Bán lẻ: Nội phá sản, ngoại lấn sân

Gần đây, nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã dừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản. Quy mô nhỏ, manh mún, chủ yếu là bán lẻ truyền thống nên các doanh nghiệp này sớm "chết yểu" và không cạnh tranh nổi với doanh nghiệp nước ngoài.

Những "cái chết"

Trước đây, tại quận Long Biên (Hà Nội), khi mới có khu đô thị mới Việt Hưng, Công ty siêu thị Hà Nội (thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Hapro) đã nhanh chân mở một siêu thị tại tầng 1, nhà K3. Sau đó, FC Mart cũng mở một siêu thị tại nhà P2. Từ khi mở cửa đến trước ngày BigC Long Biên và Trung tâm thương mại Vincom Long Biên đi vào hoạt động, hai siêu thị này lúc nào cũng đầy ắp người vào ra mua sắm.

Thế nhưng hiện nay, theo quan sát của PV, cả hai siêu thị này luôn vắng khách, chỉ hoạt động cầm chừng. Một nhân viên từng làm việc cho FC Mart cho biết, vì khách thưa quá nên công ty đành phải cắt giảm nhân viên. Thực tế, khi có nhu cầu, người dân trong khu đô thị mới Việt Hưng và các vùng lân cận giờ cũng chỉ thích ra BigC và Trung tâm thương mại Vincom mua sắm chứ không ai muốn đến các siêu thị nhỏ trên địa bàn.

"Thực ra hàng hoá ở đâu cũng như nhau, có thể siêu thị lớn rẻ hơn một chút nhưng ở đó lại có nhiều dịch vụ khác thu hút khách hơn như nhà hàng ăn uống, quán cà phê, điểm vui chơi giải trí cho trẻ con... " - nhân viên FC Mart nói.

Bán lẻ: Nội phá sản, ngoại lấn sân - 1

DN bán lẻ trong nước đang thua xa các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Vinh Phú - Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội biết, đúng là doanh nghiệp bán lẻ đang gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, với tình hình như hiện nay, trong năm 2013, sẽ còn nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam bị phá sản. Theo ông Phú, tại Hà Nội, tính riêng trong 6 tháng đầu năm, trong số 12.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản thì doanh nghiệp bán buôn bán lẻ chiếm tới 20% (chiếm khoảng 1/4). Trong số 21 thành viên của Hội siêu thị Hà Nội, các thành viên như Fivi Mart, Intimex... đã phải rút lại một số địa điểm kinh doanh. Về doanh thu, so với cùng kỳ năm ngoái, một số đơn vị đã bị tụt từ 5-10%.

Theo ông Phú, nguyên nhân doanh thu tuột dốc là vì sức mua giảm do giá hàng hoá ngày càng đắt đỏ. Người tiêu dùng đến siêu thị chủ yếu mua lương thực thực phẩm (chiếm tới 70%), trong khi những mặt hàng này lại chịu tác động bởi nhiều mặt hàng khác như xăng dầu, điện... Ngoài ra, Hội siêu thị Hà Nội cũng cho biết, tại các siêu thị lớn, hàng tồn kho đang rất lớn.

"Hàng tồn kho tại các siêu thị ít nhất cũng phải tới 20%. Số còn lại 80%, hiện tồn kho tại các nhà nhập khẩu hoặc nhà sản xuất" - ông Phú nhận xét.

Doanh nghiệp ngoại nuốt nội

Ông Đỗ Vinh Phú cho rằng, với sức lực như hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam rất khó cạnh tranh với các ông lớn nước ngoài như BigC hay Metro. Họ là những hãng kinh doanh bán lẻ lớn, chuyên thu mua phân phối hàng hoá trên phạm vi toàn cầu với số vốn hàng trăm triệu USD trong khi doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng chỉ vài trăm tỷ đồng.

"Với doanh nghiệp nước ngoài, họ kinh doanh ở nhiều nước nên dù nước này lỗ, nước khác sẽ bù vào. Còn doanh nghiệp Việt Nam, thị trường hẹp, tính liên kết kém, kinh doanh theo kiểu thuyền nan nhỏ gặp gió bão lớn sẽ chìm nên rất khó cạnh tranh" - ông Phú nói.

Trong khi doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam ồ ạt phá sản thì số lượng cơ sở phân phối của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng lên đáng kể. Trong đó phải kể đến như Metro Cash&Carry mở thêm 10 trong tổng số 17 trung tâm đang hoạt động; BigC mở thêm 13 trong số 18 đại siêu thị BigC; Parkson mở thêm 7 trung tâm mua sắm...

Theo ông Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ, thực ra cái chết của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã được cảnh báo từ trước khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo cam kết WTO, từ ngày 1/1/2009, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn ngành thương mại bán lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tại thời điểm này, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về khả năng thua trên sân nhà của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.

"Các địa phương hiện đang đua nhau cho các tập đoàn phân phối bán lẻ nước ngoài vào chiếm lĩnh những vị trí đắc địa thì doanh nghiệp phân phối bán lẻ của Việt Nam bị nuốt là điều chắc chắn" - ông Thành nói.

Hiện, theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước có khoảng 638 siêu thị và 117 trung tâm thương mại. Số lượng siêu thị thành lập mới 5 năm sau khi gia nhập WTO (2007-2011) so với giai đoạn 2002-2006 tăng hơn 20% (303/251 siêu thị); trong khi số trung tâm thương mại thành lập mới tăng hơn 72% (62/36 trung tâm).

Bán lẻ nước ngoài tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), ngoài các nhà bán lẻ lớn đã kinh doanh lâu năm tại Việt Nam, một số nhà bán lẻ mới đã bắt đầu vào Việt Nam đầu tư. Có thể kể đến như: công ty Lotte Mart (thuộc tập đoàn Lotte Shopping bán lẻ khổng lồ của Hàn Quốc) đã quyết định tăng đầu tư vào Việt Nam với số vốn lên đến 50 triệu USD; Takashimaya - tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản cũng đã đến Việt Nam và hoàn thành việc ký hợp đồng thuê mặt bằng rộng 15.000 m2 tại vị trí đắc địa của trung tâm quận 1, TP.HCM; tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) công bố dự án trung tâm mua sắm Aeon Tân Phú Celadon tại quận Tân Phú, TP.HCM với mức đầu tư 109 triệu USD.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN