Bánh kẹo Trung Quốc siêu rẻ ồ ạt nhập lậu vào Việt Nam

Sự kiện: Kinh Doanh

Đồng Nhân dân tệ rớt giá càng thúc đẩy các thương lái gia sức nhập lậu bánh kẹo Trung Quốc về Việt Nam để tiêu thụ trong dịp Tết Trung thu.

Bánh kẹo Trung Quốc nhập lậu bày bán tràn lan tại các cửa hàng trong nước

Bánh kẹo Trung Quốc nhập lậu bày bán tràn lan tại các cửa hàng trong nước

Giá siêu rẻ, bánh trung thu Trung Quốc có hạn nửa năm

Nếu như trước đây, muốn mua bánh kẹo nội địa Trung Quốc, khách hàng phải đặt nhiều ngày trên các trang mua bán online thì vài tháng trở lại đây, loại sản phẩm này được bày bán công khai tại các khu dân cư. Không những đa dạng về mẫu mã, loại bánh kẹo này còn được bán giá khá “mềm”, chỉ từ 5-10 nghìn đồng/chiếc nên nhanh chóng thu hút khách hàng, dần hình thành sức mua ổn định.

Tại một tiệm tạp hóa ở Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), theo quan sát trong số hơn 5.000 mặt hàng được bán thì hàng nội địa Trung Quốc bao gồm nhiều loại bánh kẹo đã chiếm 1/4 số lượng sản phẩm. Chị T, chủ cửa hàng không ngần ngại cho biết: “Hiện nay so với nhiều mặt hàng cùng loại với Việt Nam như bánh mì, bánh kem xốp, hàng nội địa Trung Quốc được tìm mua nhiều hơn và bán cũng chạy hơn. Hàng này có nhiều loại, “xịn” cũng có mà “đểu” cũng có, giá nào cũng có” .

Từ bánh sữa chua, bánh mochi cho tới hàng loạt các loại bánh mì, bánh kem, bánh bông lan ăn nhanh của Trung Quốc trước còn rất xa lạ nay đã trở thành mặt hàng quen thuộc đối với nhiều khách hàng. Hầu hết các mặt hàng này đều không có nhãn phụ, dấu kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng. Khi được hỏi về xuất xứ, nguồn gốc, chính người bán lẻ tại các khu mua sắm cũng chỉ biết giải thích chung chung rằng đây là “hàng nội địa”.

Để tìm hiểu rõ hơn về mặt hàng này, chúng tôi tìm tới một địa chỉ đổ buôn số lượng lớn đồ ăn vặt Trung Quốc trong một ngõ nhỏ tại phố Đội Cấn, Hà Nội. Không biển hiệu, không cửa hàng hay đăng ký kinh doanh, thế nhưng căn phòng trọ chưa đầy 40m2 này là nơi cung cấp cho thị trường hàng trăm mặt hàng ăn vặt có xuất xứ Trung Quốc với số lượng lớn. Chủ mối cho biết không mở cửa hàng một phần lo sợ bị đánh thuế, một phần lo ngại sẽ “nhùng nhằng” khi bị kiểm tra nguồn gốc vì những sản phẩm này hầu hết được người nhà bên Trung Quốc chuyển về.

Điểm chung của các mặt hàng này là những loại thực phẩm không tem mác, nhãn phụ và có thời hạn sử dụng rất dài từ vài tháng cho tới vài năm. Đáng nói, thời gian gần đây, bánh trung thu Trung Quốc đang trở thành một trong những hàng hot được săn đón trong Nam ngoài Bắc. Mặc dù không rõ về thành phần hay dư lượng chất bảo quản nhưng theo chủ mối giới thiệu, ưu điểm của bánh trung thu Trung Quốc chính là siêu rẻ và hạn sử dụng dài hơn gấp đôi so với hàng của Việt Nam. Cụ thể giá bán một hộp 6 chiếc bánh trung thu nhân trứng muối của Trung Quốc chỉ bằng giá của 1 chiếc bánh cùng loại do các hãng trong nước sản xuất. “Mỗi hộp bánh Trung thu nhân trứng muối với giá sỉ 60 nghìn đồng bán ra khoảng 90 - 100 nghìn đồng, khách mua đông lắm. Không giống bánh Trung thu Việt Nam chỉ để được 3 tháng, loại bánh này để được 6 tháng không việc gì”, chủ mối khẳng định và cho biết: “Cần mua bao nhiều chốt số lượng với chị thì khoảng 1 tuần là có, hàng nhà chị không chỉ cung cấp cho Hà Nội, mà còn vào tận Đà Nẵng rồi miền Nam, họ mua còn nhiều hơn ở đây”.

Ra quân kiểm soát bánh trung thu Trung Quốc

Bánh Trung thu Trung Quốc được đổ buôn với giá chỉ 10 nghìn đồng/chiếc

Bánh Trung thu Trung Quốc được đổ buôn với giá chỉ 10 nghìn đồng/chiếc

Chia sẻ với PV, các chủ mối nhập bánh nội địa Trung Quốc cho hay, thời gian gần đây, hàng được chuyển về ồ ạt qua đường tiểu ngạch hoặc xách tay. Nguyên nhân không chỉ do nhu cầu của thị trường mà còn bởi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc rớt giá, là cơ hội tốt để nhập hàng với giá rẻ hơn. “Bây giờ đồng tệ giảm chỉ bằng gần nửa so với trước nên em yên tâm là giá rẻ hơn nhiều và đặt lúc nào cũng có”, một chủ mối hàng Trung Quốc cho biết.

Trước tình hình trên, mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu. Theo đó, các đơn vị quản lý thị trường ở địa phương được chỉ đạo kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh trung thu để kịp thời ngăn chặn các hành vi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất bánh trung thu quy mô lớn, đầu mối cung cấp, địa điểm tập kết nguồn hàng.

“Đối với các các tỉnh khu vực biên giới và các tỉnh chạy dọc theo tuyến vận chuyển từ biên giới vào nội địa, Tổng cục yêu cầu có phương án kiểm tra đột xuất, ngăn chặn và xử lý vi phạm về vận chuyển, kinh doanh các loại nhân bánh làm sẵn, bánh trung thu giá rẻ, bánh nghi ngờ có nguồn gốc từ nước ngoài nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo an toàn thực phẩm”, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương vào cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng bánh trung thu. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh: “Tết Trung thu là dịp nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, nước giải khát tăng đột biến. Nhiều cơ sở nghỉ cả năm nhưng chỉ sản xuất một vụ. Nếu không quản lý tốt, nguy cơ xuất hiện các loại sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng giả, sản phẩm không nguồn gốc, xuất xứ, trà trộn, lưu thông trên thị trường”.

Hà Nội: Thu giữ hơn 2 tấn bánh kẹo nhập lậu đang trên đường đi tiêu thụ

Ngày 22/12/2018, Đội QLTT số 11 cho biết, đơn vị đang tạm giữ gần 2,4 tấn bánh kẹo nhập ngoại không rõ nguồn gốc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Đăng ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN