Bãi bỏ ân hạn thuế: DN tự hại nhau

Chính sách ân hạn thuế đang được Bộ Tài chính xem xét bãi bỏ trong Dự thảo sử đổi Luật Quản lý Thuế. Tuy nhiên, việc xử lý cào bằng như hiện nay đang tạo nên làn sóng phản ứng từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Dùng dao mổ trâu giết gà

Dẫn lý do phải thay đổi chính sách ân hạn thuế, Bộ Tài chính cho rằng, một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để làm ăn gian dối hoặc chây ì, nợ thuế, thậm chí là bỏ trốn, gây thất thu thuế cho Nhà nước. Việc bãi bỏ ân hạn thuế sẽ hạn chế được tình trạng doanh nghiệp vi phạm gây thất thoát cho nguồn thu ngân sách.

Tuy nhiên, từ phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ quan ngại rằng, sẽ rất khó khăn cho phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu nếu loại bỏ chính sách ân hạn thuế. Nếu loại bỏ ân hạn thuế 275 ngày, chỉ tính riêng ngành da giày, 1 năm ngành này sẽ phải tăng chi phí lên 600 triệu USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu ở mức 6 tỷ USD. Con số này là một thực tế cần cân nhắc khi loại bỏ chính sách ân hạn thuế.

Trên khía cạnh nhìn nhận thực tế, theo giới chuyên gia cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước, hành vi này hầu hết chỉ tập trung vào một số nhỏ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đại đa số các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho rằng bộ tài chính dang dùng "dao mổ trâu để giết gà" làm vạ lây đến rất nhiều doanh nghiệp chấp hành chính sách nghiêm túc.

Bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, không nên vì một vài trường hợp doanh nghiệp FDI trốn tránh, chây ỳ thuế mà cơ quan quản lý gây khó cho các doanh nghiệp dệt may chấp hành tốt. Nếu cứ làm theo kiểu "đổ đồng" như hiện nay không sớm thì muộn doanh nghiệp lớn cỡ nào cũng phải ngã quỵ.

Bãi bỏ ân hạn thuế: DN tự hại nhau - 1

Sẽ rất khó khăn cho phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu nếu loại bỏ chính sách ân hạn thuế.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thực tế những doanh nghiệp FDI đã được hưởng quá nhiều ưu đãi về các chính sách thuế của Việt Nam. Tuy vậy chây ì trốn thuế, vô tình đẩy các doanh nghiệp trong nước chấp hành nghiêm túc lại bị liên đới. Song điều bất ổn là ở chỗ, loại bỏ chính sách này, sẽ đi ngược lại hoàn toàn với chủ trương khuyến khích đầu tư đẩy mạnh xuất khẩu của Chính phủ một trong những lối thoát cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Trên thực tế, khi được ân hạn thuế, doanh nghiệp có một khoảng thời gian để quay vòng nguồn vốn. Đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, lượng nguyên liệu nhập khẩu ít, số thuế phải đóng không đáng kể. Nhưng đối với các doanh nghiệp lớn, hàng hóa nhập khẩu nhiều thì thời gian ân hạn như hiện nay là một trong những điều kiện giảm chi phí giá thành hàng xuất khẩu. Vì vậy, nếu xóa bỏ ân hạn thuế doanh nghiệp sẽ càng khó khăn hơn.

Những con số đáng lo

Theo ý kiến từ các hiệp hội như Thủy sản, Da giày, Dệt may... nếu bãi bỏ chính sách ân hạn thuế, mức tăng chi phí của hơn 6.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực nói trên sẽ là khoảng 10 tỷ USD/năm. Đây là một con số không hề nhỏ trong tình hình kinh tế khủng hoảng như hiện nay. Ngoài ra chi phí bảo lãnh phát sinh từ 2-3%/năm, lãi suất ngân hàng cho khoản mục bảo lãnh sẽ tạo thêm hàng trăm tỷ đồng/năm cho DN. Như vậy giá thành sản phẩm được đẩy cao hơn từ 3-10% tùy ngành hàng là điều dễ hiểu. Điều này ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng đứng trước những thay đổi về chính sách thuế này, các doanh nghiệp ngành dệt may cũng đang ở trong tình thế rất hoang mang. Theo Vitas, trên một nửa nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất của ngành dệt may hiện nay là nhập khẩu. Nếu loại bỏ ân hạn thuế, doanh nghiệp phải nộp thuế nguyên phụ liệu vào thời điểm này, thì các doanh nghiệp sẽ khó có thể xoay sở, và giá thành sản phẩm sẽ phải đội lên rất nhiều.

Cụ thể, chỉ tính riêng dệt may theo nhẩm tính của Vitas, việc bỏ ân hạn thuế sẽ làm cho giá thành sản phẩm của dệt may tăng thêm từ 8-16%. Điều này sẽ khiến các sản phẩm dệt may của Việt Nam rất khó cạnh tranh khi vào thị trường thế giới. Vitas cảnh báo, trong khi phải khó khăn lắm, các doanh nghiệp dệt may mới thoát ra khỏi tình trạng làm gia công thì việc bỏ ân hạn thuế sẽ khiến ngành dệt may phải quay lại "vạch xuất phát" cách đây 10 năm, làm gia công để... xuất khẩu.

Đối với ngành thủy sản khi nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh ngày càng hạn hẹp, nguồn nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu thiếu từ 30-80% và phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu thì việc thực thi quy định nộp thuế ngay hoặc có bảo lãnh ngân hàng sẽ tạo một nút thắt, làm thu hẹp sản xuất do hạn mức vay từ ngân hàng bị cắt trừ khi phải bảo lãnh.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Hải Vương, chia sẻ: "Chính nguyên liệu nhập khẩu đã tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chúng tôi khi việc nuôi trồng và khai thác thủy sản ngày càng hạn chế. Thực tế kể từ thời điểm mở tờ khai hải quan tới lưu kho, sản xuất, bán hàng... đến lúc hoàn thuế phải mất từ 7-8 tháng, nhanh nhất là 5 tháng rưỡi. Với khoảng thời gian này, để quay vòng vốn cho nộp thuế với tỷ lệ từ 10-20% thì sau đúng 5 tháng rưỡi doanh nghiệp đã hết tới 88% vốn lưu động (88% hạn mức ngân hàng cho vay), tức là không còn vốn để sản xuất. Như vậy, chính sách ân hạn thuế luôn là cứu cánh cho doanh nghiệp nhập khẩu".

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP chia sẻ: "Ngành thủy sản đang ở trong tình trạng "5 người chết 4 còn 1", tức là chỉ có 20% số doanh nghiệp còn hoạt động lành mạnh, còn lại hoạt động lề rề mà nhiều người gọi là "chết lâm sàng". Chuyện sàng lọc doanh nghiệp trong kinh doanh là cần thiết nhưng để doanh nghiệp bị vạ lây vì những chính sách không đồng bộ giật cục và thiếu cân nhắc thì điều đó càn phải khắc phục sớm".

Với những hạn chế như trên thì kéo theo kim ngạch xuất khẩu từng ngành hàng và cả nước sẽ tương ứng giảm theo. Cùng với đó, là hàng loạt các hệ lụy không mong muốn khác như không đảm bảo ổn định nguồn cung cho khách hàng thế giới, làm mất lợi thế về gia công, sản xuất xuất khẩu, giảm việc làm do DN thiếu vốn, và cũng tiềm ẩn thêm nhiều tiêu cực trong việc hoàn thuế, công tác bảo lãnh, tăng nguy cơ các DN tìm cách lách luật, chuyển giá, chuyển lợi nhuận và đầu tư ra nước ngoài. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Phong (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN