2013: Cấm nhập nông sản từ các nước chưa đăng ký
Bộ NNPTNT cho biết, từ 1.1.2013 sẽ cấm nhập khẩu toàn bộ các mặt hàng nông sản của những nước chưa thực hiện đăng ký với Việt Nam theo quy định.
Triển khai thực hiện Thông tư 13 về Hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, Bộ NNPTNT cho biết, từ 1.1.2013 sẽ cấm nhập khẩu toàn bộ các mặt hàng nông sản của những nước chưa thực hiện đăng ký với Việt Nam theo quy định.
Gia hạn cho Trung Quốc
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), đến đầu tháng 12, mới có 11/59 quốc gia có xuất khẩu nông sản, nguyên liệu từ nguồn gốc thực vật vào Việt Nam hoàn thành hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật và truy xuất (chiếm chưa tới 20%). Đó là các nước: Mỹ, Pháp, Australia, New Zealand, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc, Chile, Campuchia, Nam Phi và Ấn Độ.
Nhiều loại trái cây ngoại đang bán trong các siêu thị Việt Nam đã có đăng ký và hoàn thành hồ sơ kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc.
Ông Hoàng Trung- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết: “Riêng Trung Quốc, họ cho biết đang ráo riết hoàn tất hồ sơ doanh nghiệp để đăng ký với các cơ quan chức năng Việt Nam. Tuy nhiên, do nước này có nhiều doanh nghiệp xuất hàng vào Việt Nam và vấn đề ATTP có tới 3 bộ quản lý, mất nhiều thời gian để làm thủ tục giấy tờ, nên chúng ta đã đồng ý gia hạn thêm thời hạn công nhận tạm thời cho Trung Quốc đến ngày 30.6.2013”.
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, Trung Quốc là một trong những quốc gia có lượng nông sản nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất, trong đó riêng rau, củ, quả chiếm từ 50 - 80% khối lượng hàng hóa nông sản được nhập khẩu vào Việt Nam. Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng Việt Nam liên tiếp phát hiện những vụ việc mất ATTP đối với rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc.
Không lùi thêm thời hạn
Nếu áp dụng theo quy định tại Thông tư 13 của Bộ NNPTNT, có 46 quốc gia chưa đăng ký kiểm tra ATTP với Việt Nam sẽ bị phía ta “đóng cửa” không cho xuất khẩu nông sản, nguyên liệu có nguồn gốc thực vật. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn với đối tác nước ngoài sẽ bị mất nguyên liệu để sản xuất chế biến.
Một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngành điều. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), hiện ngành chế biến điều nhân xuất khẩu của Việt Nam phải nhập khẩu điều thô nguyên liệu với hơn 300.000 tấn/năm. Ngoài điều, các mặt hàng, sản phẩm chúng ta đang phải nhập của nước ngoài có thể kể như các loại rau, củ quả tươi, bắp làm thức ăn chăn nuôi, đặc biệt rất nhiều bột mì để chế biến thực phẩm…
Ông Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng Cục BVTV cho biết: “Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu với các đối tác nước ngoài, đồng thời tạo khoảng thời gian lùi để các nước có điều kiện chuẩn bị hồ sơ, Bộ NNPTNT đã gia hạn thời hạn cuối cùng để các nước đăng ký là đến hết 31.12.2012, tức gần 1 năm rươ5 năm, một khoảng thời gian khá dài đề làm hồ sơ, nên không thể lùi thêm được nữa”.