Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, Việt Nam chú ý
Với việc Ấn Độ quay trở lại thị trường, gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn, đặc biệt ở những thị trường lớn như châu Phi và Đông Nam Á.
Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 1-10, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, đã có những nhận định đánh giá ban đầu về tác động của việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo đối với ngành lúa gạo Việt Nam.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn ở thị trường lớn như châu Phi và Đông Nam Á
Từ ngày 28-9 vừa qua, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã ký quyết định bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, điều kiện đi kèm là giá sàn xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn.
Theo ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường là một thông tin quan trọng trong với thị trường lúa gạo toàn cầu. Ấn Độ hiện là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm tới gần 40% thị phần toàn cầu, trong đó gạo tẻ thường chiếm tỷ lệ đáng kể.
Khi lệnh cấm được áp dụng, các quốc gia nhập khẩu buộc phải tìm nguồn cung thay thế, và Việt Nam cùng với Thái Lan là hai trong số những nhà xuất khẩu gạo lớn đã được hưởng lợi từ sự thiếu hụt này.
Tuy nhiên, với việc Ấn Độ quay trở lại thị trường, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn, đặc biệt ở những thị trường lớn như châu Phi và Đông Nam Á.
"Giá gạo của Ấn Độ thường thấp hơn so với gạo Việt Nam, do đó áp lực về giá sẽ là một yếu tố đáng lo ngại cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của chúng ta" - ông Bùi Trung Thướng đánh giá.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng áp dụng mức giá sàn xuất khẩu 490 USD/tấn, điều này có thể giúp Việt Nam không bị cạnh tranh giá quá rẻ, nhưng cũng tạo ra một ngưỡng mới mà các doanh nghiệp cần lưu ý khi định giá.
Theo đó, Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam thay vì cạnh tranh về giá, nên tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, bao gồm cả việc tăng cường quy trình sản xuất gạo sạch, gạo hữu cơ, và gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn.
"Những sản phẩm này đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trên toàn thế giới về sức khỏe và an toàn thực phẩm, và cũng giúp tăng giá trị xuất khẩu" - ông Thướng lưu ý.
Cùng với đó, doanh nghiệp đa dạng thị trường bằng cách thay vì chỉ phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống như châu Phi hay châu Á, các doanh nghiệp cần tìm cách mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác, đặc biệt là các thị trường khó tính như châu Âu, Trung Đông và Mỹ.
Với việc Ấn Độ quay lại, các thị trường dễ tính sẽ trở nên cạnh tranh hơn, nên việc đa dạng hóa sẽ giúp giảm rủi ro.
Gạo Việt Nam có nhiều giống gạo ngon như ST24, ST25 đã được công nhận trên thế giới. Việc tận dụng và quảng bá các giống gạo đặc sản này sẽ giúp Việt Nam có vị thế riêng trên thị trường quốc tế, thay vì cạnh tranh trực tiếp về giá với Ấn Độ hay Thái Lan.
Đáng chú ý, Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng cũng cho rằng thị trường lúa gạo toàn cầu thay đổi nhanh chóng, đặc biệt khi các quốc gia xuất khẩu lớn như Ấn Độ điều chỉnh chính sách.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần thường xuyên cập nhật thông tin, nắm bắt kịp thời các thay đổi về chính sách thương mại và thuế quan để đưa ra chiến lược phù hợp.
Đến giữa tháng 9-2024, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 6,5 triệu tấn, trị giá trên 4 tỉ USD. Dự báo cả năm, Bộ NN-PTNT ước tính xuất khẩu đạt trên 7 triệu tấn gạo.
Nguồn: [Link nguồn]
Kinmemai Premium hiện đang giữ Kỷ lục Guinness về loại gạo đắt nhất thế giới (109 USD/kg).