1 triệu doanh nghiệp cần gì?
Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu sẽ có 1 triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động, trong đó có nhiều “ông lớn” với tiềm lực mạnh. Hằng năm có khoảng 30%-35% DN có hoạt động đổi mới, sáng tạo.
Đây là một trong những mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ thể hiện qua Nghị quyết 35/2016 về hỗ trợ phát triển DN giai đoạn 2016-2020. Để cụ thể hóa nghị quyết này, Bộ Tài chính mới đây đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế suất phổ thông xuống còn 17% cho các DN nhỏ và vừa trong bốn năm từ 2017 đến 2020.
Hẳn nhiên đối với những DN nhỏ, nguồn lực yếu, thiếu vốn… thì việc giảm được mức thuế suất là một tin vui nếu chính sách này thực sự đi vào cuộc sống. Đối với ngân sách nhà nước, việc giảm thuế với mức như trên cũng không ảnh hưởng quá nhiều khi số thu chỉ giảm từ gần 500 tỉ đồng đến 1.500 tỉ đồng/năm.
Những sự ưu đãi đối với cộng đồng DN, nhất là trong bối cảnh kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn là đáng quý. Tuy nhiên, điều mà người kinh doanh quan tâm không kém là làm sao được hoạt động trong một môi trường kinh doanh lành mạnh, không bị ràng buộc bởi quá nhiều điều vô lý.
Chính vì vậy như Chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã nhiều lần nhấn mạnh: Cộng đồng DN không cần ưu đãi, chỉ cần cơ chế thông thoáng, nghiêm minh, công bằng, công khai và minh bạch. Bởi lẽ đó chính là những điều kiện cốt tử để mọi người sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư, làm ăn.
Bởi vậy, ưu đãi cho DN có thể là liều thuốc kích thích tức thời. Nhưng cải cách thể chế, môi trường đầu tư để làm sao “tinh thần phục vụ DN và người dân thấm vào cung cách của từng công chức” mới là điều khiến DN nói riêng và kinh tế nói chung phát triển bền vững.
Khi không còn bị nhũng nhiễu, không bị “hành là chính” thì những mục tiêu như trong Nghị quyết 35 của Chính phủ đặt ra mới có thể đạt được. Và 1 triệu DN ra đời sẽ không phải là mục tiêu xa vời.