Ẩn họa gối siêu rẻ ruột làm từ vải tái chế
Bằng kỹ thuật “che mắt”, những chiếc gối được độn lõi vải tái chế với giá “như cho” đang được một số cơ sở tại làng Trát Cầu (Thường Tín, Hà Nội) tích cực sản xuất.
Người mua thua người bán…
Ngày 22/9, PV Báo Giao thông có mặt tại một xưởng sản xuất ruột gối tại đội 7, thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong (Thường Tín, Hà Nội). Bà H. (56 tuổi), nhân viên từng có 10 năm kinh nghiệm làm ruột gối, đang gấp rút hoàn thiện những sản phẩm được nhồi bằng bông xay từ vải thải. Chỉ chưa đầy một phút, chiếc ruột gối bao gồm 3 lớp được độn lõi từ bông xay bụi mù đã được bà H. hoàn thiện và tuôn vào vỏ mỏng có in dòng chữ “Eveton”.
Theo quan sát của PV, để “che mắt” khách hàng, người thợ sẽ bọc một lớp bông trắng, sạch ở bên ngoài lớp bông xay để che bớt bụi. Dù đã bịt kín mặt bằng hai lớp khăn nhưng PV vẫn có lúc như ngộp thở bởi những luồng bụi bay lên từ đống bông tái chế. “Làm cái này không cẩn thận hít phải bụi là hay bị ho. Biết sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng vẫn cố phải làm, ốm đau thì có thuốc, lo gì”, bà H. tâm sự.
Theo một số cơ sở sản xuất ở thôn Trát Cầu, các loại thú nhồi bông ở đây cũng được đúc từ bông có đầu chỉ, bông kém chất lượng với giá 28 nghìn đồng/ con và bụi… là điều không thể tránh khỏi. |
Chị G., chủ cơ sở sản xuất ruột gối nói trên cho biết, nguyên liệu để làm gối có nhiều loại, từ hàng nhập khẩu, chất lượng cao đến các loại bông tái chế từ vải xay. Cụ thể, ruột gối được làm từ loại bông hạt cao cấp được bán với giá 100 nghìn đồng/đôi. Tuy nhiên, với loại bông xay tái chế có màu đen được chất đống trên sàn nhà, sau khi được độn lõi bán 22 nghìn đồng/ đôi, tức chỉ bằng 1/5 giá ruột gối làm từ bông cao cấp.
Chủ cơ sở tiết lộ, ruột gối độn lõi bông xay sẽ được lồng thêm vỏ gối ở bên ngoài để người mua không thể phát hiện. Trung bình mỗi ngày cơ sở này bán ra từ 200 - 300 ruột gối độn bông xay từ vải thải, thậm chí có những ngày lên đến cả nghìn chiếc. Thị trường của những loại gối giá rẻ này bao phủ khắp các tỉnh, thành nhưng tiêu thụ mạnh nhất là tại Hà Nội. Đây là sản phẩm đắt hàng, thường xuyên được sinh viên, người nhà bệnh nhân tại bệnh viện và các trường mầm non lựa chọn.
Chị G. cũng không ngần ngại đưa ra lời khuyên nếu muốn bán gối cho người quen thì nên nhập loại lõi bông hạt, bông chất lượng, còn gối “bẩn” này chỉ bán cho khách “thiên hạ”. “Lồng vỏ vào là không ai biết gì cả. Người mua phải thua người bán. Có lúc 7, 8 nhân công trong xưởng cùng làm mà cung không kịp cầu vì tất cả các mùa trong năm đều bán chạy và không bao giờ sợ ế”, chị G. chia sẻ.
Khắp người lấm lem vì bụi phả ra từ cỗ máy xay bông chuyên dụng, bà T. (đội 7, thôn Trát Cầu), chủ một cơ sở chế biến vải vụn khẳng định, bông được xay từ vải đều đảm bảo an toàn, được thu mua từ các công ty may mặc và không có chuyện tẩy rửa hoá chất. Mỗi ngày, cơ sở này bán ra hàng tạ bông xay cho các xưởng sản xuất chăn, gối… trên địa bàn. Theo bà T, bông xay có màu đen là loại bông có chất lượng thấp và rẻ nhất với giá 2.500 đồng/cân.“Nghề xay bông này là bụi nhất, dính đầy mặt, đầy mũi. Người lạ vào xưởng xay chắc không chịu nổi”, bà T. bày tỏ.
Công nhân tại một xưởng sản xuất ruột gối làng Trát Cầu (Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội) đang thực hiện kỹ thuật độn lõi bông xay từ vải vụn
Khó khăn trong quản lý, kiểm định chất lượng
Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch UBND xã Tiền Phong (Thường Tín, Hà Nội) thừa nhận, tình trạng một số cơ sở sản xuất gối được làm bằng bông xay kém chất lượng trên địa bàn xã vẫn còn tồn tại, tuy nhiên số lượng này không nhiều. “Tính riêng tại thôn Trát Cầu có gần 1.000 cơ sở làm các mặt hàng chăn, ga, gối, đệm nhưng trong đó chỉ có một vài hộ sản xuất gối từ lõi kém chất lượng, còn lại đều được làm từ bông, mút cao cấp”, ông Minh nói.
Theo vị Phó chủ tịch xã Tiền Phong, địa phương khó quản lý, kiểm soát nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ của các loại gối giá rẻ này. Giải pháp duy nhất là chỉ có thể tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các cơ sở phải tích cực sản xuất hàng cao cấp và có thương hiệu riêng của mình. “Chúng tôi đã mở rất nhiều hội nghị và liên kết với một số công ty lớn như Công ty CP May Sông Hồng, Công ty TNHH Hàn Việt Hanvico… về tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở chống hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, xã cũng đã thành lập Hiệp hội Làng nghề chăn, ga, gối, đệm Trát Cầu để định hướng cho người dân đi vào sản xuất những mặt hàng chất lượng, mẫu mã đẹp để giữ được nghề truyền thống. Vì nếu cứ sản xuất như vậy sẽ không thể tồn tại bền vững trên thị trường và chính mình sẽ tự đánh mất mình. Chất lượng phải đi đôi với giá thành và không vì giá thành mà bỏ đi chất lượng”, ông Minh nói.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. TS. BS. Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, việc tiếp xúc thường xuyên với môi trường có nhiều bụi nói chung đều không tốt cho phổi và đường hô hấp. Bụi càng nhỏ, nồng độ cao thì càng hít sâu và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ. Ngoài ra, đây cũng là môi trường lý tưởng để nấm mốc, vi khuẩn có thể phát triển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu các cơ sở sản xuất không đảm bảo được quy trình sản xuất an toàn. “Muốn biết mức độ ảnh hưởng đến đâu cần phải xem xét trong loại bông đó bao gồm những thành phần gì, bụi đó có thoát ra ngoài và hít vào mũi hay không”, BS. Phương cho hay.