Ngành mía đường đã có những sự chuyển mình tích cực, nhưng vẫn phải “nếm vị đắng”
Theo báo cáo thường niên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (năm 2023), mía đường được nhấn mạnh là một trong những ngành quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tạo việc làm cho hàng triệu nông dân. Tuy nhiên ngành mía đường lại đang phải đối mặt với muôn vàn trắc trở. Đặc biệt là vấn nạn đường lậu hoành hành trong nhiều năm qua không chỉ khiến người nông dân và doanh nghiệp khốn khổ, mà còn gây rối loạn thị trường.
Sản lượng mía đường trong nước tăng trưởng mạnh nhưng “cung” vẫn chưa đủ “cầu”
Mặc dù trong niên vụ 2023 - 2024 đường thành phẩm sản xuất được đã tăng 10% so với niên vụ trước, nhưng so với nhu cầu tiêu thụ hiện nay thì sản lượng đường chỉ đáp ứng được 43,03%. Điều này cho thấy cán cân cung cầu của thị trường mía đường Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập chưa được giải quyết triệt để.
Niên vụ 2023 – 2024, đường thành phẩm tăng 10% so với niên vụ trước nhưng chỉ đáp ứng được 43,03% nhu cầu tiêu thụ hiện nay
Nguyên nhân gây nên tình trạng này phải kể đến việc diện tích trồng mía bị thu hẹp đáng kể do các loại cây trồng như: rau màu, ngô, đậu tương chiếm lợi thế cao hơn về năng suất và lợi nhuận. Biến đổi khí hậu và mất cân đối về cơ cấu giống mía khi diện tích các giống chín trung bình chiếm trên 90%, trong khi đó diện tích các giống chín sớm và chín muộn chỉ đạt dưới 5% cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất ổn vùng nguyên liệu mía ở nước ta. Việc phụ thuộc vào giống chín trung bình khiến sản lượng, chất lượng mía bị phụ thuộc và có thể ảnh hưởng lớn do yếu tố thời tiết (bão lũ, hạn hán). Hơn nữa, sự thiếu đa dạng về giống còn khiến ngành mía đường gặp khó khăn trong việc duy trì sản lượng ổn định và tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, từ đó cả vùng nguyên liệu sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Đường lậu và thách thức cân bằng lợi ích giữa các bên trên thị trường
Trong khi đó, thị trường nội địa cứ đến thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán còn vấp phải áp lực cạnh tranh với đường nhập lậu với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Sự tràn lan của đường lậu trên thị trường làm giảm khả năng tiếp cận và cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước.
Đường nhập lậu không đáp ứng được các quy định khắt khe của những doanh nghiệp sản xuất chính quy, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu chất lượng cao, gây khó khăn cho việc sản xuất và kinh doanh. Nghiêm trọng hơn, đường lậu hoành hành lại tiếp tay cho các doanh nghiệp bẩn làm rối loạn thị trường bằng những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe người tiêu dùng. Đây cũng là nguyên nhân cho việc thất thu cho ngân sách nhà nước về: thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt và các khoản phí liên quan đến nhập khẩu.
Đường lậu gây mất cân bằng lợi ích giữa các bên trên thị trường, cần hướng đến bảo vệ và phát triển thị trường mía đường nội địa
Thực tế, bài toán thiếu hụt nguyên liệu chỉ là một phần của chuỗi thiếu đường phục vụ giai đoạn “giáp hạt” làm nguyên liệu sản xuất. Chưa tính đến yêu cầu tồn kho để đảm bảo an ninh lương thực, nguồn cung đã thiếu ở mức báo động khi nhu cầu đường công nghiệp của các ngành sản xuất nước giải khát, bánh kẹo, chế biến thực phẩm liên tục tăng. Trong khi đó, nguồn lực mía nguyên liệu vẫn đang bị phân tán nhỏ lẻ trước những vấn đề nan giải như việc mía cây bị hạn chế nhập khẩu vào cửa khẩu phụ, diện tích vùng nguyên liệu trong nước giảm mạnh, cạnh tranh cây trồng khác,…
Vòng lặp tiếp nối là nhiều doanh nghiệp sản xuất mía đường loay hoay chưa tìm được đường ra vì nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt, dẫn đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tăng cao. Đáng buồn hơn, điều này lại vô tình tạo tiền đề cho câu chuyện đường lậu tiếp tục diễn biến phức tạp bất chấp những nỗ lực phòng chống của các cơ quan chức năng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và an toàn thực phẩm.
Tình trạng mất cân bằng cung – cầu, thời tiết bất lợi chịu sự chi phối bởi bão lũ, hạn hán..., đường lậu diễn biến phức tạp như hiện nay gây nên “thế lưỡng nan” cho thị trường mía đường trong nước. Kéo theo các tác động tiêu cực về giá cả, chất lượng, an toàn thực phẩm, kinh tế và môi trường kinh doanh “kém” lành mạnh. Vì vậy, cần phải có những hành động kịp thời để tối ưu mọi nguồn lực đầu vào cho ngành sản xuất mía đường. Từ đó đảm bảo bình ổn thị trường và cân bằng lợi ích giữa các chủ thể tham gia chuỗi kinh tế nông nghiệp bao gồm cả người tiêu dùng.
Nguồn: [Link nguồn]