2,5 triệu đồng/kg tỏi đen Lý Sơn
Được cho là loại dược liệu có khả năng chữa ung thư, tiểu đường..., giá mỗi kg tỏi đen thường khoảng 1,4 triệu đồng, riêng sản phẩm từ tỏi cô đơn Lý Sơn tới 2,5 triệu đồng.
Xuất hiện tại Nhật Bản từ năm 2005, tỏi đen được biết đến với tác dụng phòng và chữa nhiều loại bệnh, trong đó nổi bật là đặc tính chống ôxy hoá, lão hoá, phòng chống bệnh ung thư, các bệnh nan y…
Dù mới sản xuất thành công tại Việt Nam hơn 1 năm nay, nhưng việc sở hữu nhiều vùng chuyên canh đặc hữu như Lý Sơn, Phan Rang, tỏi đen đang có hướng phát triển mạnh, ngày càng được ưa thích trên thị trường nội địa, và đang tìm đường xuất khẩu ra nước ngoài.
Giá mỗi kg tỏi đen dao động khoảng 1,4 đến 2,5 triệu đồng.
Hiện ở Việt Nam có hai dòng sản phẩm tỏi đen, gồm nguyên củ và các chế xuất từ tỏi. Trong khi hàng nhập khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc có thêm nước ép thì Việt Nam mới chỉ sản xuất loại nguyên củ. Tuy có chất lượng tương đương, nhưng giá các sản phẩm này có sự chênh lệch khá lớn.
Cụ thể, giá mỗi kg tỏi đen thường của Việt Nam (loại nhiều nhánh, sản xuất từ tỏi Lý Sơn, Phan Rang hoặc Hải Dương) dao động 1,2 triệu tới 1,5 triệu đồng/kg. Riêng loại được sản xuất từ tỏi một nhánh (tỏi cô đơn) nổi tiếng của Lý Sơn có giá tới 2,5 triệu đồng/kg, và thường được đóng gói nhỏ chỉ 125g. Trong khi đó, giá tỏi nguyên tép nhập khẩu dao động từ 3-5 triệu đồng/kg, còn mỗi hộp nước ép (60mlx30 gói) là 1,5 triệu đồng.
Để sản xuất được tỏi đen, người ta phải cho lên men tỏi tươi thông qua một lò sấy điện liên tục trong 35-45 giờ. Tỏi sau khi sấy được ủ khoảng 45 ngày để vỏ biến màu ngà, tép bên trong chuyển màu đen, dẻo, có vị ngọt dịu. Thông thường, mỗi kg tỏi tươi có thể cho ra khoảng 400g đến 500g tỏi đen thành phẩm.
Có hiệu quả kinh tế cao, nhưng tại Việt Nam hiện có khá ít cơ sở sản xuất loại sản phẩm này, hầu hết chỉ gửi nguyên liệu để thuê gia công và phân phối lại trên thị trường. Theo chủ một cơ sở phân phối tỏi đen Phan Rang ở quận Bình Chánh, TP.HCM, chi phí để xây dựng một lò ủ khá tốn kém. Nếu sản xuất 1 tấn tỏi đen, chủ cơ sở có thể phải đầu tư số vốn từ 700 đến 800 triệu đồng, bao gồm nhà xưởng và chuyển giao công nghệ lên men tỏi.
Ông Nguyễn Đức Luân, Giám đốc công ty cổ phần CGroup Việt Nam cho biết, nguồn nguyên liệu thiếu là khó khăn lớn nhất của những đơn vị muốn sản xuất loại nông sản này. "Giá tỏi một nhánh Lý Sơn khá cao, nhưng mỗi năm người dân chỉ trồng một vụ, mỗi hộ chỉ thu được vài kg. Vì vậy, nguyên liệu cho sản phẩm này rất hiếm, đó cũng là lý do khiến giá tỏi một nhánh Lý Sơn lại đắt hơn nhiều so với sản phẩm thường", ông Luân cho hay.