Bán gỗ dăm cho TQ: Hàng loạt DN phá sản

Sau nông sản, các doanh nghiệp sản xuất gỗ dăm của Việt Nam phải phá sản hàng loạt do doanh nghiệp Trung Quốc đột ngột không “ăn hàng”, hoặc ép giá.

Nhiều doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất gỗ dăm có trụ sở tại KCN Trà Nóc 2 (Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) đã ngừng hoạt động nhiều tháng nay. Máy móc, nhà xưởng đã được các DN đầu tư hàng chục tỷ đồng đang đắp chiếu.

Đồng loạt phá sản

Công ty Mekong Delta hiện đã đóng cửa. 4 dây chuyền chuyên băm gỗ, 4 cần cẩu và nhiều xe cơ giới, máy móc khác nằm im bất động và đang trong tình trạng gỉ sét nặng. Anh Nguyễn Văn Hòa, bảo vệ công ty, cho biết các hoạt động của công ty đã ngưng gần hai năm nay. Chỉ tay về phía những chiếc xe cơ giới và những đống gỗ dăm nằm phơi nắng nhiều tháng qua, anh Hòa tiếc rẻ: “Các “núi” gỗ dăm được nghiền từ tràm này không tìm được đầu ra nên phơi nắng nhiều tháng nay hiện đang trong giai đoạn mục nát. Ước khoảng trên 1.000 tấn, trị giá tương đương 2 tỷ đồng”.

Tại KCN Trà Nóc 2, Công ty cổ phần chế biến lâm sản xuất khẩu Hưng Phú cũng ngừng hoạt động. Bảo vệ ở đây cho hay không còn ai làm việc từ nhiều tháng nay. Bốn dây chuyền nghiền tràm, bạch đàn đang trong giai đoạn gỉ sét, các đống gỗ dăm gần 2.000 tấn xuất không được phải phơi mưa nắng, xuống màu, hư hỏng từ nhiều tháng nay. Ông Trần Thanh Tâm, một người chuyên cung cấp dịch vụ vận tải, bốc xếp việc sản xuất, xuất khẩu gỗ dăm, cho biết cách nay khoảng trên 6 năm, công ty Hưng Phú là một trong những đơn vị thu mua, chế biến gỗ dăm xuất khẩu sang Trung Quốc sớm nhất tại TP. Cần Thơ. Lúc đầu, phía Trung Quốc mua giá cao, có lời nhiều nên một số người đã lập công ty, vay tiền ngân hàng mua dây chuyền nghiền gỗ, xe cơ giới, xây nhà xưởng và đổ xô đi thu mua tràm, bạch đàn. Ông Năm Cần, Phó giám đốc công ty Thiên Phát (chế biến gỗ dăm xuất sang Trung Quốc có trụ sở tại Cảng Cái Cui, TP.Cần Thơ), cho hay mỗi tháng công ty phải chịu lỗ vài trăm triệu đồng nên từ trước Tết đến nay công ty đã ngừng hoạt động.

Hiện, giá gỗ dăm đang tuột giá, còn khoảng 85 USD/tấn nhưng không có ai mua. Thời điểm giá cao nhất khoảng 120 USD/tấn (gỗ dăm bạch đàn) và 105 USD (gỗ dăm tràm). Vì thế, các DN chế biến xuất khẩu gỗ dăm phải tự tìm đầu mối để bán hàng sang Trung Quốc. Sau khi có được thương thảo với đại diện người Trung Quốc (thực ra là bạn hàng) hai bên mở L/C, sau đó các công ty phía Việt Nam triển khai thu mua gỗ nguyên liệu để sản xuất. Phía Trung Quốc chỉ đưa tàu vào đến cảng, DN trong nước chịu tất cả mọi chi phí khi xuất hàng. Do cần đầu ra nên các công ty đã lệ thuộc hoàn toàn vào đối tác Trung Quốc, từ thời điểm mua, số lượng đến giá cả. Ông Năm Cần cho biết: “DN Trung Quốc đưa ra giá thấp cũng phải chịu, nếu không họ không mua. Nếu mình hạ giá mua gỗ của dân xuống thì người dân bị thiệt, hoặc không bán. Trong hợp đồng ký kết mình cũng phải nhún nhường, họ có sai mình cũng chẳng làm được gì”.

Ông Tư Buôl, chủ doanh nghiệp Thúy Sơn - một đơn vị hiếm hoi còn đang xuất gỗ dăm sang Trung Quốc, chia sẻ: “Trước đây phía DN Trung Quốc ký hợp đồng có số lượng lớn, kéo dài trong một năm nên DN chủ động sản xuất. Còn hiện tại, các hợp đồng ký kết chập chờn, giá cả xuống thấp nên DN đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, phải sản xuất cầm chừng, chịu nhiều rủi ro, thiệt thòi hơn”.

Bán gỗ dăm cho TQ: Hàng loạt DN phá sản - 1

Khu nhà xưởng sản xuất của Công ty Mekong Delta không hoạt động nhiều tháng nay, cỏ dại mọc đầy

Bán tháo nhà xưởng, thiết bị

Ông Trần Thanh Tâm cho biết phải bán tháo nhiều xe cơ giới, chịu lỗ nặng để rút khỏi nghề gỗ dăm khoảng hai năm nay. Khi nghề chế biến xuất khẩu gỗ dăm còn thịnh, từ nghề xáng cạp, sang lắp mặt bằng ông Tâm nhảy vào đầu tư trên 2 tỷ đồng mua xe ủi, xe reo, xe tải, cần cẩu để làm dịch vụ. Lúc cao điểm có tháng kiếm cũng được vài chục triệu đồng. Nhưng khoảng hai năm trở lại đây giá xuất khẩu xuống quá thấp, phía Trung Quốc đột nhiên không “ăn hàng” như trước nữa nên nhiều công ty lỗ lãi, gỗ được nghiền ra rồi chất đống không xuất được, không có tiền trả lương cho công nhân, ngân hàng xiết nợ nên nhiều công ty buộc phải phá sản, đóng cửa nhà máy để trốn nợ.

Ông Tâm cho biết thêm, một ông chủ trong KCN sau khi đầu tư trên 20 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, nhiều dây chuyền nghiền gỗ, xe cơ giới, thuê mặt bằng… đã không thể xuất gỗ dăm sang Trung Quốc được nên bán lỗ lại cho chủ khác chỉ hơn 10 tỷ đồng. Chủ mới sau khi mua lại cũng không tìm được đầu ra từ phía Trung Quốc, nên cũng đành “ngậm đắng” để phơi nắng đống tài sản của mình. Theo tìm hiểu, trên địa bàn TP.Cần Thơ đến thời điểm này có khoảng 6 công ty phải phá sản, hoặc đóng cửa tạm ngừng sản xuất, bán rẻ nhà xưởng, máy móc, thiết bị. Chỉ còn một vài đơn vị sản xuất cầm chừng để ngân hàng đừng… xiết nợ. Không chỉ riêng TP. Cần Thơ mà nhiều công ty cùng ngành nghề ở Tiền Giang, Long An, Cà Mau… cũng đang sống thoi thóp, phá sản.

Ông Phan Thành Tiến, Giám đốc Cảng Cần Thơ, cho biết hiện chỉ còn DN Thúy Sơn xuất gỗ thông qua cảng, các DN đang rất khó khăn do thị trường và giá cả đầu ra bị xiết lại. Nhiều DN gặp khó nên nợ thuê kho bãi, bốc xếp chồng chất. Phía cảng đang chia sẻ với DN bằng cách gia hạn những khoản nợ, tạo điều kiện cho DN vực dậy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Dân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN