Áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung (*): Nông sản Việt sẽ ra sao?
Quản lý chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa sẽ giúp ngành nông sản Việt tận dụng được cơ hội
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội lấp chỗ trống ở 2 thị trường này. Trong khi đó, ngành chăn nuôi lại chịu áp lực lớn từ nguồn thịt nhập khẩu.
Cơ hội cho xuất khẩu
Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), nhận định cuộc chiến này ít nhiều gì cũng ảnh hưởng đến ngành điều, nhất là biến động về tỉ giá. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để sản phẩm điều Việt Nam xuất sang Trung Quốc nhiều hơn, thay thế các mặt hàng hạnh nhân, óc chó sẽ gặp khó khăn vào thị trường này. Thực tế đã có một số doanh nghiệp Mỹ liên hệ tìm cơ hội hợp tác, đầu tư vào ngành điều Việt Nam nhằm tìm đường xâm nhập thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP HCM), cho rằng trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nông sản Việt muốn tận dụng cơ hội phải quản lý chặt xuất xứ để không trở thành "sân sau" cho Trung Quốc xuất hàng qua Mỹ.
Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu trái vải sang Mỹ nhiều hơn do không bị cạnh tranh bởi thương nhân Trung Quốc.Ảnh: Ngọc Ánh
"Chính quyền Mỹ rất đa nghi, khi thấy mặt hàng nào của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu tăng đột biến sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thì hàng Việt sẽ mất thị trường. Ví dụ như hàng gia vị (hành, tỏi), trước giờ Việt Nam không cạnh tranh nổi với Trung Quốc ở thị trường Mỹ do giá thành hàng Việt cao hơn. Nhưng khi Mỹ đánh thuế cao với hàng Trung Quốc thì hàng Việt Nam có lợi thế và tỏi Trung Quốc sẽ tìm cách "đội lốt" hàng Việt dưới nhiều hình thức. Do đó, công tác quản lý nguồn gốc cần siết chặt để bảo vệ sản xuất trong nước, tránh bị vạ lây bởi cuộc chiến của 2 cường quốc kinh tế. Đối với trái cây, trước giờ có tình trạng thương lái Trung Quốc sang Việt Nam mua vải thiều, sau đó xử lý rồi xuất khẩu sang Mỹ nhưng nay điều này sẽ khó hơn, tăng thêm cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt. Chúng tôi không ngại nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư nhà máy tại Việt Nam rồi xuất khẩu vải thiều sang Mỹ vì họ sẽ chịu sự quản lý tương tự như DN trong nước" - ông Tùng nói.
Còn theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến hàng hóa xuất xứ Việt Nam bị cả Mỹ và Trung Quốc soi kỹ. Bởi lẽ, 2 nước này sẽ không để yên cho các DN mượn Việt Nam làm nơi "rửa" nguồn gốc. Trong khi đó, ngay từ thời chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vài năm trước, các DN Trung Quốc đã có sự chuyển dịch qua Việt Nam để chuẩn bị xuất hàng sang Mỹ. Hơn nữa, tại Mỹ, sản phẩm "made in Vietnam" được người tiêu dùng thích hơn hàng "made in China" nên nhiều DN Trung Quốc đã đặt nhà máy tại Việt Nam để gia công.
"Trước giờ, một số DN Việt vẫn nhập khẩu nho, đậu nành, yến mạch Mỹ rồi xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng khi chiến tranh thương mại giữa 2 cường quốc xảy ra thì những hoạt động này sẽ bị Trung Quốc giám sát chặt vì lo hàng Mỹ "quá cảnh" Việt Nam. Nếu tình hình căng thẳng, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam có thể bị cả Trung Quốc và Mỹ nghi ngờ, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu" - ông Viên lo ngại.
Về các biện pháp ứng phó, Tổng Giám đốc Vinamit nhận định hiện tại, các DN xuất khẩu nông sản vẫn chờ tình hình thật rõ ràng để chọn giải pháp phù hợp. Khi đó, DN Việt phải chọn những mặt hàng mà mình có thể kiểm soát được từ vùng nuôi trồng, có gắn hệ thống định vị để chứng minh với khách hàng về xuất xứ hàng hóa đích thực là ở Việt Nam.
Lo thịt rẻ từ Mỹ
Với ngành chăn nuôi, tình hình lại hoàn toàn khác. Mỹ đang đối mặt với tình trạng dư thừa thịt heo do 2 thị trường xuất khẩu chính của nước này là Mexico và Trung Quốc vừa tăng thuế nhập khẩu thịt từ Mỹ. Điều này khiến Mỹ có thể đẩy mạnh hàng sang Việt Nam do giá thịt ở Việt Nam đang ở mức cao. Thực tế những tháng gần đây, lượng thịt nhập khẩu đã tăng mạnh. Thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu trong tháng 5 lên đến 29.700 tấn, trị giá 42,59 triệu USD, tăng 50,4% về lượng và tăng 39% về kim ngạch so với tháng 4. Mỹ đứng vị trí số 1 về thị phần trong 37 nước cung cấp thịt cho Việt Nam. Cụ thể, Mỹ đã xuất sang Việt Nam 10.870 tấn thịt, trị giá 13,05 triệu USD, tăng 47,8% về lượng và tăng 24,4% về kim ngạch so với tháng 4.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Việt Nam nhập khẩu thịt từ Mỹ khá lâu với chủng loại phong phú như: gà (đùi, cánh và gà nguyên con bỏ đầu), heo (chân giò, thăn, ba rọi), bò (thịt đùi, nạm, gầu) và một số nội tạng như tim, mề.
Giám đốc một công ty chế biến thực phẩm từ thịt ở Bình Dương cho biết trong 2 tháng qua đã chuyển sang sử dụng nguyên liệu thịt nhập khẩu do thịt nội giá cao. "Thịt heo nhập khẩu giá rẻ hơn trong nước từ 5.000-7.000 đồng/kg, thịt bò đông lạnh nhập khẩu rẻ hơn thịt bò giết mổ trong nước từ 50.000-60.000 đồng/kg. Thịt trong nước chất lượng không ổn định, giá cả lại thất thường nên các đơn vị chế biến rất bị động. Nếu thịt Mỹ về nhiều giá rẻ, chất lượng tốt thì người tiêu dùng hưởng lợi" - vị này nhận xét.
Là chủ một trại chăn nuôi heo lớn tại Đồng Nai, ông Nguyễn Tấn Hậu thừa nhận rất mù mờ thông tin về các chính sách điều hành xuất nhập khẩu thịt. "Nuôi heo phải 3-4 tháng mới tới lứa xuất chuồng, nếu người nuôi không có thông tin tốt rất dễ dẫn đến thua lỗ, nhất là giá heo giống cao như hiện nay. Nhà nước cần có khuyến cáo sớm cũng như điều tiết cung cầu hợp lý để người nuôi biết trước khi đầu tư. Hiện giá thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng tăng do nguyên liệu tăng và thay đổi tỉ giá VNĐ/USD khiến giá thành sản xuất tăng" - ông Hậu cảnh báo.
Ngành thủy sản không bị ảnh hưởng Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết trước mắt cuộc chiến thương mại chưa tác động đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, bởi Mỹ chủ yếu nhắm vào hàng công nghệ của Trung Quốc, còn Trung Quốc cũng không phải đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Hiện việc xuất khẩu qua 2 thị trường này vẫn ổn định. Dù vậy, VASEP đã có công văn đề nghị các DN thành viên cho biết khó khăn, vướng mắc hoặc đánh giá tác động từ cuộc chiến thương mại để hiệp hội nắm bắt, có hướng xử lý kịp thời. |