9x kiếm tiền từ việc nặn đất, mỗi tháng thu về cả trăm triệu đồng
Từ bỏ công việc có thu nhập ổn định, chàng trai trẻ quyết theo đuổi đam mê và sau 5 năm, anh đã có thu nhập cả trăm triệu/tháng.
Ngay từ khi đang học lớp 8, anh Nguyễn Hải Âu (trú tại Phú Nhuận, TP.HCM) có niềm đam mê “cháy bỏng” với tạo hình các nhân vật trong thần thoại bằng đất sét. Tuy nhiên, anh chỉ dành thời gian rảnh sau giờ học và giờ làm để tìm hiểu và tập làm những sản phẩm này.
Cách đây 5 năm trước, anh quyết định từ bỏ công việc thiết kế nội thất với mức lương ổn định để theo đuổi đam mê này.
Anh kể lại thời điểm đó anh gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình làm bởi những hình tượng sinh vật thần thoại chủ yếu qua lời kể, hầu như không rõ ràng nên việc phác hoạ nhân vật không hề đơn giản.
“Tôi phải tìm đến sách báo để xem và đọc nhiều nguồn tài liệu, sau đó thống nhất các thông tin sao cho phù hợp và có tính thẩm mỹ với từng loài sinh vật. Dần dần, tôi cũng khắc phục được khâu khó khăn nhất này”, anh nói.
Những sản phẩm này anh Hải Âu làm bằng đất, đá và gỗ...
Hiện tại, anh Hải Âu có thể chế tác nhiều sản phẩm từ đơn giản như hình nhân vật hoạt hình, tiểu cảnh..., đến các hình tượng khoa học viễn tưởng như rồng, kỳ lân thuộc các hình mẫu châu Á, châu Âu.
Những sản phẩm này anh đều sử dụng nguyên liệu chính là đất sét, ngoài ra còn có đá, gỗ… để tạo mẫu và màu acrylic để tô. Có những sản phẩm đơn giản, anh chỉ mất khoảng 2 ngày để hoàn thiện nhưng có sản phẩm khó, nhiều chi tiết có thể mất cả tháng, thậm chí cả năm mới hoàn thiện xong.
Giá sản phẩm sẽ tuỳ vào kích thước, tính độc quyền, độ chi tiết mà dao động khác nhau từ vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Trong đó, một sản phẩm anh từng làm có giá cao nhất là 1.500 USD, có chiều cao đến 3m.
Giá mỗi sản phẩm có thể lên tới hàng chục triệu đồng.
Anh Hải Âu luôn có quan điểm một sản phẩm hoàn thiện cần đến tính thẩm mỹ, độ bền và công năng sử dụng. Trong đó, tính thẩm mỹ và độ chi tiết được anh ưu tiên đưa lên hàng đầu. Cũng vì lẽ đó, anh luôn tỉ mỉ đến từng chi tiết để tạo ra sản phẩm có sự độc đáo, sắc nét nhất định.
Các sản phẩm anh làm ra chủ yếu phục vụ mục đích trang trí, trưng bày trong nhà hoặc làm quà tặng bạn bè.
Theo anh, trên thị trường hiện nay đã áp dụng công nghệ vào việc tạo tượng, đó là có máy in 3D, tạo khối thông qua phần mềm, quy trình sẽ được đẩy nhanh và chính xác. Nhưng anh vẫn muốn duy trì các sản phẩm nặn tay để giữ được tính chất cá nhân trong từng sản phẩm.
Hiện, anh đã mở các lớp dạy nặn tượng để các bạn có đam mê sẽ có nơi học hỏi.
Nhận thấy cũng khá nhiều bạn trẻ yêu thích bộ môn nghệ thuật này, giữa năm 2020, anh bắt đầu mở các lớp dạy học nặn tượng.
“Các sản phẩm này cũng không quá khó làm, tôi nghĩ chỉ cần có đam mê và kiên trì là có thể theo đuổi được bộ môn này. Còn nếu bạn biết về nghệ thuật thì đó là một thế mạnh khi theo đuổi bộ môn nghệ thuật này”, anh nói.
Trong tương lai, anh cho biết sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các lớp học nặn tượng, ngoài ra sẽ tổ chức thêm các workshop ở các trường đại học và một số chương trình hướng nghiệp khác. Nhờ có nghề này, anh cho biết hiện tại thu nhập trung bình khoảng 100 triệu đồng/ tháng.
Loại mứt này được làm từ rễ cây, giá bán lên đến gần triệu đồng/kg vẫn hút khách dịp Tết năm nay.
Nguồn: [Link nguồn]