Bán vé thu tiền du khách thăm phố cổ Hội An: Nhiều ý kiến trái chiều
Phương án tăng cường quản lý hoạt động Hướng dẫn tham quan Khu phố cổ Hội An, từ 15/5, Hội An sẽ áp dụng yêu cầu du khách bắt buộc mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào phố cổ Hội An. Thông tin này đón nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Theo thông báo của cơ quan chức năng thành phố Hội An (Quảng Nam), từ ngày 15/5, du khách trong và ngoài nước bắt buộc phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào phố cổ Hội An. Giá vé 80 nghìn đồng/vé đối với khách trong nước, và 120 nghìn đồng/vé với khách quốc tế.
Lực lượng chức năng sẽ phân luồng lối đi tại các đường chính vào khu phố cổ. Theo đó, sẽ bố trí 2 lối đi riêng gồm một lối đi dành cho người dân địa phương và một lối đi dành cho du khách.
Theo Trung tâm VH-TT&TT-TH, hơn 25 năm qua, Hội An đã tổ chức bán vé tham quan trọn gói khu phố cổ Hội An cho du khách. Nguồn thu từ vé đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các di tích. Đồng thời, cũng từ nguồn thu này, thành phố đầu tư cho công tác nghiên cứu về di sản - di tích, các hoạt động về văn hóa nghệ thuật, sự kiện lễ hội, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường,….
Tuy nhiên đến nay, nhận thức về mục đích của việc bán vé tham quan của một vài cá nhân, đơn vị vẫn chưa đầy đủ, thiếu thông tin; việc thực hiện quy chế tham quan chưa đảm bảo, vẫn còn tình trạng cá nhân, đơn vị không mua vé, không đưa chương trình tham quan Di sản văn hóa thế giới - Khu phố cổ Hội An vào trong chương trình và kinh phí tour để bán cho du khách. Chính điều này đã làm giảm giá trị của một quần thể di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Nhận diện, phân luồng ra sao?
Ông N.Đ.T (chủ cửa hàng đồ lưu niệm sinh sống và buôn bán hơn 20 năm trên đường Trần Phú) đặt câu hỏi “Tôi cũng chưa tưởng tượng được lực lượng chức năng sẽ làm thế nào để nhận diện, phân luồng sao cho mọi người không bị mất tự nhiên và không thấy bất tiện. Bởi nếu cứ đi phân biệt theo luồng như vậy, du khách sẽ thấy rất mất tự nhiên, không thoải mái. Và khi khách họ không thoải mái khi đến đây thì rõ ràng sẽ không trở lại nữa. Còn hoạt động kinh doanh thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng rất nhiều khi khách ít đi. Cá nhân tôi nghĩ việc thu tiền vé thì không có vấn đề gì, tuy nhiên cách làm như thế nào để du khách họ đưa tiền mà vẫn thoải mái để không chỉ đến một lần mà còn trở lại nữa”, ông T bày tỏ.
Nhiều người lo ngại việc buộc tất cả du khách đến phố cổ phải mua vé, phân luồng lối đi sẽ khó giữ chân du khách
Anh H. (chủ một nhà hàng trên đường Nguyễn Thái Học, trong khu phố cổ) cho rằng, việc buộc mua vé lâu nay chủ yếu với khách đoàn thực tế cũng đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh nhà hàng. “Ảnh hưởng lớn lắm, làm khó quá họ không vào, và thực sự nó đã xảy ra rồi. Khách nhiều khi vào uống ly cà phê cũng phải mua cái vé là vô lý nên họ không chọn vô phố cổ nữa mà đi vòng vòng. Khách thì vắng nhưng tiền thuê mặt bằng, thuế, phí vẫn phải chi… thành ra phải bù lỗ miết. Dịch dã hoành hành, giờ ban hành thêm phương án này nữa thật sự rất khó khăn. Chỉ mong chính quyền xem xét thêm, nghĩ nhiều hơn nữa cho người nghèo trước khi ban hành hay áp dụng một chính sách, quy định nào đó. Chưa kể, phương án còn gây khó cho người dân. Nhiều người vào đi đám giỗ hay đi thăm người thân cũng bị làm khó, làm sao phân biệt được họ đi đâu, vì mục đích gì? Nhiều người vào nhà thờ, đi thắp hương cũng phải khai báo, cũng phải đưa người ra để bảo lãnh, nếu áp dụng thế này sẽ rất khó, rất mệt mỏi”, anh H. chia sẻ.
“Sắp tới địa phương cùng với ngành chức năng cũng sẽ họp với dân để tổ chức ghi nhận thêm ý kiến để làm tốt hơn. Tuy nhiên với một phương án nhằm chống thất thu và nâng cao chất lượng đối với du lịch Hội An thì tôi tin rằng, người Hội An sẽ ủng hộ thôi”. Ông Võ Đăng Phong - Chủ tịch UBND phường Minh An |
Ông Võ Đăng Phong, Chủ tịch UBND phường Minh An, thành phố Hội An cho biết, phường có khoảng hơn 1 nghìn hộ dân sinh sống trong khu phố cổ. Theo ông Phong, việc triển khai phát hành vé tham quan triển khai từ năm 2005 và thực tế đã phát huy hiệu quả, theo đó nguồn thu từ vé đã giúp trùng tu di tích. “Thực tiễn đánh giá việc quản lý hoạt động thu vé vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, đảm bảo nâng cao đời sống, mức sống người dân nâng cao, các di sản được quan tâm trùng tu bảo vệ. Kinh tế của bà con được nhìn nhận qua thực tế là có được nguồn thu, bà con có được đời sống tốt”, ông Phong nói.
Theo ông Phong, quy định du khách phải mua vé khi đến phố cổ Hội An đã được triển khai từ lâu tuy nhiên trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, nhiều yếu tố thay đổi do đó phương án tới đây chỉ là xốc lại, tổ chức lại để quản lý tốt hơn. Hiện tại, thành phố mới ban hành phương án và còn gần 2 tháng để triển khai. Từ nay tới 15/5, địa phương sẽ thông tin tuyên truyền cho người dân. “Hiện tại, có 17 hướng tuyến để đi vào phố cổ, trong đó 3 - 4 đường chính. Nếu áp dụng phương án mới thì người dân vẫn đi vào bình thường, có chăng là đối với những lối chính thì thành phố tổ chức đón tiếp giống như một số khu di sản khác chứ không để du khách đi đường hẻm đường luồng”.
Nguồn: [Link nguồn]
Liên quan đến những vướng mắc trong đàm phán giá điện các dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ trưởng...