Báo động hàng Việt bị làm giả tại nước ngoài

Hàng Việt giờ đây không chỉ bị làm giả trong nước, mà còn bị làm giả tại nước ngoài rồi được các đối tượng “tuồn” về Việt Nam tiêu thụ…

Thực tế này được lãnh đạo Bộ Công thương thừa nhận tại cuộc họp công bố triển khai chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt 2015 – Tự hào hàng Việt Nam”, chiều 3/7.

Theo Bộ Công Thương, ngoài hiện tượng hàng giả bị làm giả trong nước thì nay cũng phát sinh hiện tượng nước ngoài làm giả hàng Việt. “Tuy nhiên, điều này chứng tỏ hàng Việt đã có vị trí nhất định trong lòng người tiêu dùng” - ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận xét. Và để nâng cao hơn nữa nhận diện của người tiêu dùng đối với hàng Việt, ông Quyền cho biết, tới đây Bộ Công thương sẽ chính thức triển khai chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt 2015 – Tự hào hàng Việt Nam”.

Báo động hàng Việt bị làm giả tại nước ngoài - 1

Sản phẩm tham gia Tuần lễ nhận diện hàng Việt không phân biệt quy mô, loại hình doanh nghiệp 

Chương trình này nằm trong khuôn khổ Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014-2020” do Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 và trong Kế hoạch số 99/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ ngày 18 tháng 6 năm 2015 về việc triển khai các hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động trong năm 2015 và định hướng 2016.

Đánh giá về tuần nhận diện hàng Việt, theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, đây là một giải pháp hỗ trợ thực hiện thành công mục tiêu của Đề án “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam”. Cụ thể, đến năm 2015, 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến cuộc vận động; đến năm 2020, trên 70% biết đến nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Ngoài ra, tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên trên 70%...

“Chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt 2015 – Tự hào hàng Việt Nam” được tổ chức với mục tiêu không chỉ giúp người tiêu dùng, doanh nghiệp nhận diện hàng Việt, mà còn tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời, ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp đã nỗ lực, không ngừng sáng tạo để tạo ra các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao vì người tiêu dùng Việt cũng như hướng đến người tiêu dùng toàn cầu”- Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh.

Vì thế, dù với tên gọi là “Tuần lễ nhận diện hàng Việt” nhưng sẽ có nhiều hoạt động xuyên suốt diễn ra trong vòng hơn 3 tháng (từ nay tới tháng 10/2015) để người tiêu dùng biết đến các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ uy tín, có chất lượng, các sản phẩm mới…

Ngoài ra, để chống hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có thể len lỏi vào chương trình, ông Võ Văn Quyền nói thêm, ngoài việc phải qua vòng “tuyển lựa” của một Hội đồng tuyển chọn thì chương trình sẽ kết hợp với lực lượng Quản lý thị trường để kiểm soát “đầu vào” sản phẩm tham gia, nhằm đảm bảo đem lại uy tín, yên tâm cho người tiêu dùng.

Về đối tượng sản phẩm và doanh nghiệp tham gia, Thứ trưởng Thoa cho hay, chương trình không giới hạn chủng loại mặt hàng, sản phẩm Việt của các doanh nghiệp, miễn là sản phẩm đó được sản xuất tại Việt Nam. “Mục tiêu lớn nhất của chương trình là người tiêu dùng nhận diện được càng nhiều sản phẩm Việt càng tốt. Vì thế sẽ không phân biệt quy mô, loại hình doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, miễn là sản phẩm đó được sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam” – bà Thoa nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Hoài (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN