việc với mình vì hàng đêm, phải cho hổ con bú sữa bình, giữ nhiệt độ ổn định và phải theo dõi sức khoẻ hàng giờ.

“Dịp đó, khoảng một tháng tôi không về nhà. Ngày nào cũng vậy, tôi phải thức khuya, dậy sớm, ngủ không đủ giấc vì hổ con có nhu cầu bú sữa khoảng 3 tiếng 1 lần. Chưa kể, luôn phải theo dõi biểu hiện sức khoẻ, trạng thái phát triển của hổ con, vệ sinh môi trường sống để đảm bảo cho chúng luôn khỏe mạnh. Phải nói rằng, chăm một con hổ con còn vất vả hơn chăm con mọn”, anh Thế nói.

Sau hơn một tháng chăm sóc, 3 chú hổ con phát triển ổn định, khoẻ mạnh và được đưa trở lại môi trường nuôi nhốt, nhưng hàng ngày anh vẫn phải quan sát tỉ mỉ mọi sinh hoạt của chúng, cho chúng ăn, theo dõi chặt chẽ để đảm bảo các “bé” này thích nghi với cuộc sống mới.

Hổ cũng giống như các loài vật khác, khi được con người chăm sóc từ nhỏ thì chúng cũng có tình cảm với mình. Anh Thế cho hay, mỗi con hổ mình trực tiếp chăm sóc khoảng 4 tháng, nó cũng thân thiện với mình hơn. Loài hổ nhận biết “người quen” qua việc đánh mùi và thể hiện tình cảm bằng cách cọ xát đầu vào người mình.

“Khi chăm một con hổ con từ nhỏ nó sẽ nhận biết mùi của mình và chúng đánh mùi rất thính. Chỉ cần mình vừa vào đến ngoài cổng thì hổ trong chuồng đã đánh hơi thấy và cọ xát vào cửa chuồng để thể hiện sự vui mừng”, anh Thế vui vẻ chia sẻ.

Anh Thế trao đổi với phóng viên ĐS&PL về quá trình chăm nuôi hổ.

Anh Thế trao đổi với phóng viên ĐS&PL về quá trình chăm nuôi hổ.

Tuy nhiên, dù hổ có tình cảm với người chăm sóc, nhưng khi hổ đã trưởng thành (trọng lượng khoảng 50kg), thì tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với nó. Vì bản năng của động vật ăn thịt, máu lạnh, săn mồi luôn tồn tại trong chúng. Khi mình có những biểu hiện giống con mồi, thì hổ sẽ vồ ngay.

“Bản năng của loài hổ khi gặp mình nó sẽ nhảy vồ lên người, nếu như trụ lại được thì sẽ không sao. Nếu mình ngã xuống thì theo bản năng nó sẽ cắn mình ngay lập tức. Cho nên, dù là người chăm sóc hổ hàng ngày, cũng phải giữ khoảng cách an toàn với nó”, anh Thế chia sẻ.

Cái nghề “chẳng giống ai”

Sau khi dẫn chúng tôi mục sở thị đàn hổ, anh Thế tiếp tục kể về những vất vả trong cái nghề “chẳng giống ai” này. Hàng ngày, khi bắt đầu công việc chăm sóc hổ, những “bảo mẫu” như anh Thế sẽ tiến hành vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, thậm chí ngay cả những đống phân hổ thải ra cũng phải quan sát kỹ lưỡng xem có gì bất thường không để báo cáo lãnh đạo.

Con hổ được anh Thế nuôi từ nhỏ thể hiện sự thân thiện.

Con hổ được anh Thế nuôi từ nhỏ thể hiện sự thân thiện.

Để tạo ra môi trường sống tốt cho các Chúa Sơn Lâm, hàng ngày hổ sẽ được thả ra môi trường tự nhiên rộng khoảng 10ha để chúng thoải mái di chuyển, chạy, nhảy theo bản năng. Đến khoảng 16h30, các cán bộ chăm sóc vườn thú sẽ cho hổ ăn, rồi nhốt từng con vào chuồng riêng. Thức ăn của hổ chủ yếu là các loại thịt như: bò, lợn, gà nguyên đùi... Trung bình mỗi ngày hổ ăn hết khoảng 4kg – 7kg thịt. Hàng tuần, sẽ cho hổ nghỉ ăn 1 ngày.

Khi cho hổ ăn, các nhân viên phải tuân thủ các biện pháp an toàn, chỉ đưa thức ăn qua khe cửa chuồng. Quá trình hổ ăn cũng phải theo dõi biểu hiện bỏ ăn hay không. Đặc biệt, phải hiểu được sở thích, tính nết từng con để có biện pháp chăm sóc, cho ăn hợp lý...

Đối với hổ, nếu bị stress chúng bỏ ăn 10 ngày là chuyện bình thường nhưng cũng cần phải theo dõi sức khoẻ thường xuyên. Việc khám cho hổ là một vấn đề rất khó khăn vì không thể tiếp xúc trực tiếp với nó, nên cần phải có kinh nghiệm nhìn biểu hiện lâm sàng chẩn đoán. Đồng thời, xác định bệnh qua phân thải của hổ.

“Khó khăn lớn nhất khi nuôi hổ đó là khám sức khoẻ cho nó. Vì không thể tiếp xúc gần với nó để đo nhiệt độ, thăm khám được. Còn nếu gây mê khi hổ đang mệt, thì chỉ số an toàn cho nó rất thấp”, anh Thế bộc bạch.

Về vấn đề sinh sản của hổ cũng rất đặc biệt, thời gian có bầu của con cái thường 120 ngày, mỗi lần sinh 3-4 con. Nếu trong môi trường nuôi nhốt không tốt, thì sức khoẻ sinh sản của hổ thường bị giảm. Quá trình động dục của hổ cái thường diễn ra trong 3-4 ngày liên tục, khi đến kỳ sinh sản hổ cái thường cọ xát vào tường bên cạnh con đực để thể hiện. Thời gian này, hổ cái có nhu cầu rất cao.

“Hổ có đặc điểm nhu cầu giao phối rất cao, mỗi ngày khoảng 20-25 lần giao phối và diễn ra trong vòng 3-4 ngày liên tục. Cho nên, để đảm bảo sức khoẻ cho con đực, mỗi đời của con cái thường phải thay 2 con đực”, anh Thế cho biết.

Theo anh Thế, vòng đời của hổ thường khoảng 15 năm trở lại trong môi trường nuôi nhốt. Để nâng cao trình độ nuôi hổ tốt hơn, người chăm sóc phải luôn không ngừng học hỏi, tìm hiểu các tài liệu khoa học vì đây là loài động vật quý hiếm, ít người có kinh nghiệm. Muốn làm được công việc này phải hiểu được tính cách, tập tính của từng cá thể hổ, có như vậy thì mới biết khi nào hổ mệt, khi nào hổ vui. Và trên hết, những “bảo mẫu” chăm sóc hổ không chỉ có sự can đảm, khéo léo mà còn phải có tình yêu thương với động vật.

Chia tay anh Thế cùng những “vị vua” của núi rừng, chúng tôi phần nào hiểu hơn về loài động vật hiếm thấy ngoài đời thực. Đồng thời, cảm nhận được nỗi vất vả, cực nhọc..., nhưng luôn tràn đầy nhiệt huyết và trách nhiệm của những “bảo mẫu” chăm sóc hổ thầm lặng.

Hổ được thả trong vườn thú.

Hổ được thả trong vườn thú.

Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm hiện đang nuôi hàng chục loài thú quý hiếm như tê giác, linh cẩu, linh dương sừng kiếm, hà mã, sư tử, ngựa vằn và gần 40 con hổ trắng, hổ vàng trong môi trường bán hoang dã.

Với không gian rộng rãi, khí hậu trong lành và thiết kế chuồng trại giống điều kiện sống tự nhiên của các loài vật, phần lớn các con thú ở đây tăng trưởng và sinh sản rất tốt. Các động vật quý hiếm như hổ trắng, hổ vàng, sư tử, linh cẩu, linh dương sừng kiếm… đều sinh được các con thú con khỏe mạnh.

Hình ảnh những người lao động mưu sinh  ở Hà Nội

Ngày cuối năm, nhà nhà quây quần bên mâm cúng tất niên để chờ đón giao thừa, nhưng vẫn còn đâu đó những người lao...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Bình ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN