Bán ghế massage không hóa đơn, khai loạn giá: Nhà nước thất thu thuế

Hầu hết ghế massage đang bán tại Việt Nam có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Thế nhưng, với các chiêu trò quảng cáo lấp lửng, khách hàng dễ nhầm tưởng đó là hàng Nhật, Hàn, từ đó lạc vào “ma trận” giá. Đáng chú ý, dù mỗi máy massage được bán ra với giá từ vài chục tới cả trăm triệu đồng nhưng hiếm khi nơi bán xuất hóa đơn VAT, hoặc ghi không đúng giá trị giao dịch thật khiến Nhà nước có thể thất thu thuế rất cao.

Không xuất hóa đơn VAT

Anh Nguyễn Phương (trú tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chia sẻ với PV Tiền Phong: “Hôm nọ, tôi vào một cửa hàng chọn thử máy massage toàn thân AS-950 của nhãn hiệu ASAMA, giá niêm yết 140 triệu đồng. Sau một hồi mặc cả, họ bán cho tôi 60 triệu đồng, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT)”.

Theo khách hàng này, để xuất được hoá đơn bán hàng cho người mua, các đại lý phải có chứng từ nhập khẩu nộp thuế chuẩn từ đầu vào. Đáng chú ý, trước khi mua chiếc máy AS-950, anh Phương đã mua máy AS-S595. Cả hai đều thuộc nhãn hiệu ASAMA, cùng một cửa hàng ASAMA H.H (ở TP Buôn Ma Thuột) với giá 35 triệu đồng.

“Thời điểm đó, máy AS-S595 đang có giá niêm yết 69,5 triệu, tôi trả xuống 35 triệu đồng, nhân viên này đồng ý bán ngay, không xuất hóa đơn VAT”. Sau khi mang về dùng thử, thấy chất lượng không như quảng cáo, anh Phương đem đổi, bù thêm 30 triệu mua máy AS-950, sản xuất năm 2022 tại Trung Quốc.

Trong vai chủ một doanh nghiệp đến đại lý ASAMA ở số 130 Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột), chúng tôi được nhân viên tên M. giới thiệu ghế massage AS-S595 công nghệ Nhật Bản, lắp ráp tại Trung Quốc. Sau một hồi trả giá, M. đồng ý bán sản phẩm này 57,5 triệu đồng.

Theo nguồn tin từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2022 tới nay, có khoảng 2.000 ghế massage ASAMA AS-S595 xuất xứ Trung Quốc được nhập khẩu chủ yếu qua Cty TNHH ASAMA Việt Nam với mức giá khai báo 350USD + 8% thuế VAT, tổng giá sau thuế gần 9 triệu đồng.

Người tiêu dùng Đắk Lắk tìm hiểu về ghế massage trước khi mua

Người tiêu dùng Đắk Lắk tìm hiểu về ghế massage trước khi mua

Tiếp tục tìm hiểu tại các cửa hàng bán máy massage thương hiệu OSANO, YATAKA ở TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi như lạc vào “mê hồn trận” giá cả của mặt hàng này.

Thực tế tại cửa hàng FUKITO ở số 111 Phan Chu Trinh, chúng tôi được nhân viên L.H. khẳng định sản phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc và mời trải nghiệm ghế massage FK-A79 PRO, giá niêm yết108 triệu đồng/chiếc, trừ phần khuyến mãi còn 74,2 triệu đồng. Khi được yêu cầu xuất hóa đơn VAT bán sản phẩm này, L.H cho biết, khách hàng mua máy tại cửa hàng không ai muốn xuất VAT.

Theo nguồn tin của PV Tiền Phong, từ đầu năm 2022 tới nay, có gần 1 triệu máy massage nhập về Việt Nam, trong đó 95% xuất xứ từ Trung Quốc.

Nghi vấn hàng lậu, chúng tôi liên hệ với L.T.B. (người được giới thiệu là đại diện nhãn hàng tại khu vực Tây Nguyên). Người này cho biết, dòng ghế FK-A79 PRO phía công ty lỡ xuất hết “mã VAT” rồi.

“Em sẽ bán cho anh giá 58 triệu đồng/chiếc. Nếu anh mua, em báo công ty xuất hóa đơn VAT số lượng 2 ghế mã sản phẩm khác có giá tiền thấp hơn cho anh”, L.T.B. cho hay.

Quản lý thị trường không biết?

Trao đổi với PV Tiền Phong về thực trạng trên, ông Vương Minh Sơn, Cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Lắk cho biết, năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022, cục này chưa đi kiểm tra các cửa hàng, đại lý bán ghế massage trên địa bàn. Các đội QLTT trực thuộc cũng chưa nhận được phản ánh các dấu hiệu nghi vấn, bất thường như trên.

Sau khi nhận được thông tin từ chúng tôi, ông Sơn cho biết, sẽ chỉ đạo các đội QLTT kiểm tra đột xuất các cửa hàng, đại lý kinh doanh mặt hàng trên và thông tin lại. Cục phó Cục QLTT Đắk Lắk khẳng định không có sự tiếp tay, bảo kê cho các công ty, cửa hàng trên địa bàn!

Đem câu chuyện này trao đổi với Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Cty Luật TNHH My Way, ông cho biết, tình trạng đánh tráo khái niệm về nguồn gốc hàng hóa, hàng hóa không có giấy chứng nhận xuất xứ, thậm chí khai báo xuất xứ không trung thực đang xảy ra phổ biến trên thị trường.

Cửa hàng ASAMA có bảng giá niêm yết nhưng bán không đúng giá

Cửa hàng ASAMA có bảng giá niêm yết nhưng bán không đúng giá

Ngoài ra, theo ông Hồi, để kích thích sức mua, các doanh nghiệp (DN) đã áp dụng chiến lược tăng giá hàng hoá lên gấp nhiều lần, sau đó giảm giá sâu thể thu hút khách hàng, trong khi quy định pháp luật về khuyến mãi, DN không được phép giảm quá 50% giá của hàng hoá đó. Tuy vậy, do không niêm yết giá công khai, các DN không quá khó để né tránh quy định này.

Bên cạnh đó, hoá đơn VAT ban hành khi mua hàng thường không ghi đúng theo giá đã bán thực tế cho người mua, nhằm giảm bớt các khoản thuế phải nộp theo quy định pháp luật.

“Đây là tình trạng rất phổ biến và đã có từ lâu trong việc mua bán hàng hoá có giá trị, không chỉ riêng đối với ghế massage”, luật sư Hồi chia sẻ.

Theo Giám đốc Cty Luật TNHH My Way, với các trường hợp bán hàng vi phạm quy định về nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá, nhãn hàng hoá, cơ quan quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, xử phạt. Đối với các vi phạm liên quan đến hoá đơn, lực lượng Thanh tra thuộc ngành Thuế có trách nhiệm thanh, kiểm tra người nộp thuế.

Tuy nhiên, theo luật sư này, việc quản lý và thanh, kiểm tra vẫn còn rất nhiều trở ngại.

Luật sư Hồi cho rằng, việc kê khai giá bán trong hoá đơn thấp hơn thực tế dẫn đến hệ quả khoản thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ ít hơn so với giá bán và doanh thu thực tế, gây thất thu thuế cho Nhà nước. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính và còn tái phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế.

Nguồn: [Link nguồn]

Điều đặc biệt của loại na ruột đỏ giá đắt gấp 3 lần “chỉ ngửi không ăn” nhiều người săn lùng

Sự độc đáo và công dụng của loại na ruột đỏ này khiến nhiều người săn lùng tìm mua. Giá của chúng đắt gấp 3 lần so với na thông thường mà “chỉ ngửi không ăn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV Tây Nguyên ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN