An toàn thực phẩm cuối năm 2018: Mớ rau, quả trứng cũng đòi xuất xứ

Sự kiện: An toàn thực phẩm

Sự việc nhiều chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình bị phạt do vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ thời gian qua cho thấy, đã đến lúc việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm phải hướng đến sự bài bản.

Mức phạt đã tăng

Ông Đào Bá Thanh ở xã Liên Châu (Thanh Oai, Hà Nội) đến giờ vẫn còn bất ngờ về việc mình vận chuyển trứng lên Hòa Bình tiêu thụ bị cơ quan chức năng tỉnh này phạt với số tiền lên tới 5,5 triệu đồng. Nguyên nhân là do ông không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chuyến hàng đó ông bị lỗ nặng, lại còn mất quá nhiều thời gian đi nộp phạt.

Được biết, chiếc xe tải chở trứng của ông Thanh đã bị lực lượng Quản lý thị trường phối hợp Đội 4, Phòng PC46 Công an tỉnh Hòa Bình, Trạm Chăn nuôi và Thú y TP.Hòa Bình kiểm tra. Sau khi xác định ông Thanh có hành vi vi phạm vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, lực lượng chức năng đã tịch thu và tiêu hủy 25.940 quả trứng các loại, phạt vi phạm hành chính 5,5 triệu đồng.

An toàn thực phẩm cuối năm 2018: Mớ rau, quả trứng cũng đòi xuất xứ - 1

Lực lượng chức năng kiểm tra, tiêu hủy sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. ảnh Thuần Việt

Không riêng ông Thanh, nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng bị lực lượng chức năng xử lý với nhiều lỗi vi phạm. Điển hình như cơ sở sữa đậu nành Đông Á, địa chỉ xóm Mát, xã Dân Chủ (TP. Hòa Bình) do ông Trần Quốc Tuấn làm chủ đã vi phạm không duy trì việc kiểm soát chất lượng kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ theo quy định, phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng.

Thống kê cho thấy, qua các đợt tiêu hủy hàng hóa vi phạm do các cơ quan chức năng thực hiện, hàng hóa vi phạm làm giả nhãn hiệu, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ chiếm phần lớn. Điển hình như vụ tiêu hủy hơn 1 tạ ruốc thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng trăm hộp bánh quy giả do lực lượng Quản lý thị trường TP.Hòa Bình phát hiện, tịch thu không để lưu thông ngoài thị trường.

Theo quy định, hàng hóa trên đường vận chuyển phải có hóa đơn, chứng từ kèm theo chứng minh nguồn gốc là hợp pháp ngay tại thời điểm kiểm tra. Chính vì vậy, việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc rất quan trọng. Đây cũng là điều kiện quan trọng để các loại nông sản có thể được lưu thông tại nhiều thị trường khó tính.

Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ

Hòa Bình là tỉnh nằm trung tâm trên trục giữa các tỉnh Tây Bắc nối với TP.Hà Nội. Vừa qua, con đường cao tốc nối giữa TP.Hà Nội với tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành. Đây chính là cơ hội để các loại nông sản, thủy sản sạch của Hòa Bình được tiêu thụ trên những thị trường có sức tiêu dùng lớn. Vấn đề còn lại là, làm thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc.

An toàn thực phẩm cuối năm 2018: Mớ rau, quả trứng cũng đòi xuất xứ - 2

Ông Vương Đắc Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hoà Bình cho biết, Hoà Bình có một số mặt hàng chủ lực gắn với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như cam, bưởi, mía, lợn bản địa, gà đồi, cá Sông Đà... Gần 80ha sản xuất nông sản của tỉnh có chứng nhận VietGAP, chứng nhận an toàn thực phẩm như rau, củ, quả, thịt cá... được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.

Mặc dù vậy, vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông sản của Hoà Bình vẫn đang là bài toán khó. Bởi hiện nay, giá cả nông sản vẫn bấp bênh, không ổn định. Nguyên nhân là do tỉnh chưa hình thành được nhiều mô hình sản xuất lớn gắn với tiêu thụ. Đó là chưa kể một số nơi ý thức của nông dân về sản xuất an toàn chưa cao.

Đây chính là lý do khiến Hòa Bình mong muốn được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên cổng thông tin điện tử đến các cộng đồng doanh nghiệp ở Hà Nội, các hệ thống siêu thị, nhà hàng, trung tâm tổ chức sự kiện…

Theo thống kê, đến năm 2020, diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đạt trên 12.000ha, sản lượng đạt trên 30 vạn tấn; mía đạt 7.500ha, sản lượng trên 53 vạn tấn; số lồng cá trên 4.500 lồng, sản lượng 10.000 tấn; gà ta đạt 5,2 triệu con... Đến năm 2025, quy mô sản xuất và sản lượng có thể tăng thêm 30%. Ngay từ lúc này, việc tìm các kênh phân phối hiệu quả là rất quan trọng. Chính vì vậy, vấn đề đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm phải được ưu tiên hàng đầu.

Ông Nguyễn Gia Phương-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội (HPA) cho biết, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành là rất quan trọng vì Hà Nội có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp trong khi khả năng đáp ứng chưa được nhiều. 50-60% vẫn nhập từ các địa phương khác nên tiềm năng kết nối với Hoà Bình nói riêng là rất lớn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Thắng ([Tên nguồn])
An toàn thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN