Đời sống người dân được cải thiện nhờ nhà máy Samsung Thái Nguyên (Kỳ 1)

Sự kiện: Samsung Thái Nguyên

Cuộc sống nhiều người dân Việt Nam đã có nhiều đổi thay, kể từ khi các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài quy mô lớn, ví như của Samsung, được xây dựng.

Kì 1: Cơ hội đổi đời

Nguyễn Thị Nhất, nhân viên sản xuất của Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên  (SEVT), dẫn chúng tôi qua con đường bê tông nhỏ, len lỏi tới khu nhà trọ của em ở tổ dân phố Tân Thành, phường Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên). “Em thuê phòng trọ ở đây 500.000 đồng/tháng, ở chung với một bạn nên chi phí cũng đỡ”, Nhất nói và kể, cô đi làm tại SEVT từ tháng 9 năm ngoái, với thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, trừ chi phí ăn ở, cũng dành dụm được 3-4 triệu đồng để gửi về quê nuôi con.

Đời sống người dân được cải thiện nhờ nhà máy Samsung Thái Nguyên (Kỳ 1) - 1

Công nhân tại Thái Nguyên có cuộc sống thoải mái cả về mặt tinh thần rất nhiều nhờ làm việc cho Samsung

“Ở đây đứa nào cũng vậy hết. Đứa nào lương cao thì 8-9 triệu đồng/tháng, dư dả để gửi về quê phụ giúp gia đình”, bà Trịnh Thị Tiện, 44 tuổi, chủ nhà trọ của Nhất thấy chúng tôi hỏi chuyện thì cũng xởi lởi góp vui.

Bà kể, nhà có ít ruộng đất, đợt trước được đền bù 800 triệu đồng, phần thì dành cho con cháu, phần để xây 13 nhà trọ để cho công nhân Samsung vào thuê. Giá thuê cũng vừa phải nên mỗi tháng cũng thu về 4-5 triệu đồng, cộng thêm tiền làm thuê bên ngoài, hai vợ chồng bà cũng có chục triệu mỗi tháng để “lận lưng”. “Nhà tôi ít đất nên cũng làm vậy thôi, chứ ở khu vực này, chả mấy nhà là không có nhà trọ cho thuê, có nhà có tới mấy chục phòng. Nói chung thu nhập cũng được, ổn định mà lại không phải bán mặt cho đất, bán lưng cho giời như ngày xưa”, bà Tiện cười và chỉ tay ra quãng đường bê tông phía trước, bảo rằng là, phải ở ngoài kia, dân mới giàu, có nhà thu nhập cả trăm triệu một tháng.

Như sợ chúng tôi không tin, bà bảo, ở ngoài đấy phần nhiều là dân của xã Vinh Xương, lúc trước nghèo, nhưng khi khu công nghiệp được xây dựng (Khu công nghiệp Yên Bình - PV), dân bị thu hồi đất nhưng được đền bù nhiều lắm, có nhà 5-7 tỷ đồng, lại được nhận đất ở khu tái định cư, cũng xây nhà trọ, rồi kios cho thuê, kiếm bẫm tiền ra.

Mà quả có thế thật. Lọ mọ một hồi, chúng tôi cũng tìm đến được Khu tái định cư phường Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên. Khu vực này nằm ở đằng sau Nhà máy SEVT và độ sầm uất của nó khiến nhiều người phải bất ngờ. Hàng quán san sát, nào quán ăn, cửa hàng quần áo, rồi bán nhu yếu phẩm…, chẳng khác nào một phố thị giàu có.

Ít ai biết, trước khi có Khu công nghiệp Yên Bình, nói đúng hơn là trước khi một loạt nhà máy của Tổ hợp SEVT được xây dựng và đi vào hoạt động, nơi đây chỉ là những ngọn đồi nhỏ, bỏ hoang. Giờ thì phía sát đường bê tông to là các dãy kios với hàng quán tấp nập, còn các dãy nhà phía sau phần nhiều là các khu nhà trọ xây san sát nhau, cao tới vài ba tầng. Có nhà, nếu đếm kỹ cũng được mấy chục phòng trọ. Vẫn đang tiếp tục có các dãy nhà trọ được xây dựng. Không chỉ là nhà trọ bình dân, mà còn có hộ gia đình xây nhà trọ diện cao cấp, có đủ tiện nghi, thậm chí xây cả trường mẫu giáo.

“Từ ngày có nhà máy Samsung này, dân ở đây đời sống sướng hơn hẳn”, bà Thìn, ngồi bán hoa quả trên vỉa hè nói với chúng tôi thế. Cái sạp hoa quả của bà cũng đủ loại, dưa hấu, xoài, nho, cam… Nó toen hoẻn độ hơn 1m2, nằm trên vỉa hè, ấy vậy mà bà phải thuê với giá 7 triệu đồng/tháng. Hỏi buôn bán có được không thì bà chỉ cười, bảo là đã thuê chỗ rồi, thì phải cố mà làm ăn.

“Phải như cái chú này này”. Ấy là bà Thìn nói về chủ cửa hàng bán điện thoại di động nằm ngay đằng sau cái sạp hàng vỉa hè của mình. Ngô Văn Trường, 27 tuổi, là chủ của cái cửa hàng đấy. Độ chỉ 4m2 nhưng mỗi tháng, Trường phải thuê với giá 24 triệu đồng. Khá đắt, vì cái cửa hàng nằm ngay góc đường, đối diện với một cổng ra vào của nhà máy SEVT.

“Em quê ở Bắc Ninh, trước cũng mở cửa hàng ở gần nhà máy trên đấy (Samsung Electronics Việt Nam - SEV), nhưng sau nhiều cửa hàng quá nên dạt về đây”. Hẳn là cái quán của Trường làm ăn cũng ổn, bởi ngoài cậu ra còn có vợ Trường và một nhân viên khác làm việc. Tính ra, mỗi tháng, chi phí cho cái cửa hàng này lên tới 35 triệu đồng. Nghĩa là để có lãi, doanh thu hàng tháng của Trường phải nhiều hơn thế khá nhiều.

Trường kể, chủ mảnh đất mà Trường đang thuê có 4 kios, giá thuê gian hàng của cậu là đắt nhất, còn những gian khác cũng 15-20 triệu đồng. Cộng thêm vỉa hè cho thuê nữa, mỗi tháng, chủ đất cũng thu được kha khá. Các bà chủ nhà trọ cũng thế. “Chẳng đâu thuê nhà trọ đắt như ở đây, phải 1,2 - 1,5 triệu đồng/phòng, mà có nhà có tới mấy chục phòng, thu nhập khá lắm”, Trường nói.

Thực ra chẳng cứ các khu vực dân cư quanh nhà máy Samsung ở Thái Nguyên mới thế. Hôm chúng tôi tới Yên Phong (Bắc Ninh), vợ chồng ông Nguyễn Thạch Sửu, 69 tuổi, ở Ấp Đồn (Yên Trung, Yên Phong) cũng cứ níu tay khoe, quanh mấy thôn, xã Trần Xá, Ấp Đồn, Yên Lãng, Ô Cách, rồi Mẫn Xá, Ngô Xá, Chi Long… ở đây, từ ngày có nhà máy Samsung về, đời sống khá hơn hẳn. Đông vui hơn đã đành, mà người dân cũng có đồng ra đồng vào. Nhà nào cũng xây nhà trọ cho nhân viên của Samsung thuê, lại còn mở quán bán nhu yếu phẩm thiết yếu, nhàn hạ hơn trước, mà thu nhập có khi gấp rưỡi, gấp đôi so với trước.

Đất rộng, nhưng ông Sửu chỉ xây 10 phòng trọ, cho thuê năm, bảy trăm ngàn đồng/tháng/phòng, vì ông bà đã già rồi, chỉ cần túc tắc đủ ăn. Hai cô con gái được ông bà cho mượn gian hàng trước nhà mở cửa hàng, buôn bán cũng được. Và như thế cũng đủ để có một cuộc sống đầm ấm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn]) .
Samsung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN