Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Cơ hội thế nào, rủi ro ra sao với Việt Nam?
Động thái cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được xem là cơ hội cho gạo xuất khẩu của Việt Nam khi các thị trường tiêu thụ chuyển sang đặt hàng gạo Việt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cẩn trọng bởi vẫn lo ngại tiềm ẩn rủi ro.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho hay, trước thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu (XK) gạo, nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành đã tạm ngưng chào giá hợp đồng mới để tập trung lo cho các hợp đồng đã ký trước đó.
Động thái của Ấn Độ xuất hiện cùng với nguồn cung trên thế giới gần đây hạn chế, nên nhiều khách hàng chuyển sang đặt hàng gạo Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Thành, hiện các DN đang tập trung lo xử lý các đơn hàng đã ký, mặt khác, giá lúa mua vào đang tăng cao (có ngày tăng từ 100-300 đồng/kg) nên DN e ngại vì giá gạo XK chưa theo kịp.
Các doanh nghiệp vẫn thận trọng trước tâm lý mua lúa dự trữ chờ giá lên bởi tiềm ẩn rủi ro. Ảnh: Cảnh Kỳ.
Ông Thành cho rằng, động thái của Ấn Độ trước mắt mở ra cơ hội cho những DN có hàng tồn kho, nhưng lại tiềm ẩn rủi ro đối với DN không có hàng. “Cũng chưa biết chính sách của Ấn Độ kéo dài bao lâu, nếu mua vào nhiều để đó rồi bất ngờ Ấn Độ dỡ thông báo, lúc đó đổ xô bán tháo bán lỗ” - ông Thành nói và dự báo, có thể Cơ quan Lương thực của Liên hợp quốc sẽ có động thái đối với việc này, bởi nó liên quan đến an ninh lương thực thế giới, vấn đề nhân đạo…
Đại diện một DN trong ngành ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng cho rằng, nếu ký tiếp hợp đồng mới trong khi tồn kho không có, còn giá thị trường nội địa biến động như hiện nay thì rất tiềm ẩn rủi ro. Việc Ấn Độ cấm XK gạo trước mắt chưa ảnh hưởng lớn, tuy nhiên sau đó giá gạo được dự báo sẽ tăng.
Theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nguồn cung gạo của Việt Nam không thể đáp ứng nhu cầu của các nước. Ngược lại, dù là cường quốc XK gạo trên thế giới nhưng hằng năm, Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo (phần lớn là từ Ấn Độ) để phục vụ các nhu cầu trong nước như sản xuất bánh, bún, thức ăn chăn nuôi...
Doanh nghiệp lo lắng vì giá xuất khẩu không theo kịp giá lúa mua vào. Ảnh: Cảnh Kỳ.
Theo tìm hiểu của PV, giá lúa ở ĐBSCL những ngày gần đây tăng 200-400 đồng/kg so với hồi đầu tháng 7/2023. Cụ thể, tại An Giang, hiện giá lúa IR50404 lên mức 6.700-6.900 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 có giá 6.800-7.000 đồng/kg; lúa OM5451 ở mức 6.700-6.800 đồng/kg; lúa OM18 là 6.900-7.100 đồng/kg…
Nông dân Lê Văn Cần (xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) cho biết, vụ Hè Thu năm nay, bà con thu lợi khoảng 25 triệu đồng/ha, đây là mức lợi nhuận khá cao mà người trồng lúa có được trong nhiều năm qua.
Về giá gạo XK, theo VFA, gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên mức 533 USD/tấn (tăng 25 USD so với hồi đầu tháng 7); tuy nhiên vẫn thấp hơn gạo Thái Lan (544 USD/tấn). Ở phân khúc gạo 25% tấm, gạo Việt Nam có giá 513 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan ở mức 503 USD/tấn…
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị các thương nhân chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, tổ chức phương án sản xuất, xuất khẩu phù hợp, đảm bảo xuất...
Nguồn: [Link nguồn]