Bán với giá cả trăm nghìn/kg nhờ biến "bạch ngọc" thành long nhãn
Do giống nhãn địa phương được thương lái thu mua với giá thấp nên lão nông Lò Văn Khọt, bản Nhạp (xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) đã có cách vừa bán nhãn được giá cao lại bảo quản được sản phẩm trong thời gian dài-đó là sơ chế nhãn tươi thành long nhãn.
Clip: Nghề bóc long nhãn ở các xã thuộc huyện Sông Mã dọc theo Quốc lộ 4G.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Lò Văn Khọt cho biết: "Gia đình tôi có 300 gốc nhãn cỏ, nếu bán quả tươi thì giá rất thấp mà đầu ra lại không ổn định nên chúng tôi mới phải tính đến làm long nhãn. Mỗi ngày, tôi phải thuê 15 người tham gia bóc cùng gia đình. Người nào làm nhanh được 50 kg tươi/ngày thì tôi trả công 200.000 - 250.000 đồng. Người làm bình thường được 30 kg thì tôi trả 150.000 đồng. Với nghề bóc long nhãn này, khi sản phẩm đã hoàn thành được thương lái thu mua với giá 100.000 - 130.000 đồng/kg".
Nói về quy trình làm long nhãn, ông Khọt tiết lộ: "Đầu tiên, nên chọn quả nhãn chín vừa tới để dễ xoáy cùi và tách vỏ, nếu quả chín quá, cùi dễ bị nát. Sau đó, phân loại quả nhãn rồi đem rửa sạch và để ráo nước".
Dùng bút xoáy để bóc vỏ và xoáy cùi sao cho cùi không bị rách, không bị bẩn.
Bút xoáy dùng để tách vỏ và cùi nhãn.
Cứ 10 kg quả nhãn tươi cho ra 1kg long nhãn.
Chuẩn bị khay được làm bằng tre hoặc kim loại rồi xếp cùi nhãn đã được bóc tách được vào khay, núm hướng lên trên. Những cùi nhãn xếp vào khay trông như những hạt bạch ngọc quý giá.
Nghề bóc vỏ nhãn đúng vào dịp nghỉ hè nên thu hút được nhiều em học sinh tham gia.
Chuẩn bị sắp khay cùi nhãn-bạch ngọc đã bóc cho vào lò.
Sau khi đưa "bạch ngọc"-cùi nhãn vào lò, quá trình sấy, nhiệt độ đảm bảo từ 60 – 70 độ C, sấy trong thời gian 24 tiếng, trong thời gian đó phải thường xuyên kiểm tra và đảo các khay lên trên, xuống dưới để đều nhau.
"Nghề bóc long nhãn này chỉ kéo dài hơn 1 tháng nên mùa này, bà con ở đây ai cũng rủ nhau đi bóc long nhãn thuê. Trung bình, mỗi ngày, 3 mẹ con tôi cũng làm được từ 60 - 70kg quả tươi nên cũng kiếm được từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày" - chị Vì Thị Hà, bản Nhạp (xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã) cho biết.
Công đoạn cuối cùng là đóng gói, dỡ cùi nhãn đã khô ra khỏi khay rồi nhặt loại bỏ các hạt bị quá lửa, đem đóng túi ngay để long nhãn không hút ẩm.