"Bánh trung thu quá đắt đỏ, một vốn 40 lời": Nhiều ý kiến trái chiều
“Bánh trung thu Việt chỉ có thể nói là quá đắt, đắt kinh khủng"; là "một vốn bốn mươi lời" chứ không phải một vốn bốn lời”... Chia sẻ trên thu hút hàng trăm bình luận với hàng trăm ý kiến trái chiều trong mấy ngày gần đây.
Bánh trung thu cổ truyền vốn là món quà bánh biểu hiện lòng hiếu thảo của con cháu với cha mẹ, bày tỏ sự yêu mến với bạn bè, người thân trong mỗi mùa Tết đoàn viên. Nhưng cũng có một nghịch lý, đó là nhiều cơ sở đua “sáng tạo” mẫu mã mới, đẩy giá bánh cao vượt mức giá trị thực trở thành thứ đồ đắt đỏ, xa xỉ.
Khảo sát tại các điểm bán bánh của các hãng bánh quen thuộc, cho thấy, một chiếc bánh có giá bán từ 55.000 - 80.000 đồng/cái, một hộp (4 cái) có giá phổ biến khoảng 250 - 320.000 đồng/hộp. Nhưng, cũng có nhiều loại bánh có giá lên tới vài triệu đồng/hộp.
Bánh trung thu có nhiều mức giá phù hợp với nhiều loại nhân, trọng lượng, mẫu mã khác nhau
Mới đây, chia sẻ về câu chuyện giá bánh trung thu trên thị trường, nhiều ý kiến cho rằng giá bánh mà một số hãng đang bán là “một vốn bốn mươi lời”.
Cụ thể, một tài khoản có tên Đình Nguyễn cho hay, anh đã từng tự làm một cái bánh trung thu, chi phí nguyên liệu chỉ khoảng vài chục nghìn đồng, chưa tính đến tiền điện khi nướng bánh. Trong khi đó, chiếc bánh đó được bán ra thị trường có giá gấp cả chục đến cả trăm lần.
“Bánh trung thu Việt chỉ có thể nói là quá đắt, đắt kinh khủng" đến mức không tưởng. Là "một vốn bốn mươi lời" chứ không phải một vốn bốn lời...
Từ cái bánh trung thu truyền thống gắn liền tuổi thơ năm nào, nay được bọc trong những chiếc hộp cầu kỳ, trở thành món hàng xa xỉ để biếu tặng. Chính vì để phục vụ chuyện biếu xén như vậy nên giá trị vật chất của chiếc bánh cũng sẽ cộng thêm vào ngoài chi phí kinh doanh, sản xuất. Chiếc bánh khi xưa chỉ có 10.000 - 20.000 nay được bán với giá cả trăm, cả triệu đồng, dù chưa chắc đã ngon bằng (ngoài những vỏ bọc lộng lẫy và được nhà sản xuất quảng cáo đủ thứ nguyên liệu thượng hạng).” tài khoản Đình Nguyễn nói.
Nhiều ý kiến cho rằng bánh trung thu đang bán có mức giá quá đắt so với tiền nguyên liệu
Ý kiến trên sau khi được chia sẻ đã thu hút hàng trăm bình luận và tương tác, trong đó có khá nhiều ý kiến trái chiều.
Tài khoản Kha Bui bình luận: "Bánh trung thu nếu tự làm sẽ rất rẻ. Thực tế, nhà tôi có đủ loại máy làm bánh, vợ tôi cũng tự làm bánh trung thu để biếu tặng người thân, nên tôi biết người làm số lượng lớn sẽ lãi rất nhiều."
Đồng quan điểm, tài khoản có tên Long bày tỏ: "Phải nói là bánh trung thu hàng Việt Nam quá đắt. Cả năm có một vụ nên người ta cứ mặc sức nâng giá bán. Kể cả mua nguyên liệu giá siêu thị cũng chẳng đến 15.000 đồng một cái. Làm thủ công bán giá 20 nghìn đồng là lãi tới 10 nghìn/cái rồi. Nếu hàng nhà máy còn rẻ hơn vì nhập nguyên liệu số lượng lớn, có công nghệ, máy móc tự động. Vậy thử hỏi có vô lý không?".
Một tài khoản khác cũng cho rằng, “việc bỏ ra 60.000 - 80.000 đồng để mua một cái bánh trung thu là khá đắt đỏ. Mức giá đó bằng hơn nửa kg thịt heo loại ngon”...
Song nhiều người khác thì cho rằng bánh không hề đắt nếu so với ý nghĩa mà nó mang lại
Tuy nhiên, tài khoản Lê Quân thì cho rằng, bánh đắt là ở bao bì sang chảnh, phục vụ mục đích biếu xén là chính. Bên cạnh đó, theo tài khoản này, họ bán như vậy là tính cả giá rủi ro. Vì cả năm chỉ bán trong mấy ngày. Không thể đem bài toán kinh doanh hàng hóa thường ngày áp cho thời vụ được. Qua ngày rằm nếu còn tồn, khi đó biết bán cho ai?
Một số tài khoản khác thì so sánh 1 ly trà sữa 70 nghìn, 1 cốc cafe 50-80 nghìn, nhiều bạn vẫn uống hàng ngày, trong khi bánh trung thu được làm kỳ công hơn rất nhiều mà chỉ dùng vào dịp trung thu. Một chiếc bánh trung thu có giá 80 nghìn mà bạn cho rằng đắt thì tốt nhất “mang nửa cân thịt về mà phá cỗ”.
- "Đúng vậy, bạn có thể bỏ 50-100 nghìn mua trà sữa, xem phim Mỹ phim Hàn,... trong khi mua một sản phẩm Việt được làm thủ công, lại có nhiều ý nghĩa thì kêu ngáo giá. Nếu thấy không hợp, bạn có thể không mua được mà. Thậm chí, bạn có thế mua nguyên liệu về làm ăn cho rẻ..."
Người tiêu dùng có thể chọn lựa nhiều loại giá và thương hiệu khác nhau, thậm chí có thể tự làm
- “Vẫn biết giá bánh có cao, nhưng thật khôi hài khi một số bạn nói “một vốn bốn mươi lời” hay “ngáo giá”. Bạn thử làm 1 mẻ bánh nướng nhân thập cẩm và tính công từ lúc đi mua nguyên liệu đến khi hoàn thiện xem sẽ tốn bao nhiêu công? Doanh nghiệp họ bán ra thị trường 1 cái bánh, họ phải tính tất cả chi phí đầu tư máy móc, cơ sở sản xuất, nguyên liệu, quảng cáo, chiết khấu cho đối tác, thuế phí, vận chuyển, lợi nhuận... nên giá cao cũng không đến mức như bạn nói? Chưa kể, những hộp bánh tiền triệu đều là bánh biếu. Ngoài cái bánh bên trong, thì chiếc hộp bánh nó thể hiện một ý nghĩa giá trị hơn, thậm chí nhiều hãng họ còn kèm theo chai rượu, hộp chè nữa mà...”
Đồng quan điểm, tài khoản Chien Thang bình luận: Thực ra cái bánh trung thu nó có 2 giá trị, thứ nhất nó là loại bánh để ăn; giá trị thứ 2 của nó là về mặt tinh thần. Nó là loại bánh truyền thống trong dịp Tết trung thu, với nhiều gia đình mâm cỗ trông trăng nhất định không thể thiếu. Bánh trung thu còn có thể dùng làm quà biếu, tặng. Bánh trung thu mà bạn cho rằng đắt, nó không chỉ ngon (có hương vị đặc trưng) mà còn đảm bảo sạch (vệ sinh an toàn thực phẩm). Ngoài ra, một hộp bánh có thương hiệu khi được dùng làm quà biếu tặng, nó thực sự có ý nghĩa, mang lại niềm vui - giá trị tinh thần rất lớn cho cả người bán, người mua dùng làm quà biếu tặng và người được nhận. Đó chính là những điều tạo nên cái giá đắt đấy bạn à. Giá trị của chiếc bánh đắt hay không đơn giản còn tuỳ vào nhu cầu và cách sử dụng của bạn nữa.
Nguồn: [Link nguồn]
Bánh trung thu trứng chảy, bánh nướng ngàn lớp nhập lậu, không hóa đơn chứng từ dù liên tục bị lực lượng chức năng thu giữ nhưng vẫn được bày bán công khai từ chợ, cửa...