Ảnh hưởng của bão đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Giá lương thực, thực phẩm đắt đỏ cộng thêm số địa phương tăng học phí theo lộ trình và giá thuê nhà leo thang là những nguyên nhân đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,29% so với tháng trước.

Sáng 6-10, Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế - xã hội thường kỳ. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,29% so với tháng trước. Đồng thời tăng 2,18% so với tháng 12-2023 và tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, CPI bình quân quý 3 tăng 3,48% so với 2023.

Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 2,69%.

9/11 nhóm ngành tăng giá

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 9 tăng, chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm “đắt đỏ” hơn tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu bão. Bên cạnh đó, một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình và giá thuê nhà leo thang.

Trên thị trường, 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá và hai nhóm hàng giảm giá so với tháng 8.

Đặc biệt trong tháng, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,92%; nhóm thực phẩm tăng 1,06%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,65%. Ngoài ra, chỉ số giá nhóm lương thực cũng tăng 0,77%, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,76%.

Giá lương thực, thực phẩm đắt đỏ là một nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng. Ảnh: MINH TRÚC

Giá lương thực, thực phẩm đắt đỏ là một nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng. Ảnh: MINH TRÚC

Theo bà Oanh, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và do nhu cầu gạo tăng cao tại một số địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3, số 4 và hoàn lưu bão.

Từ tháng 4 đến tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng liên tục so với tháng liền trước, lần lượt là 0,07%; 0,05%; 0,17% và 0,48%. Bà Nguyễn Thu Oanh cho hay, nguyên do chủ yếu do giá gạo, thịt lợn, xăng dầu, điện sinh hoạt và bảo hiểm y tế tăng.

Riêng tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng ổn định so với tháng trước. Đặc biệt trong tháng 9, giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3, số 4, hoàn lưu bão và một số địa phương thực hiện tăng học phí năm học 2024-2025. Với diễn biến trên, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,24% so với tháng liền trước.

“Tuy nhiên bình quân 9 tháng, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,88%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản,” bà Oanh nói và nhấn mạnh lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

GDP 9 tháng ước tăng 6,82%

"Kinh tế - xã hội quý 3 và 9 tháng năm 2024 của nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm", bà Hương thông tin tại họp báo.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3-2024 ước tính tăng 7,40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%; khu vực dịch vụ tăng 7,51%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng của nền kinh tế với tốc độ tăng 11,41% - đây là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm gần đây.

Tính chung 9 tháng năm 2024, GDP ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 ổn định hơn so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng chỉ có 1 nhóm chỉ số giảm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo MINH TRÚC ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN