10 vụ thu hồi sản phẩm tốn kém nhất trong lịch sử
Từ thực phẩm, máy tính, xe hơi cho tới đồ chơi, các công ty lớn như Mattel, Sony, Dell, Toyota… từng phải thu hồi hàng loạt sản phẩm, gây tổn thất hàng trăm triệu USD do lỗi.
1. Merck – 5 tỷ USD
Năm 2004, hãng dược phẩm khổng lồ Merck đã phải thu hồi sản phẩm Vioxx và đối mặt với hàng loạt vụ kiện. Merck đã thực hiện vài cuộc thử nghiệm và phát hiện rằng những người dùng thuốc Vioxx để trị chứng viêm đều bị nhồi máu cơ tim sau khi uống thuốc 18 tháng. Vụ thu hồi khiến Merck thiệt hại 750 triệu USD. Tuy nhiên, chi phí cho các vụ kiện của hãng lên tới 4,75 tỷ USD.
2. Lốp xe Firestone – 4 tỷ USD
Năm 2000, hai hãng xe hơi đã phải trả giá đắt khi không nghe theo lời các kỹ sư của mình. Firestone đã phải thu hồi hơn 9,5 triệu lốp xe bị nứt vỡ khi dùng cho các dòng xe Ford Explorers và Mountaineers. Đồng thời, Ford phải hầu tòa khi có hơn 400 người thiệt mạng do lỗi lốp xe và phải trả đền bù 3,6 tỷ USD. Vụ thu hồi khiến Firestone thiệt hại 440 triệu USD.
3. Toyota – 3,1 tỷ USD
Năm 2009, hai lỗi nghiêm trọng gây tai nạn trong các dòng xe của Toyota khiến hãng này buộc phải thu hồi hơn 9 triệu xe. Toyota bị cáo buộc hình sự và phải đền bù tới 3,1 tỷ USD sau khi kết thúc vụ kiện.
4. Bơ đậu phộng – 1 tỷ USD
Peanut Corporation là công ty chuyên phân phối bơ đậu phộng của Mỹ, từng phải thu hồi hàng loạt sản phẩm bơ đậu phộng nghi nhiễm vi khuẩn Salmonella mà hãng đã bán ra. Vụ thu hồi khiến Peanut Corp. phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản, còn hãng sản xuất thiệt hại 1 tỷ USD.
5. Hallmark Meats – 500 triệu USD
Một trong những vụ thu hồi thực phẩm lớn nhất trong lịch sử xảy ra vào năm 2008. Khi đó, sau khi kiểm tra, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hiện một số loại thực phẩm được đóng gói và xử lý bởi công ty Westland & Hallmark không được phép sử dụng cho tiêu dùng. Vì vậy, loạt sản phẩm thị Hallmark, trong đó có một số dùng cho các trường học, đã bị thu hồi. Các vụ kiện sau đó từ tổ chức bảo vệ động vật và chính quyền liên bang, khiến Westland & Hallmark tổn thất hơn 500 triệu USD.
6. Dell và Sony – 400 triệu USD
Một số loại pin của Sony dùng cho laptop của Dell được cho là quá nóng, có thể gây ra cháy trong xe hơi. Nhận định này đã khiến hai công ty phải thu hồi hàng loạt sản phẩm. Đến khi xe hơi của một khách hàng bị cháy vì nguyên nhân trên, Dell và Sony bị buộc phải thu hồi hàng loạt notebook sử dụng loại pin này, gây thiệt hại cho hai công ty 400 triệu USD.
7. Tylenol – 100 triệu USD
Năm 1982, việc đóng gói bao bì thuốc Tylenol bị lỗi khiến một số người lợi dụng pha thêm chất kali xyanua vào. Hợp chất cực độc này đã khiến nhiều người thiệt mạng. Hung thủ của vụ này đòi Johnson & Johnson phải trả 1 triệu USD mới dừng hành vi phát tán thuốc. Sau đó, công ty quyết định thu hồi toàn bộ số thuốc Tylenol trị giá 100 triệu USD.
8. Bột ớt – Hàng chục triệu USD
Ảnh hưởng của việc thu hồi thực phẩm không giống so với những sản phẩm khác. Nó ảnh hưởng tới nhiều công ty, chủ yếu là các hãng bán lẻ, chứ không chỉ riêng một công ty nào. Trong vụ này, bột ớt Chili Powder bị phát hiện có chứa thuốc nhuộm gây ung thư có tên Sudan 1. Vụ việc này khiến hàng loạt sản phẩm bột ớt bị thu hồi, gây tổn thất hàng chục triệu USD.
9. Cadbury – 33 triệu USD
Cadbury- Scweppes là hãng chuyên sản xuất và phân phối chocolate và nhiều loại kẹo, được bán tại các cửa hàng lớn trên khắp thế giới. Năm 2006, dư luận dấy lên nghi ngờ các thanh chocolate của hãng nhiễm vi khuẩn nguy hiểm salmonella. Cadbury Schweppes đã bị buộc phải thu hồi hơn 1 triệu thanh chocolate tại Ireland và Anh, khiến doanh số của công ty giảm 14%. Vụ thu hồi này khiến công ty thiệt hại 33 triệu USD.
10. Mattel Toys – 30 triệu USD
Mattel Toys là cha đẻ của các loại búp bê, trong đó có búp bê Barbie và nhiều nhãn hiệu biểu tượng khác. Năm 2007, một số đồ chơi của hãng bị cáo buộc có lớp sơn chứa chì, gây biến chứng nghiêm trọng cho người dùng, đặc biệt là trẻ em. Do đó, khoảng 19 triệu sản phẩm đồ chơi của Mattel được sản xuất tại Trung Quốc đã bị thu hồi, gây tổn thất 30 triệu USD.