Ai đang đầu độc người tiêu dùng "hợp pháp"?

Nền nông nghiệp lạc hậu đang đầu độc dân tộc một cách hợp pháp.

Đó là phát biểu của PGS.TS Võ Trọng Khải, Nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ Quản lý Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn  II tại diễn đàn Chính sách nông nghiệp thường niên 2015 chủ đề Nền nông nghiệp và người nông dân Việt Nam đối diện với thách thức hội nhập. Đây là sự kiện lớn nhất trong năm, với sự tham dự của nhiều tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước.

Ai đang đầu độc người tiêu dùng "hợp pháp"? - 1

Nói về thách thức lớn nhất của nền nông nghiệp Việt Nam khi tham gia hội nhập GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng hàng hóa sản xuất nhiều nhưng chất lượng vẫn chưa thật sự đạt được yêu cầu. Mà nguyên nhân chính là “bà con nông dân Việt Nam là những người tự do nhất thế giới”.

PGS.TS Võ Trọng Khải, Nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ Quản lý Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn  II tại TP.HCM nhấn mạnh: “Trước hết, phải khẳng định nền nông nghiệp VN hiện nay không chỉ lạc hậu về mọi mặt mà điều nguy hiểm hơn cả là sự lạc hậu, nó đang đầu độc cả dân tộc một cách hợp pháp bằng các loại nông sản không an toàn. Nếu không khắc phục được tình trạng này, nền nông nghiệp VN không những không tận dụng được cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại mà còn bị những thách thức của tiến trình hội nhập quốc tế nhấn chìm. Khi đó, sự tổn thất cho nền nông nghiệp, nông dân nói riêng và cho cả nền kinh tế và người dân Việt Nam nói chung”.

Theo ông Khải, hội nhập kinh tế quốc tế là một tiến trình tất yếu nhưng Việt Nam đang có rất nhiều trở ngại và thách thức.

Trước hết chính là thể chế kinh tế vĩ mô. Thể chế quản lý kinh tế, pháp luật, chính sách hiện nay đang tạo điều kiện thuận lợi nảy sinh, phát triển của tệ nạn quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, tham nhũng.

Thứ hai là sai lầm trong chiến lược phát triển công nghiệp và đô thị khiến người công nhân sẵn sàng trở về quê làm ruộng.

Không ít người nông dân bỏ đồng ruộng vào làm việc tại các khu công nghiệp với mức lương không đủ sống nên thường xuyên phải làm tăng ca, thêm giờ với cường độ lao động cao do vậy họ không thể trở thành người lao động công nghiệp chuyên nghiệp.

"Họ sẽ bị giới chủ sa thải khi không còn đủ sức khoẻ làm việc ở tuổi đời chưa già và cũng không còn trẻ để đổi nghề nghiệp họ đành trở về nông thôn chia lại ruộng đấy và công việc vốn đã ít ỏi", ông Khải nói.

Thứ ba,Việt Nam đã không có chiến lược sản phẩm nông nghiệp quốc gia theo vùng nông nghiệp sinh thái. Những nông sản chủ lực, có khối lượng và giá trị cao hiện nay ở từng vùng nông nghiệp dường như là kết quả của quá trình tự phát.

Ví dụ, vùng đồng bằng Sông Cửu Long, vốn là vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhất cho sự phát triển của nghề trồng lúa nước, hiện đang cung cấp tới 90% lượng gạo xuất khẩu hàng năm. Nhưng khối lượng lúa sản xuất và xuất khẩu tăng tỷ lệ nghịch với thu nhập của nông dân và tỷ lệ thuận với ô nhiễm môi trường.

“Đáng buồn là hiện nay người dân Philipines mua gạo Việt Nam với giá rẻ chỉ bằng 2/3 giá gạo tiêu thụ trong nước. Vô tình chúng ta, nông dân Việt Nam đang phải bất đắc dĩ làm nghĩa vụ quốc tế về an toàn lương thực”, ông Khải nói.

Cũng theo ông Khải, hiện nay chúng ta đang say sưa với việc hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế tỉnh, tiêu chí GDP tỉnh, cơ cấu kinh tế tỉnh. Tỉnh nào cũng cần những “con số đẹp” về GDP, gia tăng tỷ trọng giá trị sản xuất bằng mọi giá. Tuy nhiên tư duy này đã khiến chúng ta bỏ qua phát triển kinh tế vùng.

“Khi hội nhập kinh tế quốc tế, nông nghiệp Việt Nam dường như đang mất phương hướng. Tình trạng nay trồng, mai chặt vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Thậm chí trồng sẽ lỗ nhưng nhưng vẫn phải trồng, vì người nông dân chẳng biết làm gì khác ngoài sản phẩm truyền thống”, ông Khải nêu.

Theo ông Khải người nông dân vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, áp dụng công nghệ cũ kỹ, vừa cho năng suất lao động và năng suất nông sản thấp, với giá thành sản xuất cao, vừa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Có tình trạng nông dân sản xuất tự phát theo hội chứng đám đông, theo tín hiệu thị trường của thương lái…. Còn doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản với công nghệ lạc hậu, kinh doanh theo kiểu “ăn đong”,  và có gì mua nấy, có gì bán nấy, không phải là người tổ chức, lãnh đạo chuỗi giá trị ngành hàng.

Và cuối cùng, theo ông một sai lầm quan trọng nữa là chúng ta chủ trương và thực hiện đầu tư xây dựng các khu vực nông nghiệp công nghệ cao, thay vì đầu tư phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao. Vô hình chung, chúng ta thừa nhận một cách vô thức sự tồn tại hợp pháp một nền nông nghiệp không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

“Nếu không vượt qua những thách thức nói trên, nền nông nghiệp và nông dân Việt Nam sẽ phải trả giá đắt cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”, ông Khải nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN