2 triệu lít xăng "bẩn" tuồn ra thị trường: Trách nhiệm thuộc về ai?

Sự kiện: Kinh Doanh

Hơn 2 triệu lít xăng A92 được làm giả đã tuồn ra thị trường, hàng chục cây xăng, trong đó có nhiều cơ sở mang danh thương hiệu Petrolimex đã tiêu thụ, tiếp tay cho hành vi này cũng bị lật tẩy, một số đối tượng liên quan đến vụ việc cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra mở rộng.

Khởi tố 2 đối tượng liên quan đến xăng “bẩn”

Liên quan đến vụ việc hơn 2 triệu lít xăng A92 bị phát hiện làm giả trên địa bàn,  ngày 30-10, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ba tháng đối với Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi) và Nguyễn Văn Kỳ (52 tuổi), cùng trú xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu để điều tra về tội sản xuất và buôn bán hàng giả. Đây là 2 đối tượng nằm trong đường dây sản xuất, tiêu thụ hơn 2 triệu lít xăng A92 kém chất lượng, bị phát hiện vào ngày 10-10 vừa qua. 

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Nguyễn Văn Tuấn là giám đốc quản lý Công ty TNHH Thương mại Kỳ Phương và Nguyễn Văn Kỳ là người quản lý Công ty TNHH Thương mại Sáu Hằng, cùng đóng ở huyện Diễn Châu. Từ tháng 9-2017, Tuấn và Kỳ đã mua dung môi từ các tỉnh miền Nam về pha chế với các dung dịch và chất tạo màu để sản xuất xăng A92 kém chất lượng bán ra thị trường. 

Số lượng dung môi các đối tượng khai nhận đã mua là khoảng 40.000 lít, song thực tế điều tra cho thấy, đã có khoảng 320.000 lít dung môi được mua từ miền Nam về để phục vụ cho việc pha chế xăng bẩn, xăng kém chất lượng tuồn ra thị trường. 

Với mỗi lít xăng kém chất lượng bán ra thị trường sẽ thu lợi bất chính 3.500-4.000 đồng, trong thời gian nói trên, với việc tiêu thụ 2 triệu lít xăng A92 bẩn, các đối tượng liên quan đã thu lợi bất chính hơn 2,4 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 10-10, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Nghệ An và Cục Nghiệp vụ Bộ Công an, bắt quả tang Công ty Thanh Ngũ đang pha trộn dung môi vào xăng A91 theo tỉ lệ 50% xăng A92 + 50% dung môi + chất tạo màu = xăng kém chất lượng, với số lượng khoảng 40.000 lít trên xe ôtô BKS 37C-7512 được chở từ công ty Xăng dầu MêKông, thuộc Tổng Công ty Xăng dầu Cần Thơ về. 

Ngay sau đó, doanh nghiệp Sáu Hằng đóng trên địa bàn huyện Diễn Châu cũng đến Công an trình báo, thú nhận đã bán xăng kém chất lượng cho khách hàng, đồng thời giao nộp hàng ngàn lít xăng A92 kém chất lượng đã pha chế và dung môi mua về chưa sử dụng. Theo xác định của cơ quan chức năng, số xăng “bẩn” này đã được bán ra lên đến 2 triệu lít, trong khoảng thời gian từ tháng 8-2017 đến nay.

Ngày 23-10, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 2 đã có kết quả 11/12 mẫu xăng thử nghiệm không đạt chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học theo tiêu chuẩn QCVN 1:2015/BKHCN. 

Theo đó, có đến 11 mẫu thử không đạt chỉ tiêu chất lượng về trị số Octan - đại lượng đặc trưng cho khả năng chống kích nổ của xăng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, tỉ lệ nguyên chất của xăng A92 chưa đến 50%. 

Trước tình hình này, ngày 25-10, Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia) đã làm việc với BCĐ 389 tỉnh Nghệ An để đánh giá tình hình, kết quả đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng và ngày 26-10, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra.

2 triệu lít xăng "bẩn" tuồn ra thị trường: Trách nhiệm thuộc về ai? - 1

Cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra một cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Siết chặt hoạt động kinh doanh xăng “bẩn”

Câu hỏi đặt ra là, để xảy ra vụ việc nghiêm trọng như vậy, trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước đối với các cơ quan chức năng liên quan đang ở đâu? Pháp lệnh quản lý thị trường (QLTT) năm 2016 quy định rõ, QLTT là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. 

Trong vụ việc này, theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chi cục phó Chi cục QLTT Nghệ An, thời gian qua Chi cục QLTT chỉ mới dừng lại ở việc kiểm tra giấy tờ và việc chấp hành pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu chứ không lấy mẫu đi kiểm nghiệm. 

Ngay sau khi vụ việc 2 triệu lít xăng bẩn bị phát hiện, thực hiện Công văn 9597/BCT-QLTT ngày 16-10-2017 của Bộ Công thương về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, ngày 20-10, Chi cục QLTT Nghệ An đã ban hành Công văn 707/QLTT-KHTH, đẩy mạnh kiểm tra, tăng cường quản lý các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng pha chế, bán xăng dầu kém chất lượng ra thị trường. 

Đồng thời, tổ chức cho các doanh nghiệp ký cam kết không kinh doanh xăng dầu lậu, kém chất lượng, gian lận về đo lường và vi phạm các quy định về giá bán lẻ. 

Trước đó, ngày 28-7, Chi cục QLTT Nghệ An cũng đã có Kế hoạch 467/ QLTT-KHTH về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp đó, ngày 20-9, đơn vị tiếp tục có Công văn 602 tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học đối với mặt hàng xăng dầu.

Đối với 12 cây xăng dầu bán xăng kém chất lượng ra thị trường bị phát hiện trong thời gian qua tại địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và TX.Thái Hòa, theo xác nhận của lãnh đạo Chi cục QLTT Nghệ An, tất cả các cây xăng này đều nằm trên địa bàn do đội QLTT số 9 quản lý. 

Ngay sau khi sự việc xảy ra, cùng với việc công khai danh tính các cây xăng này, Chi cục QLTT cũng đã tập hợp 12 đội QLTT tại các địa bàn để chấn chỉnh lại công tác thanh, kiểm tra. Đặc biệt là công tác nắm bắt quản lý các điểm, cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn do đội mình đang quản lý. 

Về tác hại của dùng xăng kém chất lượng, theo Thượng tá Nguyễn Cảnh Toàn, Phó trưởng Phòng PC46 Công an Nghệ An thì, chất dung môi sử dụng để pha loãng sơn, không sử dụng để thay thế xăng cho động cơ chạy xăng. 

Trong khi đó, một cán bộ ở Chi cục Đo lường chất lượng, Sở KH&CN Nghệ An cho biết: Nếu ôtô sử dụng nhiên liệu có lẫn tạp chất (xăng bẩn) với thời gian dài có thể gây ra hiện tượng nóng máy, xe ì, thậm chí có thể dẫn tới cháy nổ gây nguy hiểm và thiệt hại cho người tiêu dùng.

Cũng liên quan đến vấn nạn xăng giả hiện nay, thực hiện chỉ đạo của BCĐ 389 Quốc gia, ông Lê Xuân Đại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Nghệ An cũng đã có ý kiến chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, sớm xử lý các doanh nghiệp vi phạm theo quy định pháp luật. 

Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an Nghệ An khẩn trương mở rộng điều tra, kết luận xử lý các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật.

Theo số liệu từ Ban chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An, từ ngày 19-7 đến ngày 26-10, Nghệ An đã kiểm tra 314 cơ sở, đại lý kinh doanh xăng dầu. Qua đó, đã xử lý 80 điểm bán xăng dầu vi phạm với số tiền phạt hành chính gần 900 triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Thảo (CAND)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN