100.000 tỉ vào Vinalines: Nên tính lại

Theo đề án công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới được Bộ trưởng Đinh La Thăng phê duyệt, từ năm 2012-2020 sẽ đầu tư đội tàu biển với tổng kinh phí lên đến 100.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong bối cảnh thiếu đơn hàng, đội tàu trong nước mặc dù đông về số lượng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển thì nên tính toán lại khoản đầu tư này.

Trao đổi với PV, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam (SVEC) đặt câu hỏi, số vốn 100.000 tỉ đồng để đầu tư đội tàu được lấy từ đâu?

Nếu lấy từ ngân sách nhà nước thì lộ trình và thời gian hoàn vốn là bao lâu? Nếu là vốn vay bên ngoài thì lãi suất bao nhiêu, thời gian trả nợ bao lâu, Bộ GTVT tự trả được bằng lãi kinh doanh hay lấy của nhà nước?

“Nguyên tắc cơ bản của dự án kinh doanh là phải tự hoàn vốn và có lãi chứ không thể lấy ngân sách nhà nước để “bù lỗ” như trường hợp Vinashin”, ông Nguyên nói.

Dựa vào bản quy hoạch phát triển vận tải biển được Thủ tướng phê duyệt năm 2009, ông Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giao thông vận tải cho biết theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2015 tổng trọng tải đội tàu biển đáp ứng nhu cầu vận chuyển từ 8,5 đến 9 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, trong đề án mà Bộ GTVT lập, dự kiến sẽ đầu tư đội tàu biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có tổng trọng tải xấp xỉ 15 triệu tấn vào năm 2015.

Ông Thụ cho rằng, con số mà Bộ GTVT đưa ra không khớp với quy hoạch của Chính phủ. Ngoài ra, đề án chỉ nhắc tới việc đầu tư cho Vinalines mà chưa thấy nhắc tới các đơn vị khác.

Theo ông Thụ, trong bối cảnh đội tàu của Việt Nam đang dư thừa về số lượng nhưng chưa đáp ứng được việc vận chuyển thì Bộ GTVT nên tính toán lại đề án, hạng mục nào thực sự cần thiết thì đầu tư, còn những gì chưa thật sự cần thiết thì nên hoãn lại.

Qua trao đổi với PV, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng trong bối cảnh thị phần vận tải đang giảm dần do sự phát triển mạnh của các hãng vận tải nước ngoài, các công ty vận tải trong nước đang phải bán tàu để trả nợ thì việc đầu tư thêm đội tàu với số vốn lớn như vậy cần phải tính toán rất kỹ.

Để đầu tư một đội tàu lớn mạnh đủ sức cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài, Bộ GTVT cần phải vạch rõ chiến lược phát triển cụ thể gắn với tình hình hiện tại.

Theo báo cáo tài chính của các công ty vận tải biển, trong quí 1-2012 hầu hết các công ty vận tải biển tiếp tục thua lỗ, thậm chí một số công ty còn lỗ lớn.

Đơn cử như Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship quí 1-2012 lỗ 43,4 tỉ đồng, Còn Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam trong quí 1-2012 lỗ 21,12 tỉ đồng giảm 21,65% so với quí 1-2011.

100.000 tỉ vào Vinalines: Nên tính lại - 1

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN