Ăn "quả đắng" vì các dịch vụ gắn mác VIP
Gắn mác VIP cho các sản phẩm bình dân hay câu kéo khách mở thẻ sử dụng dịch vụ VIP với những ưu đãi bèo bọt... là những chiêu lừa phổ biến đối với những khách hàng nhẹ dạ.
Thực tế, chỉ cần lên mạng tìm kiếm "dịch vụ VIP" (viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Very important person, tức là người rất quan trọng; ở Việt Nam còn được hiểu theo nghĩa đơn thuần là quan trọng, hạng sang… - PV), sẽ cho ra khá nhiều kết quả như cho thuê đồ cưới, rửa xe, đặt tour du lịch, đặt bàn nhà hàng, khách sạn, dịch vụ viễn thông... Qua tìm hiểu được biết, hiện vẫn chưa có một tiêu chuẩn cụ thể áp dụng cho từng dịch vụ nên hiện tượng gắn mác VIP một cách tràn lan đang trở thành chiêu lừa người sử dụng.
Dịch vụ tắm bồn ngâm thảo dược dành cho khách VIP ở một spa tại phố Lê Ngọc Hân (Hà Nội)
Gắn mác VIP từ... xe ôm đến phòng quán hát
Xe ôm là dịch vụ quen thuộc đối với hầu hết những ai sống ở thành thị. Thế nhưng, dường như gắn mác VIP cho thứ dịch vụ bình dân là một chiêu câu khách khá độc được giới xe ôm mách nhau. Anh Long (Mễ Trì - Từ Liêm - Hà Nội) - một tay xe ôm tiên phong trong phong trào gắn mác VIP cho thứ dịch vụ bình dân này - cho biết: "So với những người đi xe ôm bình thường, dịch vụ này đương nhiên có những điểm tốt hơn hẳn nên mới lấy tên là VIP. Tuy nhiên, việc đầu tư cho cái mác này chu đáo đến mức nào còn tùy vào từng người đứng ra tổ chức dịch vụ".
Cá nhân anh Long cho biết, ngay từ chiếc xe là phương tiện để chạy phải là xe ga hạng trung trở lên như: Attila, Nouvo... nhưng kinh nghiệm là nên sử dụng dòng xe của Honda như SCR, Lead... vừa sang trọng, vừa tiết kiệm xăng. Xe đã đẳng cấp chắc chắn phải chịu khó đầu tư bảo dưỡng và rửa xe thường xuyên để đảm bảo "mặt tiền" lúc nào cũng sạch sẽ, máy móc chạy êm ru, bởi đối tượng khách mà loại dịch vụ xe ôm này hướng tới bao gồm nhân viên công sở, đi xe ga, đưa đón tận nhà, chờ đợi khách và chở hàng theo yêu cầu. Giá của dịch vụ này dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/giờ.
"Ngay cả địa điểm đón khách cũng không phải đứng đầu đường hay "bạc mặt" tại các bên xe, ga tàu mà đồ nghề quảng cáo để mọi người biết đến dịch vụ của mình đôi khi chỉ là một tấm biển ngắn gọn ghi tên và dịch vụ kèm theo số điện thoại được treo ở vị trí bắt mắt nhất là khách hàng có thể tự tìm đến rồi!" - anh Long cho biết.
Đối tượng cung cấp dịch vụ này thường coi đây là một nghề tay trái bởi họ không bị áp lực về kinh tế. Anh Đinh Ngọc (quận Thanh Xuân), hành nghề "xe ôm VIP" đã được nửa năm, chia sẻ: "Nghề nghiệp hiện tại của tôi là kinh doanh tại gia, điều kiện kinh tế rất ổn định. Công việc chỉ quanh quẩn với sạp hàng ở nhà nên cũng nhàn rỗi. Tôi làm thêm nghề này để có cơ hội đi đây đi đó giao lưu cho vui. Nếu chị em nào cần người đi chung để bầu bạn hoặc đơn giản là khi mua sắm cần người xách đồ, tôi cũng vui vẻ đáp ứng".
Còn Ngọc Dương, sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng công nghiệp, cậu có một công việc với mức thu nhập khá ổn từ việc kinh doanh quảng cáo cho một công ty truyền thông. Dương tâm sự: "Chạy xe ôm chỉ là nghề phụ giúp mình kiếm thêm thu nhập. Cũng từ nghề này mà mình quen được một phụ nữ khá thành đạt nhờ vài lần đưa đón chị đi dự tiệc. Những hợp đồng quảng cáo gần đây của mình cũng nhờ chị giới thiệu mà có được...".
Dường như nhận thấy chỉ với một động tác gắn mác đơn giản mà cơ hội thu nhập có thể tăng lên trông thấy nên dịch vụ "xe ôm VIP" ngày càng được gắn mác tràn lan. Ngay cả tại bến xe, ga tàu hiện nay, nhiều người cũng ngang nhiên gắn biển "xe ôm VIP" một cách đầy tự tin. Tuy nhiên, thị trường khách hàng ở những điểm này nếu giá cũng VIP theo đúng tiêu chuẩn thì không có khách đi nên đầu tư vì thế cũng kém mạnh tay hơn.
Bác Quang Sáu (50 tuổi) - một tay lái "xe ôm VIP" ở bến xe Mỹ Đình cho biết: "Thật ra cũng chỉ là một chiêu bình mới rượu cũ thôi. Có chăng đi nữa thì cũng chỉ đến người lái xe ăn mặc bảnh bao, sạch sẽ hơn một chút, lời ăn tiếng nói lịch sự, còn xe cộ thì đừng có cà tàng quá là được".
Bên cạnh đó, các dịch vụ ăn chơi, giải trí, hát hò... vốn được giới văn phòng công sở khá quan tâm cũng "té nước theo mưa" khi dùng chiêu này để câu khách. “Việc khách hàng đột nhiên nhận được điện thoại rất "trời ơi" của nhân viên nhà hàng, khách sạn... mời chào mua thẻ VIP không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, giá mở thẻ toàn tính bằng USD mà dịch vụ được hưởng cũng chỉ lèo tèo vài voucher (biên lai) giảm giá, nếu đi ăn nhiều người hoặc trong khung giờ hóc búa hay hưởng ưu đãi với một số dịch vụ dùng trong thời gian hạn chế" - chị Liên Hoa (Ba Đình - Hà Nội) kể.
Một chiêu lừa đảo trắng trợn mà các nhà hàng kinh doanh dịch vụ karaoke thường áp dụng đó là gắn mác VIP bừa bãi cho các phòng hát. "Lần nào đến đặt phòng karaoke trên đường Lý Thường Kiệt, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời ngọt lịm của cô lễ tân: "Hiện chỉ còn phòng VIP thôi, anh chị thông cảm". Dĩ nhiên chi phí và chất lượng phòng VIP thì ai cũng hiểu sẽ cao ngất ngưởng so với mặt bằng chung như thế nào" - chị Liên Hoa bức xúc kể. Trong một lần ra cửa nghe điện thoại rồi tiện thể đi một vòng tham quan toàn bộ cửa hàng này, chị Hoa mới tá hỏa khi biết tất cả các phòng đều gắn chữ VIP. Thực chất, gắn thêm chữ VIP cũng chỉ cho sang rồi thu thêm tiền của khách, chứ chất lượng dịch vụ thì không có gì nổi trội.
"Liên minh" dịch vụ VIP bẫy khách hàng
Nhiều dịch vụ của các ngân hàng cũng mang tên VIP. Đối với khách hàng VIP của các ngân hàng, ngoài việc được tham gia bốc thăm khuyến mại, hưởng tín dụng với lãi suất ưu đãi, khách hàng còn được chăm sóc đặc biệt và tặng quà trong những dịp sinh nhật hoặc ngày lễ, tết...
Cao thủ hơn là những chiêu mà nhà cung cấp dịch vụ của khối khác nhau bắt tay thành một liên minh để câu khách hàng. Chị Minh Hương, sau khi được vị trưởng phòng quan hệ khách hàng của một ngân hàng quốc tế giải đáp thắc mắc về việc giá vàng đang tăng phi mã và những băn khoăn về các danh mục đầu tư hiện tại, chị quyết định sử dụng sản phẩm đầu tư cấu trúc với lượng vốn "rót" vào lên tới gần 100 triệu đồng. Điều đáng nói là ngoài những ưu đãi bên phía ngân hàng dành cho khách VIP, chị còn đươc khuyến mại một thẻ VIP cho khách hàng đến sử dụng miễn phí các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp tại một trung tâm thẩm mỹ cao cấp ở Láng Hạ trong vòng một tháng. Thế nhưng, đến nơi, chị không khỏi thất vọng, bởi màn giới thiệu những dịch vụ chị được hưởng chỉ ở cấp bình dân như tập erobic với các loại máy tập quen thuộc, theo học các lớp yoga, múa bụng... được quảng cáo là có giáo viên đứng lớp là người nước ngoài. Còn các dịch vụ khác mà khách hàng thực sự mong chờ như: Mát-xa, xông hơi, sử dụng dịch vụ bể bơi... đều phải mất tiền. "Có thể khái niệm cao cấp ở đây chẳng qua chỉ là trung tâm mới khai trương nên các máy móc thiết bị được đầu tư mới hơn các chỗ khác" - chị Minh Hương hài hước nói.
Chưa hết, những nhân viên tư vấn ở đây cũng khá khôn khéo bằng cách chào mời khách tiếp tục đăng ký thẻ hội viên bạc, vàng, kim cương... với các dịch vụ ưu đãi tăng dần lên, đồng nghĩa với việc số tiền mở thẻ khiến bất kỳ ai nghe thấy cũng không khỏi choáng váng. Cùng đó, họ còn thúc để mình mau chóng ký hợp đồng với lý do, hôm nay là ngày hết hạn được hưởng giá mềm khi mở thẻ.
"Thấy mình tìm cách thoái thác về bàn lại với ông xã rồi sẽ thông báo lại kết quả sau, họ còn nhiệt tình ngỏ ý muốn đi cùng mình về tận nhà để thuyết phục ông xã. Đến nước này, tôi chỉ còn cách giả nghe điện thoại để chuồn lẹ, bỏ cả thẻ VIP mà ngân hàng tặng cho..." - chị Hương than thở.