Bà nội trợ méo mặt vì giá nhiều mặt hàng tăng mạnh

Ghi nhận tại thị trường TP.HCM sáng ngày 8-7 cho thấy, giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm tăng mạnh.

Sáng ngày 8-7, tại các siêu thị thuộc quận Gò Vấp và quận 12, người dân vẫn đổ xô đi mua thực phẩm, dù trước đó cơ quan chức năng đã ra nhiều thông báo khẳng định về việc các siêu thị, chợ vẫn đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

11g trưa tại Bách Hóa Xanh đường số 3, phường 9, Gò Vấp các kệ rau xanh đã được rửa sạch và cất ngay ngắn, dọn chỗ cho thực phẩm khô như mì gói, phở ăn liền.

Các kệ rau củ đều trống trơn nhường chỗ cho thực phẩm khô. Ảnh chụp sáng 8-7. Thu Hà

Các kệ rau củ đều trống trơn nhường chỗ cho thực phẩm khô. Ảnh chụp sáng 8-7. Thu Hà

Các quầy hàng thực phẩm tươi sống thịt, cá, rau củ cũng nhanh chóng hết hàng. Theo nhân viên siêu thị này, người mua hàng không quá đông nhưng số lượng đơn hàng của mỗi người thì tăng mạnh, khiến thực phẩm hết hàng sớm. Tuy nhiên khi được hỏi chiều nay (8-7), rau củ, cá thịt có được phân phối thêm để phục vụ người tiêu dùng hay không, thì nhân viên siêu thị lắc đầu không biết.

Cá và thịt cũng nhanh chóng được người dân mua hết, trong khi đó nhân viên Bách Hóa Xanh không rõ bao giờ thực phẩm về lại siêu thị. Ảnh: T.HÀ

Cá và thịt cũng nhanh chóng được người dân mua hết, trong khi đó nhân viên Bách Hóa Xanh không rõ bao giờ thực phẩm về lại siêu thị. Ảnh: T.HÀ

Cùng với đó, giá cả cũng gia tăng mạnh. Tại các địa điểm bán tại nhà khu vực chợ tạm Thạch Đà, và các hội nhóm bán hàng trên Facebook, người bán cho biết hàng hóa đang khan hiếm do mối sỉ không nhập hàng, người mua thì than trời vì vật giá quá cao.

Tại một cửa hàng rau trên đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp), người bán thông báo giá thực phẩm tăng cao từ 20.000 đồng. Theo đó, ngày 7-6 bí xanh có giá 30.000 đồng/kg thì nay tăng gấp 2 lần, lên 60.000 đồng/kg. Nấm rơm đội giá lên 3 lần khi người bán cho biết 160.000 đồng vì không có hàng để bán.

Nếu như hôm qua, giá 1kg cá riêu hồng được bán với giá 60.000-65.000/kg thì nay đã có giá 120.000 đồng/kg. Cua đồng tăng mạnh từ 100.000 đồng/kg lên 120.000-150.000 đồng/kg. Cà chua được ghi nhận có giá 50.000 đồng/kg, dù trước đó mắc nhất cũng dừng ở mức 40.000 đồng. 

Một kg cua đồng có giá 150.000 đồng. Ảnh: Thu Hà

Một kg cua đồng có giá 150.000 đồng. Ảnh: Thu Hà

Chị Bính, người dân tại phường 9, Gò Vấp cho hay: "Trước đây cầm 100 ngàn ra chợ còn mua được 1 kg cà chua, 1 con cá, 1 bó rau, 1 ít thịt nạc xay, giờ còn chưa đủ mua 1 kg cá riêu hồng".

Cũng theo chị, thông tin luôn nói hàng hóa dồi dào không thiếu, đúng nhưng chưa đủ bởi hàng hóa không thiếu nhưng không có bình ổn giá. "Giá cả đội lên gấp 3-4 lần, mùa dịch công việc không có, lương cắt giảm mà giá cả thì cứ leo thang nên bà con méo mặt"-chị Bính bày tỏ.

Hiện nay, các cửa hàng bán thực phẩm cũng thông báo ngưng nhận phục vụ làm sạch thực phẩm như làm cá hoặc cắt, chặt thịt cho người mua vì số lượng khách quá đông, không làm kịp.

Tại cửa hàng SuniGreen Farm, chuyên bán thực phẩm sạch, cũng đăng thông báo phụ thu mùa dịch 65.000 đồng/đơn hàng bất kỳ bởi nguồn giá nông sản đầu vào tại cửa hàng này tăng gấp 3 lần so với trước.

Chị Đào Thị Nam, tiểu thương chợ chuyên nhập hàng từ chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, ngay sau khi thông tin chợ đầu mối cuối cùng tại TP.HCM đóng cửa, các tiểu thương đã tự ý tăng giá, khiến cho giá cả thị trường cũng nhích theo. Tuy nhiên theo chị giá cao nhưng hàng hóa không bị ế, bởi nhu cầu ăn uống khi ở nhà là rất cao.

"Đúng là nguồn hàng thiếu hụt do tâm lý lo sợ nguồn hàng từ các nguồn cung từ các tỉnh bị hạn chế, các xe nghe tin chợ đầu mối đóng và hàng loạt giấy tờ chứng nhận kèm theo nếu muốn vào TP.HCM nên đã giảm lượng hàng hoặc ngưng nhập về TP.HCM"-chị Nam nói.

Trước đó, tại cuộc họp chiều 7-7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, khẳng định: TP không lo thiếu thực phẩm. Nguồn cung hàng hóa cho TP sẽ luôn được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khi ba chợ đầu mối dừng hoạt động.

Theo ông Vũ: “Ba chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức dừng hoạt động không có nghĩa là tiểu thương dừng mua bán. Bởi hiện nay cơ quan chức năng đã điều chỉnh các hoạt động của ba chợ đầu mối thành hình thức giao dịch trực tuyến. Chợ đầu mối chỉ là nơi trung chuyển hàng hóa đến các nơi, TP sẽ điều phối để các khu vực đều đáp ứng đủ nhu cầu của người dân".

Tuy nhiên theo ghi nhận của PV, người dân vẫn đi mua tích trữ thực phẩm vào sáng 8-7, khiến giá cũng tăng chóng mặt.

Giá thịt giảm mạnh, xuống dưới 50.000 đồng/kg, thủ phủ heo vẫn ngồi trên đống lửa tìm đầu ra

Mặc dù nhu cầu của người tiêu dùng vẫn rất cao nhưng đầu ra của người chăn nuôi không có.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THU HÀ (Pháp luật TPHCM)
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN