Anh nông dân có biệt tài trồng bưởi da xanh, nuôi lợn lãi 2 tỷ/năm
Nhờ mạnh dạn đầu tư, biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm chi phí đầu tư trong chăn nuôi, trồng trọt và giúp tăng lợi nhuận, anh Đoàn Phương Tùng (xã Lương phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đã thu về tiền tỷ mỗi năm.
Anh Đoàn Phương Tùng mới vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017.
Làm giàu nhờ kết hợp nhiều mô hình
Nhận thấy việc chăn nuôi lợn ở địa phương có thể giúp gia đình tăng thu nhập, năm 2011, anh Tùng đã mạnh dạn đầu tư tiền xây chuồng nuôi. Ban đầu, anh chỉ nuôi với số lượng ít và chọn giống tốt, dễ nuôi, ít bệnh, tỷ lệ nạc cao, khả năng sinh sản tốt, được thị trường ưa chuộng.
Bưởi da xanh của anh Tùng phát triển tốt nhờ chất dinh dưỡng từ chất thải lợn đã qua xử lý. Ảnh: Huỳnh Xây
Nhờ kiến thức học được từ dự án khí sinh học Hà Lan do ngành chức năng huyện Giồng Trôm tổ chức, anh xây dựng hầm xử lý chất thải của đàn lợn làm nước tưới cho vườn cây bưởi da xanh (tổng diện tích 2.000m2). “Chất thải của đàn lợn sau khi được xử lý là nguồn phân hữu cơ cải tạo đất, nâng độ màu mỡ, tăng năng suất hết sức quý giá mà các nhà vườn không thể bỏ qua, thay thế hết cho phân hữu cơ” – anh Tùng nói.
Từ năm 2007 đến năm 2016, anh Tùng nhận được nhiều bằng khen của các ngành chức năng trong tỉnh, Bộ LĐTBXH và của Thủ tướng Chính phủ do sản xuất kinh doanh giỏi và có thành tích xuất sắc trong công tác “đền ơn đáp nghĩa”. Riêng trong năm 2017, anh Tùng còn được bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2017. |
Ngoài ra, từ chất thải của đàn lợn, anh Tùng còn làm hầm biogas và sử dụng khí này để chạy máy phát điện, thắp sáng gia đình và bơm nước tắm cho lợn. Anh Tùng cho biết thêm, nhờ làm vậy mà mỗi tháng gia đình tiết kiệm được khoảng 3,5 triệu đồng.
Anh Tùng còn ký hợp đồng, lấy thức ăn trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc như địa lý cấp 1. Vì vậy, chi phí nuôi đàn lợn giảm rất đáng kể. Ngoài phục vụ cho việc chăn nuôi trong gia đình, anh còn cung cấp thức ăn gia súc cho người dân địa phương khi họ có nhu cầu.
Cũng trong năm 2011, anh đi vận động, phối hợp với hơn 40 hộ dân khác thành lập tổ hợp tác chăn nuôi lợn xã Lương Phú. Với những thành công ban đầu, năm 2012, anh Tùng đã mở rộng chuồng nuôi lợn thành trang trại (được thiết kế theo tiêu chuẩn mới trong ngành chăn nuôi), với số lượng khoảng 350 con lợn thịt. Được biết, lúc này trang trại có quy mô 4.000m2, còn diện tích bưởi da xanh cũng được nâng lên đến 9.000m2.
Đến năm 2016, để nâng cao hiệu quả trong khâu chăn sóc, hạ tỷ lệ thất thoát trong nuôi lợn, anh Tùng chuyển sang hình thức nuôi lợn sinh sản. Thay vì bán con giống, anh lại tiếp tục nuôi lấy thịt. Từ các mô hình trên, anh Tùng có thu nhập khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Giá giảm vẫn không lỗ
Khi phóng viên hỏi, thời gian gần đây, giá lợn giảm mạnh, nhiều hộ thua lỗ thì trang trại có gặp khó khăn gì không, anh Tùng thông tin: “Tôi không lỗ vì chi phí nuôi của trang trại tôi đã giảm tối đa, kể cả vai trò “bác sĩ thú y” tôi cũng đảm nhận luôn. Hơn nữa, tôi vẫn còn có tiền thưởng, doanh thu từ bán thức ăn, nguồn thu từ bưởi da xanh… Hiện nay trang trại tôi vẫn giữ vững 400 con lợn các loại”.
Nhiều người dân địa phương cho biết, anh Tùng là người luôn đi tiên phong trong việc lựa chọn cây, con mới để sản xuất và hướng dẫn lại cho bà con. Mới đây, anh còn xây nhà gần 800 triệu đồng để nuôi yến và mô hình thử nghiệm này đã thành công bước đầu.
Anh Tùng chia sẻ: “Qua tìm hiểu, tôi thấy nơi này có nhiều yến đến ăn côn trùng nên đã quyết định nuôi thử. Sau 8 tháng kể từ khi căn nhà này được dựng lên, đã có gần 100 tổ yến rồi. Mô hình của tôi là đầu tiên ở xã, sau đó có hướng dẫn cho nhiều hộ khác nuôi theo”.
Thời gian qua, anh Tùng còn chuyển giao kỹ thuật, cách nuôi lợn theo hướng mới cho nhiều hộ dân. Qua đó, đã giúp cho hơn 40 hộ dân thoát nghèo. Ngoài ra, anh cũng hỗ trợ được hơn 30 hộ dân gặp khó khăn về vốn mua thức ăn với giá gốc và không tín lãi.
Ông Hồ Ngọc Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Phú cho biết: “Mô hình kinh tế của anh Tùng không những mang lại hiệu quả riêng cho gia đình ông mà còn tác động theo chiều sâu, nhằm thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang hướng sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao và bảo vệ môi trường sống. Các mô hình của anh Tùng mang tính lâu dài, bền vững”.
Cũng theo ông Hùng, ngoài làm kinh tế giỏi, anh Tùng còn thường xuyên quan tâm đến công tác phúc lợi xã hội như vận động mạnh thường quân trong giới chăn nuôi tặng quà, tiền cho các hộ nghèo, gia đình chính sách gặp khó khăn, hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới…