2 "cụ" cây quế vàng khủng ngã giá cả ngàn đô ở thủ phủ quế Văn Yên
Hai cây quế phải cần đến hai người ôm đã được ông chủ hóa giá 140 triệu đồng. Người mua bóc vỏ, người bán giữ lại gỗ để làm sập. Ở thủ phủ của cây quế Văn Yên, tỉnh Yên Bái vẫn còn rất nhiều "cụ" quế khủng.
Huyện Văn Yên được coi là thủ phủ cây quế của tỉnh Yên Bái. Quế được trồng ở hầu hết các xã của huyện. Nhiều năm qua, bà con người Dao, người Tày... nơi đây đã sống ổn nhờ cây quế. Theo đó, trồng quế, không bỏ đi thứ gì, từ lá, cành được các nhà máy mua để ép tinh dầu đến vỏ quế mang xuất khẩu. Gỗ quế cũng được tận dụng để đóng đồ. Chẳng thế mà giờ đây, người Văn Yên coi cây quế là cây làm giàu.
Cây quế to bằng người ôm ở xã Viễn Sơn.
Xã Viễn Sơn là nơi sinh sống của đồng bào người Dao, từ nhiều đời nay, bà con người Dao coi cây quế là vị thuốc quý. Chẳng thế mà ở trong rừng, hay sau nhà đều có những "cụ" quế cổ thụ. Gia đình ông Bàn Tiến, ở thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn đã bán đôi quế khủng với giá 140 triệu đồng. Kỷ lục này được người dân xác lập là cao nhất ở Viễn Sơn. Nhờ bán đôi cây quế vàng này mà ông Tiến xây được nhà và đóng được bộ sập làm từ gỗ quế rất đẹp.
Gốc quế xù xì, rêu phủ đầy. Quế cổ thụ luôn bán được giá vì vỏ quế có nhiều tinh dầu.
Theo kinh nghiệm của người trồng quế, quế càng to thì càng có nhiều tinh dầu. Những cây quế đạt tiêu chuẩn làm thuốc, được mua với giá nửa triệu đồng cho 1kg. Mùa thu quế năm nay, bà con người Dao vô cùng phấn khởi vì giá quế lên rất cao. Quế tươi bán tại vườn giá 20.000đ/kg. Bà con không có đủ hàng để bán.
Trồng quế không bỏ đi thứ gì. Từ lá, cành được các nhà máy mua để chiết xuất tinh dầu đến vỏ quế làm thuốc. Gỗ quế thì được sử dụng để đóng đồ gia dụng.