Bán hoa sang Trung Quốc: Tiềm ẩn rủi ro

Thương lái Trung Quốc chỉ mua một loại hoa là cúc đông (vàng và trắng) với giá cao hơn 2 - 3 lần, hợp đồng cũng chỉ được thỏa thuận… bằng miệng, nên hoạt động này đang tiềm ẩn nhiều mạo hiểm.

Tết này, nhiều hộ dân ở làng hoa Tây Tựu (huyện Từ Liêm, Hà Nội) đã ký được hợp đồng bán hoa cho Trung Quốc (TQ).

Vừa vui vừa buồn

Dịp tết này, xã Tây Tựu đã được mùa hoa lớn, người dân càng vui hơn vì ký được hợp đồng bán hoa cho TQ. Tuy nhiên, nắng ấm những ngày qua cũng làm nhiều hộ trồng hoa bớt phần vui.

Anh Nguyễn Hữu Quyết ở đội 4, thôn 1, Tây Tựu vừa cắt những bông hoa hồng đang “cười” quá cỡ vừa cho biết: “Gia đình tôi trồng 5 sào hồng, 3 sào cúc. Hồi đầu tháng, hai vợ chồng ngày 2 buổi hì hục cuốn giấy giữ ấm cho hồng, còn cúc thì liên tục phải thắp điện để giữ nhiệt. Cứ tưởng hết đợt không khí lạnh nền nhiệt sẽ tăng từ từ, khi đó hoa nở là vừa đẹp. Đùng cái, nhiệt độ tăng vùn vụt, thế là những nụ hoa lâu nay “co vòi” vì rét được đà bung lên nở toe toét, không kịp cắt coi như bỏ, nếu bán được thì giá rẻ như cho”.

Bán hoa sang Trung Quốc: Tiềm ẩn rủi ro - 1

Trời trở tiết nóng, nhiều vườn hoa cúc ở Tây Tựu đưa nhau nở bung, người dân cắt vội mang ra chợ bán.

Mặc dù đã căn 2 sào cúc sẽ “ăn” vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng giờ chị Bùi Thị Mai (thôn Trung) buộc phải cắt vội, vì cúc bung xòe gần hết: “Các anh cứ vào làng hoa, thấy hoa nở rộ, đó là báo hiệu của sự mất mùa. Nếu hoa đắt, cúc nụ chỉ hơi xòe ra là đã cắt hết rồi. Cúc là loài cây xứ lạnh, nên cứ nắng kiểu này là nở hết, tầm này năm ngoái mỗi bông cúc giá 3.000 đồng, thế mà nay mới chỉ được 1.100 đồng/bông, tôi dự kiến để bán cho TQ nhưng không kịp rồi”.

Ông Đinh Duy Hòa – Chủ nhiệm HTX số 2 Tây Tựu cho biết, thời gian gần đây một số thương lái TQ có về làng hoa Tây Tựu để mua hoa, thông qua các tiểu thương tại đây, nhưng họ chỉ mua hoa cúc đông. Theo ông Hòa, cách đây vài tháng ông đã có dịp sang TQ để học hỏi kinh nghiệm trồng hoa theo mô hình trang trại công nghệ cao, qua chuyến đi ông được biết họ chỉ mua hoa vào dịp tết, hoặc sau tết vì khi đó một số nơi ở TQ thời tiết lạnh, hoa không thể nở được.

Mua bán nhiều mạo hiểm


Hiện Tây Tựu có rất nhiều hộ đã ký được “hợp đồng” miệng với đối tác TQ và họ đang cố gắng chăm hoa sao cho hoa nở đúng dịp. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thương lái TQ chỉ mua hoa khi họ khan hoa, khi đó họ mua ồ ạt với số lượng lớn, giá cao. Rất có thể khi bên họ thời tiết tốt, hoa trồng và nở được thì họ sẽ dừng mua, hoặc có mua thì giảm số lượng và ép giá, khiến nhiều người trồng hoa ở Tây Tựu sẽ rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

Nên có hợp đồng kinh tế

Ông Lê Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần khuyến cáo người dân nên ký kết hợp đồng rõ ràng, làm cơ sở pháp luật nếu bị phá hợp đồng, nhưng vì đối tác ở xa, hơn nữa họ cũng ngại ký, mà người dân mình lại cần bán hoa, nên vẫn chưa thực hiện được. Thuận lợi là chúng tôi rải đều các loại nên không lo ế hoa cục bộ”.

Ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho hay: “Chúng tôi chưa nắm được thông tin này, nên sẽ cử cán bộ về địa bàn điều tra rõ, rồi có những khuyến cáo cụ thể cho người dân. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng miệng rất nguy hiểm, rủi ro cao”.

Bác Nguyễn Văn Hòa ở thôn Thượng những ngày này cũng đang chăm chút cho vườn cúc dự kiến sẽ nở vào dịp Tết hoặc rằm tháng Giêng. Bác cho hay: “Nếu thời gian đầu bán được cho TQ thì ít nhất lãi gấp đôi. Nhưng cũng không biết đằng nào mà lần, vì chỉ hợp đồng miệng, mình cắt hoa ra rồi mà họ không lấy nữa, hoặc ép giá thì mình là người chịu thiệt”.

Chị Nguyễn Thị Nhung - tiểu thương chuyên gom hoa cho thương lái Trung Quốc chia sẻ: “Cái hay khi bán hoa cho thương lái TQ là họ lấy với số lượng lớn, chất lượng hoa không đòi hỏi cao lắm. Tuy nhiên, họ không chịu đặt tiền cọc, mà chỉ báo mồm, sau khi lấy hàng mới thanh toán, nên nguy cơ rủi ro rất cao. Chúng tôi cũng đã nhiều lần yêu cầu họ ký hợp đồng, nhưng vì thủ tục rườm rà, hơn nữa nếu họ có vi phạm hợp đồng thì cũng khó sang TQ đòi được sự công bằng. Năm nay họ mới “ăn” hàng ít có lẽ vì thời tiết bên họ nóng, nếu rét họ mới mua mạnh”.

Ông Đinh Duy Hòa cho biết: “Năm 2012, từ tháng 1 đến hết tháng 4, cứ nửa tháng HTX xuất khoảng 60.000 bông cúc, giá cao hơn 2 – 3 lần, thậm chí 4 lần so với giá thị trường. Nhưng họ chỉ “hợp đồng” bằng miệng và không ấn định thời gian, số lượng hoa lấy bao nhiều, cứ khi nào họ báo thì mình cắt”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Tùng (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN