Wawrinka, Federer và trái một tay kỳ ảo
Monte Carlo đã chào đón nhà vô địch trái một tay lần đầu tiên sau 13 năm như một khẳng định sự trường tồn của cú trái một tay.
Không chỉ có Wawrinka – nhà vô địch, mà kẻ thất bại trong trận chung kết cũng là một người chơi trái một tay, Federer.
Kỳ thực, Wawrinka và Federer là hai trong số những tay vợt có cú trái một tay kỳ ảo nhất thế giới hiện tại và có thể là cả khi so với những huyền thoại đi trước.
Có trong mơ cũng khó có thể tưởng tượng lại có một trận chung kết ở đẳng cấp hàng đầu (mỗi năm chỉ có chín giải Masters 1000) giữa hai người chơi trái một tay như thế, và nhất là khi nó diễn ra trên mặt sân đất nện.
Clip trận chung kết Monte-Carlo Masters 2014 giữa Wawrinka và Federer
Nói trong mơ là bởi Nadal, người được coi là sát thủ của những tay vợt chơi trái một tay, được kỳ vọng sẽ vô địch lần thứ chín ở đây. Sau Nadal lại có Djokovic, người có cú trái hai tay mẫu mực, và đến với giải đấu này với phong độ cực cao (vô địch hai Masters liên tiếp).
Cũng còn là tiếng nói của lịch sử bởi đã 11 năm, Monte Carlo chỉ tôn vinh những người chơi trái hai tay sau khi Gustavo Kuerten (Brazil) lên ngôi ở đây năm 2001. Đó cũng là lần cuối cùng có hai tay vợt chơi trái một tay vào chung kết của giải đấu.
Và là xu thế của thời đại chứng kiến sự thay đổi của tennis thế giới với sự tác động mạnh mẽ của công nghệ và các phương pháp tập luyện chú trọng đặc biệt về thể lực.
Chẳng hạn, không có ai trong số cả tám tay vợt nam và tám tay vợt nữ vào tới Wimbledon 2013 chơi trái một tay, dù cho mặt sân cỏ là thiên đường của kỹ thuật này.
Federer và Wawrinka là hai trong số những tay vợt có cú trái một tay hay nhất làng banh nỉ
Khi “sát thủ” của trái một tay bị tiêu diệt
Việc Nadal là sát thủ của các tay vợt chơi trái một tay không phải là điều bàn cãi. Nadal đấu với Federer, anh thắng 23 trận và chỉ thua 10 trận. Tỉ lệ đối đầu này (70-30) thường chỉ xảy ra giữa hai tay vợt khác biệt về đẳng cấp.
Nadal đấu với Wawrinka, cho tới trước năm 2014, anh là người thắng tuyệt đối khi đối phương chưa từng ăn được của anh một game sau 12 trận đối mặt.
Nadal còn giữ kỷ lục thắng tuyệt đối 12 trận trước Gasquet, người có kỹ năng chơi trái một tay hiếm có.
Cả cú thuận tay lẫn cú trái hai tay của Nadal đều rất xoáy, bóng thường nảy cao tới ngang vai của đối thủ nếu họ đứng ôm sân, được coi là nguyên nhân chủ chốt của sự kỵ rơ này.
Có thể nhiều tay vợt khác không có được năng lực đặc biệt của Nadal nhưng họ được hậu thuẫn bởi một xu thế phổ biến là mặt sân tennis trong thời gian qua được làm chậm lại đáng kể và bóng cũng nảy cao hơn, vợt và dây vợt tennis hỗ trợ xoáy tối đa, đồng thời lối đánh cuối sân không cần sự linh hoạt của cú trái một tay.
Thế nên, khi Nadal gục ngã từ vòng tứ kết trong cuộc đấu giữa hai tay vợt chơi trái hai tay, còn Djokovic bị chấn thương ở cái cổ tay quan trọng nhất của anh (tay phải), điều gì cũng có thể xảy ra.
Trái một tay chưa và sẽ không bao giờ “chết”
Nhưng có thể đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, của sự lên ngôi của các tay vợt chơi trái một tay ở Monte Carlo với việc Nadal bị loại sớm. Trong khi đó, có một thực tế không thể chối bỏ được rằng, những tay vợt làm nên những điều kỳ diệu xưa nay đa phần là những người chơi trái một tay.
Người từng thiết lập những kỷ lục vĩ đại của tennis thế giới (cho tới khi bị Federer vượt qua), là Sampras chơi trái một tay giành 14 Grand Slam và 286 tuần số 1 thế giới.
Người được coi là số 1 mọi thời đại của tennis nữ, Stefif Graf, dù nổi tiếng với cú cắt trái nhưng về cơ bản cũng thuộc trường phái trái một tay. Hay Justin Henin cũng đã có một vị trí đặc biệt dù cô chỉ cao 1m67 nhưng cũng giành 7 Grand Slam.
Trên bảng xếp hạng ATP hiện nay, có tới tám trong số 20 tay vợt đứng đầu bảng xếp hạng vừa được công bố đầu tuần này là những người chơi trái một tay, là Wawrinka (3), Federer (4), Gasquet (11), Haas (14), Youzhny (15), Dimitrov (16), Robredo (17) và Almagro (20).
Dimitrov chơi trái một tay không chỉ đẹp mà còn hiệu quả
8/20 trong giai đoạn mà chúng ta đã từng cho rằng kỹ thuật ấy dần trở nên tuyệt chủng là tỉ lệ đáng ngạc nhiên và đáng khích lệ nếu tennis cần sự đa dạng, và có những người coi vẻ đẹp là giá trị cốt lõi không thể thiếu.
Và còn có thể hơn cả sự tiếp nối, là sự bất diệt của quy luật ấy khi những tay vợt đáng kể nhất của thế hệ tennis tương lai cũng chỉ dùng một tay cho các cú bung trái.
Tay vợt trẻ nhất trong top 20 theo bảng xếp hạng của ATP là Dimitrov, người chơi trái một tay không chỉ đẹp mà còn hiệu quả.
Người ít tuổi nhất trong top 100 là Dominic Thiem (sinh năm 1993, Áo), vừa mới thắng Radek Stepanek ở vòng 1 Barcelona ATP 500, từng vào tứ kết Vienna ATP 250 (sau khi thắng Tsonga), được bầu là gương mặt trẻ của năm 2013 cũng chơi trái một tay rất tinh tế.
Có thể những gương mặt trẻ tiềm năng và cả tỉ lệ đáng kể của các tay vợt trái một tay nói trên cần rất nhiều các phẩm chất khác nhau để tạo nên những kết quả vĩ đại, nhưng họ là sự đảm bảo rằng lối đánh tấn công sẽ được thi triển ở những giải đấu, trận đấu đỉnh cao.
Bởi tự bản thân những nguyên tắc cơ bản của kỹ thuật trái một tay đòi hỏi các tay vợt cần phải chơi tấn công để khai thác điểm mạnh của nó. Họ có thể ứng phó, xoay trở rất nhanh khi đứng ôm sân nhờ có thể xử lý các cú trái nửa nảy, và cần tấn công chủ động để không bị khai thác cú trái.
Dù có vẻ đẹp mẫu mực và đôi khi có hiệu quả cao thì cũng giống như những người chơi trái hai tay (nếu không muốn nói là hơn), trái vẫn là điểm yếu để khai thác trong các loạt đôi công cũng như nhiều kỹ năng khác.
Wawrinka đang biến cú trái một tay thành vũ khí đương đầu trường phái trái hai tay
Trở về với trận chung kết Monte Carlo, cả Federer và Wawrinka đều cố gắng dồn vào trái của nhau trước khi tìm cơ hội để kết thúc điểm số bằng thuận tay, hoặc kỹ năng khác, chứ không chỉ là chờ đợi sai sót của đối thủ. Các cú serve của Federer có độ xoáy cao tập trung vào trái tay của Wawrinka, buộc anh phải cắt trả bóng nhiều hơn, và đó là xuất phát điểm cho việc Federer đã tràn lưới rất nhiều trong trận chung kết này (36 lần, thành công 26).
Nhưng Federer đã thua chung cuộc với tỉ số 6-4, 6-7, 2-6 trước Wawrinka, trong một trận đấu giống như cột mốc đánh dấu sự chuyển giao quyền lực giữa hai tay vợt Thuỵ Sĩ, giữa hai người cùng chơi trái một tay nhất nhì thế giới.
Họ cũng giống như một người đã đưa cú trái một tay lên tầm mức nghệ thuật trong các cuộc đấu đỉnh cao rồi khi sự nghiệp đổ dốc vẫn gìn giữ nó trước những đe doạ “tuyệt chủng” để chờ tới khi có một người chơi xuất sắc tới mức biến nó thành vũ khí đương đầu trường phái trái hai tay.
Có thể là chưa đủ, hay quá sớm để nói về một sự áp chế trong tương lai gần cũng như cả một thế hệ tiếp nối, nhưng ít nhất, ở góc độ này, trận chung kết Monte Carlo 2014 đã không có người thất bại!