10 tỉ USD xuất khẩu tôm: Thách thức lớn
Xuất khẩu tôm phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng thêm 9%-12% từ năm 2017.
Ngày 23-3, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất tôm năm 2017.
Dịch bệnh, thời tiết, con giống, thị trường khiến ngành tôm gặp nhiều khó khăn Ảnh: LÊ KHÁNH
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã nhắc lại kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi chủ trì hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 2 vừa qua tại tỉnh Cà Mau. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu đến năm 2025, đưa kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỉ USD.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng để đạt mục tiêu này là thách thức không nhỏ. Vì thế, hội nghị lần này rất quan trọng để các ngành chức năng từ địa phương đến trung ương cùng đưa ra các giải pháp bền vững cho quá trình nuôi cũng như xuất khẩu tôm. “Kim ngạch xuất khẩu tôm bình quân cả nước đạt khoảng 3,1 tỉ USD/năm. Do vậy, bắt đầu từ năm 2017, mỗi năm chúng ta phải phấn đấu xuất khẩu tôm đạt tăng trưởng thêm từ 9%-12%. Đây là thử thách lớn. Tuy nhiên, với sự nhạy bén, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được” - ông Tám khẳng định.
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), hằng năm, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại rất lớn, chiều hướng năm sau cao hơn năm trước. Các bệnh chủ yếu xuất hiện trên tôm là đốm trắng, hoại tử gan - tụy cấp tính, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, đầu vàng, còi do vi bào tử trùng... Do đó, ngoài việc người nuôi tôm chủ động phòng bệnh, các cơ quan từ trung ương đến địa phương cần có kế hoạch và bố trí kinh phí để triển khai các biện pháp phòng chống dịch như: Quan trắc cảnh báo môi trường; giám sát chủ động để cảnh báo sớm các loại dịch bệnh; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh...
Trong năm 2017, Cục Thú y sẽ hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh triển khai kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh để xuất khẩu; tổ chức kế hoạch quốc gia giám sát dịch bệnh trên tôm và cá tra phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2017-2020. Ngoài ra, Cục Thú y sẽ nghiên cứu về công tác phòng chống dịch bệnh của các thị trường nhập khẩu thủy sản để đề xuất, hướng dẫn, chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm đáp ứng đòi hỏi của các thị trường; tiếp tục kiến nghị, làm việc với cơ quan thú y có thẩm quyền của Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Brazil... về vấn đề xuất khẩu tôm.
Về giống, Tổng cục Thủy sản cho rằng đây là khâu rất quan trọng trong việc tạo nên thành - bại cho quá trình nuôi và xuất khẩu tôm. Vì thế, các địa phương vùng ĐBSCL và những tỉnh sản xuất tôm giống lớn vùng Nam Trung Bộ cần thường xuyên trao đổi thông tin, ký kết, phối hợp về nhu cầu cũng như chất lượng tôm giống để cân đối giữa vùng sản xuất và vùng tiêu thụ. Ngoài ra, trong quý II/2017 sẽ hoàn thành xây dựng điểm giao dịch giống thủy sản tập trung, đồng thời hình thành trạm kiểm dịch tại chỗ giúp kiểm soát tốt con giống tại các điểm giao dịch tự phát ở 4 tỉnh trọng điểm nuôi tôm là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Một đại diện của tỉnh Sóc Trăng cho rằng giá tôm nguyên liệu đầu vào ở Việt Nam hiện cao hơn so với thế giới là do chúng ta quá lệ thuộc vào nguồn tôm giống từ các công ty nước ngoài. Ngoài ra, có quá nhiều mô hình nuôi tôm nhỏ lẻ, manh mún nên gây khó khăn cho việc thu mua để chế biến, xuất khẩu cũng như kiểm dịch của lực lượng chức năng. “Đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu sản xuất ra nguồn tôm giống đạt chất lượng và tập trung vùng chuyên canh nuôi tôm quy mô lớn tương tự như cánh đồng mẫu lớn ở lúa” - vị này đề nghị.
Đề nghị xử lý hình sự Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ NN-PTNT) yêu cầu đến hết năm 2017, phải có 100% cơ sở nuôi tôm và cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tôm ở 4 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm. Đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm trên và phạm vi cả nước. Ngoài ra, cục cũng đề nghị Bộ Công an sớm chủ trì, phối hợp với TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương xác định tội danh với hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất. Từ đó làm cơ sở ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý hành vi này theo luật hình sự. Trong trường hợp không xác định được tội danh tương ứng, Bộ Công an nên phối hợp với các bên có phương án thống nhất và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bổ sung hành vi vi phạm về tạp chất là tội danh mới trong Bộ Luật Hình sự. |