Anh thợ sửa ôtô đam mê nuôi chim, mỗi tháng lãi 15-20 triệu đồng
Nhờ dám nghĩ, dám làm, đầu tư mô hình nuôi loài chim bồ câu Pháp - loài chim "tình yêu", anh chàng vốn là thợ sửa ôtô Vũ Thanh Thủy, làng Vũ Kỳ, xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) có nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm.
Làm thuê để lấy tiền nuôi chim
Sinh năm 1986, tốt nghiệp ngành sửa chữa ôtô, đã có thời gian, anh Thủy vào miền Nam kiếm sống bằng nghề thợ mộc, rồi làm công việc bảo trì máy móc cho một xưởng dệt. Nhưng niềm đam mê nuôi chim bồ câu vẫn luôn ấp ủ trong Thủy. Những ngày đi làm thuê, Thủy thường mua những cuốn sách viết về kỹ thuật nuôi chim bồ câu để có một ngày thỏa ước nguyện.
Nhờ ý trí quyết tâm, anh Vũ Thanh Thủy đã thành công trong mô hình nuôi bồ câu Pháp cho thu nhập cao. Ảnh: Hữu Dụng
Không chỉ cung cấp chim thương phẩm, chim giống, anh Vũ Thanh Thủy còn làm dịch vụ thiết kế, xây dựng cho nhiều trang trại ở Thanh Hóa. Thủy thường thiết kế trang trại đơn giản, có thể tận dụng các nhà, chuồng chăn nuôi không còn sử dụng, lợp lại sao cho mát về mùa hè, ấm, kín gió về mùa đông. |
Năm 2009, từ nguồn vốn tích cóp từ mấy năm đi làm thuê cộng với vay mượn, Thủy đầu tư làm chuồng, mua 200 đôi bồ câu Pháp về nuôi thử. Một nửa, Thủy nuôi nhốt lồng, nửa còn lại, nuôi trong nhà lưới. Thế nhưng, do chưa có kinh nghiệm, cộng với mua phải nguồn giống trôi nổi, từ 200 đôi ban đầu, cả đàn chỉ còn 16 đôi sống sót. "Để có tiền trả nợ, tôi lại phải đi làm thuê để vợ ở nhà chăm 16 đôi chim bồ câu còn lại" - Thủy nhớ lại.
Đến năm 2013, Thủy mua thêm 80 đôi chim bồ câu Pháp sắp đến thời kỳ sinh sản từ Hà Nội về nuôi với giá 500.000 đồng/đôi.
“Ngày trước, do chưa thuần thục kinh nghiệm nuôi chim bồ câu và không am hiểu kỹ thuật nuôi chim bồ câu và khi bắt tay vào nuôi khác xa thực tiễn nên tôi gặp không ít khó khăn. Đàn bồ câu ăn ít, ủ rũ, ốm yếu vì môi trường sống thay đổi, thức ăn không phù hợp. Trong thời gian tiếp tục đi làm thuê tôi đã học hỏi thêm rất nhiều kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp từ các hộ nuôi bồ câu, nhằm tìm ra phương pháp nuôi hiệu quả nhất và thường xuyên truyền tải thông tin cho vợ ở nhà chăm sóc” - Thủy cho hay.
Đến năm 2014, trong trại nuôi nhà Thủy đã có 300 đôi bồ câu Pháp. Lúc này, Thủy vẫn tiếp tục đi làm thuê, đến cuối năm 2014 mới bỏ hẳn việc về chuyên tâm nuôi bồ câu Pháp tại nhà. Anh mở thêm 2 khu chuồng nuôi chim bồ câu và đến nay trang trại của Thủy đã có 1.300 đôi bồ câu Pháp sinh sản.
“Ưu điểm của loài bồ câu Pháp là không cần diện tích chuồng trại rộng, tiêu thụ ít thức ăn, chủ yếu là ăn gạo, thóc, thỉnh thoảng bổ sung một chút cám. Bồ câu Pháp cũng khá phù hợp khí hậu ở Thanh Hóa, khả năng miễn dịch cao nên ít bệnh... Giống chim bồ câu này sinh sản nhiều. Một năm, trung bình mỗi cặp đẻ 8 -10 lứa, tuổi sinh sản kéo dài từ 4 - 5 năm nên khả năng thu hồi vốn nhanh..." - Thủy phân tích.
Theo Thủy, nuôi chim bồ câu Pháp không khó, chỉ cần chú ý vệ sinh chuồng trại tốt thì chúng sẽ không bệnh tật và nhanh lớn. Mỗi ngày cho chim ăn 3 lần, chim ở thời kỳ sinh sản thì có thể bổ sung thêm một ít thức ăn và chất dinh dưỡng” - Thủy chia sẻ.
Cho bồ câu ấp trứng giả
Thủy cho biết, để bồ câu thuần thục nên ghép đôi từ thời điểm 45 ngày tuổi, người có nhiều kinh nghiệm nuôi chim bồ câu thì tỷ lệ ghép đôi trống - mái sẽ chính xác hơn. Bồ câu Pháp nuôi được 6 - 8 tháng là sinh sản. Để tăng năng suất đàn bồ câu nên cho trứng vào máy ấp công nghiệp. Quá trình này cần cho bồ câu ấp trứng giả để không quên mất bản năng nuôi con sau này. Sau 19 ngày, trứng ấp trong máy sẽ nở thành con và được đưa vào cho chim bố mẹ nuôi.
Trong 13-15 ngày ấp trứng giả, người nuôi có thể tráo đổi con của đôi này (nở trước) cho đôi khác nuôi với số lượng 4 - 5 chim con/chim bố mẹ. Mục đích là để chim giảm thời gian ấp trứng, nuôi con vừa đẻ sớm nhất. Theo kinh nghiệm của mình, Thủy chỉ cho 50% chim bố mẹ khéo léo ấp trứng giả và nuôi con, 50% còn lại cho ấp trứng giả nhưng không nuôi con để tăng lứa đẻ/năm.
Với mô hình nuôi bồ câu giống, bồ câu thương phẩm, mỗi tháng anh Thủy thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng. Thấy mô hình nuôi chim bồ câu của Thủy mang lại nguồn thu cao, dễ áp dụng, bà con các tỉnh lân cận đã tìm đến tận nhà anh để học hỏi kinh nghiệm.
“Ai tới hỏi, tôi đều chỉ tỉ mỉ từng chi tiết từ khâu chọn con giống, cách làm chuồng đến kỹ thuật nuôi, chủ yếu là giúp bà con áp dụng mô hình này hiệu quả, nâng cao thu nhập để cải thiện cuộc sống” - anh Thủy cho biết.
Giữa những cơn bão “giải cứu” do giá lợn hơi rớt thê thảm hay bệnh dịch tả lợn châu Phi thì đàn lợn rừng lai có...