Vui buồn tiền thưởng SEA Games
Người giành chiến thắng, bên cạnh niềm vui đem vinh quang về cho đất nước, còn cả niềm vui có thêm một khoản để túi. Kẻ thất trận, ngơ ngác ra về như vừa đánh rơi thứ gì đó thật quý giá.
Muốn mất tiền cũng không xong
Bán kết môn bóng chuyền nữ SEA Games 29, đội tuyển Việt Nam gặp Indonesia. Trước thềm SEA Games chưa lâu, nữ Việt Nam bất ngờ để thua Indonesia, đối thủ lâu nay vẫn ở “cửa dưới”, ngay tại Cúp quốc tế VTV Cup 2017 diễn ra trên sân nhà.
Điền kinh Việt Nam được thưởng lớn với chiến tích giành 17 HCV, chiếm hơn 1/3 số HCV của môn điền kinh tại SEA Games 29. Ảnh: VSI.
Một tiếng còi báo động! Nội bộ môn bóng chuyền vốn đã sẵn ồn ào, càng gây thêm những lo lắng. Trận Bán kết với Indonesia, trước nay chẳng phải quá ghê gớm, bỗng nhiên trở nên thành căng thẳng. Thắng, Việt Nam cầm chắc ít nhất chiếc HCB, hoàn thành chỉ tiêu đặt ra.
Ít người biết trước trận đấu, một lãnh đạo môn bóng chuyền đã “mang một vali tiền” sang tận Malaysia, chỉ để chờ đội thắng sẽ công bố thưởng. Nói “vali tiền” là nói vui, sự thực là nếu thắng, Kim Huệ và các đồng đội sẽ nhận thưởng ngay lập tức không ít hơn 400 triệu đồng. Nhưng các cô gái Việt Nam thua, VĐV khóc ngay trên sàn đấu trong khi quan chức tiu nghỉu ra về. Thật muốn mất tiền cũng chẳng xong!
Nói chuyện này thì không thể không nhắc tới đội bóng đá nam. Trước giờ về chuyện thưởng, chẳng môn thể thao nào so bì nổi với các cầu thủ đá bóng. Dạo năm 2009 sau khi U23 Việt Nam thua trận Chung kết với Malaysia trở về, có bận ngồi chơi với nguyên Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ. Ông Hỷ cứ tiếc hùi hụi bảo, “Chú đã mang cả bao tải tiền sang để thưởng các cầu thủ mà không nổi”. Cái “bao tải tiền” của ông Nguyễn Trọng Hỷ nghe đâu cũng không ít hơn 6 tỷ đồng.
Đội bóng đá nam có lẽ chưa tập được thói quen nhận thưởng lớn, SEA Games này vẫn thế. Trước trận quyết định với Thái Lan trên sân Selayang, Chủ tịch CLB Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng rậm rịch thưởng 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng) cho thầy trò HLV Hữu Thắng nếu thắng trận, (có nói khẽ trước với lãnh đạo VFF tại Kuala Lumpur). U22 Việt Nam cuối cùng thua trắng 0-3, ông Hùng mang luôn 100 triệu đồng chuyển sang đội nữ, vừa vượt qua Thái Lan để đoạt chức vô địch.
Tương tự ông Phạm Thanh Hùng, Tập đoàn Tuần Châu ban đầu treo thưởng 700 triệu đồng cho đội tuyển nam, rốt cuộc nữ hưởng cả, không đến 700 triệu đồng nhưng cũng được 600 triệu đồng. So với mọi năm, SEA Games này các cô gái đá bóng đã rủng rỉnh hơn nhiều: 3 tỷ từ VFF, 600 triệu từ tập đoàn Tuần Châu, 100 triệu của nhà tài trợ sữa cho các ĐTQG VPMilk, và một số cá nhân khác…
Vô đối Ánh Viên, đội điền kinh
Theo quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ, VĐV đạt thành tích ở SEA Games được thưởng lần lượt 45 triệu đồng, 25 triệu đồng và 20 triệu đồng cho HCV, HCB và HCĐ.
Tại SEA Games 29, VĐV đoạt huy chương còn được một khoản thưởng “nóng” ngay tại chỗ, lần lượt là 10 triệu đồng, 8 triệu đồng và 5 triệu đồng cho 3 loại huy chương. VĐV phá kỷ lục được 15 triệu đồng. Ngoài ra, VĐV xuất sắc nhất mỗi môn còn được thưởng thêm 15 triệu đồng. Riêng kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên được nhận 30 triệu đồng với danh hiệu xuất sắc nhất đoàn TTVN tại SEA Games 29 khi đoạt 8 HCV, 2 HCB, phá 3 kỷ lục. Có người đã nhẩm tính, cộng các khoản trên, Ánh Viên được tròm trèm 700 triệu đồng, không kể khoản thưởng của đơn vị chủ quản Quân đội.
Về đồng đội thì đội tuyển điền kinh với 17 HCV được thưởng lớn nhất. Lê Tú Chinh và các đồng đội ngay tại SEA Games đã được công bố thưởng 1 tỷ đồng từ Chủ tịch Liên đoàn điền kinh Việt Nam, doanh nhân Hoàng Vệ Dũng, và 100 triệu đồng từ nhà tài trợ Li-ning. Khỏi phải nói các cô gái vàng điền kinh Việt Nam vui cỡ nào.
VĐV thể thao, thu nhập thấp nên thêm một đồng tiền thưởng cũng đáng quý, là động lực để tiếp thêm nghị lực. Thi đấu ắt có kẻ thắng người thua, thật khó trọn vẹn. Người thắng, bên cạnh niềm tự hào mang vinh quang về cho đất nước, còn thêm niềm vui có được một khoản “dằn túi”. Kẻ buồn, ngơ ngác ra về như vừa đánh rơi thứ gì thật quý giá. Cứ bâng khuâng mãi.
Số tiền kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên được nhận lên tới gần 700 triệu đồng.