Ám ảnh thực phẩm độc hại

Hầu như các vụ thực phẩm có chứa chất độc hại chỉ được các cơ quan chức năng tìm hiểu, thu hồi sau khi cơ quan về an toàn thực phẩm quốc tế công bố và báo chí thông tin.

Liên tiếp các vụ thực phẩm độc hại được phát hiện trong thời gian gần đây một lần nữa đặt ra vấn đề kiểm soát chất lượng thực phẩm tại Việt Nam.

Ám ảnh thực phẩm “bẩn”

Vừa qua, sau khi rộ lên thông tin về thịt heo nhiễm độc, Bộ Y tế và Bộ NN - PTNT mới ráo riết vào cuộc lấy các mẫu thịt xét nghiệm, tìm kiếm chất Salbutamol và Clenbutarol - chất gây nguy hại tới sức khỏe con người. Gần đây nhất, thông tin bắp cải Trung Quốc phun hóa chất formaldehyde để giữ rau tươi lâu hơn đang khiến người tiêu dùng rất lo lắng.

Khoảng 3 năm trước, khi các ngành chức năng phát hiện sữa của Trung Quốc có chất melamine, một đại diện của Bộ Y tế khăng khăng không phát hiện có sữa chứa melamine tại Việt Nam. Thế nhưng sau khi lục lại hồ sơ, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã tìm thấy YiLi, một trong 22 nhà sản xuất có sản phẩm nhiễm melamine, được cơ quan này cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng.

Còn vụ nước tương và dầu hào có chất 3-MCPD ở mức nguy hại đã được phát hiện vào cuối năm 2001 nhưng mãi đến tháng 3-2005, Bộ Y tế mới ban hành quy định hàm lượng 3-MCPD trong nước tương, dầu hào và yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu phải xuất trình các bằng chứng chứng minh sản phẩm không chứa 3-MCPD theo tiêu chuẩn đã ban hành.

Tương tự là vụ các cơ quan ATVSTP quốc tế cảnh báo thực phẩm có chứa DEHP gây ung thư, Việt Nam mới phát hiện và thu hồi gần 40 sản phẩm (thạch, nước giải khát...) bị nhiễm chất này có xuất xứ từ Đài Loan. Sau sự cố ấy, Bộ Y tế mới bắt đầu ban hành quy định mức giới hạn nhiễm chất DEHP trong thực phẩm.

Quản lý chạy theo sự cố!

Mặc dù kế hoạch giám sát chủ động về ATVSTP đã được ngành y tế thực hiện từ năm 2010 nhưng hầu như các vụ thực phẩm có chứa chất độc hại chỉ được cơ quan chức năng trong nước tìm hiểu, thu hồi sau khi các cơ quan về ATVSTP quốc tế công bố và báo chí thông tin.

Lý giải cách quản lý kiểu chạy theo sự cố, bị động trong việc công bố, quản lý các chất độc trong thực phẩm, PGS-TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục ATVSTP, thừa nhận: “Chúng ta chưa đủ khả năng, trình độ, nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật cũng như chưa thể chủ động để giám sát nên không đưa ra cảnh báo kịp thời tới người tiêu dùng”.

Ông Đáng cũng lo ngại rằng theo quy định mới tại Luật An toàn thực phẩm, sẽ có quá nhiều “người gác cổng” chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát và quản lý thực phẩm nên có thể sẽ còn nhiều rắc rối! Hiện nay, cơ quan QLTT mới chỉ hậu kiểm, còn giám sát, truy nguyên nguồn gốc, nhất là với các thực phẩm nhập khẩu từ chính quốc chưa thực hiện được.

Ám ảnh thực phẩm độc hại - 1

Trái cây sấy khô Trung Quốc bán đầy các chợ ở TPHCM

Ông Đáng cho biết các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu muốn vào Việt Nam đều phải công bố tiêu chuẩn tại Cục ATVSTP (Bộ Y tế), sau đó được tiến hành kiểm tra và lấy mẫu ngẫu nhiên. Nếu kiểm nghiệm đạt yêu cầu thì lô hàng mới được phép lưu thông. Tuy nhiên, với các thực phẩm nhập khẩu theo đường tiểu ngạch, hàng “xách tay” thì chưa thể kiểm soát được.

Ông Lê Hoàng, Phó Trưởng Phòng Đăng ký và Chứng nhận sản phẩm - Cục ATVSTP, cho biết các sản phẩm nhập khẩu được cấp phép lưu hành ở Việt Nam sau khi Cục ATVSTP cấp giấy chứng nhận công bố thực phẩm và cơ quan kiểm tra Nhà nước về thực phẩm cấp giấy chứng nhận về sản phẩm nhập khẩu.

Tuy nhiên, ngay cả với các thực phẩm nhập khẩu qua đường chính ngạch thì sau khi kiểm tra vẫn có không ít sản phẩm không được cấp phép lưu hành vì không đạt các yêu cầu về hạn sử dụng và một số tiêu chuẩn như: hàm lượng kim loại nặng, vi sinh, các chỉ tiêu về chất lượng... Từ tháng 9- 2010 đến tháng 9-2011, đã có 43 lô trong tổng số hơn 38.600 lô (tương đương với 827 tấn trong tổng số 21 triệu tấn sản phẩm) không đạt điều kiện nhập khẩu Việt Nam.

“Thuốc thịt người” rất bổ (!?)

Mặc dù Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành sản phẩm “thuốc thịt người” tại Việt Nam nhưng theo một số chuyên gia y tế, loại “thuốc” này có thể được lưu hành ở nước ta qua con đường thẩm lậu bởi không ít người vẫn tin rằng nó rất bổ.

Một chuyên gia trong ngành thực phẩm chức năng cho biết nhau thai được coi là thành phần quý có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực. Tuy nhiên, nó phải được lấy từ những thai phụ khỏe mạnh, không mắc các bệnh truyền nhiễm.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Ðông y Việt Nam, cho biết nhau thai hay thai đã được nạo ra để làm thuốc hoặc cuống rốn của trẻ sơ sinh đều là thịt người.

Trong thành phần các bài thuốc cổ ở Trung Quốc đều có nhau thai hay bào nhân có tác dụng điều trị chứng hư lao, đau ê ẩm, nhức mỏi ở người già…

Tuy nhiên, qua thực tiễn cũng chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định tác dụng chữa bệnh của các loại “thuốc thịt người”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN