Vui buồn chuyện thưởng Tết VĐV Việt

Đời sống thể thao nước nhà năm 2012 thực sự u ám do tác động từ cơn khủng hoảng tài chính.

Trong bối cảnh đó, hàng loạt các CLB cắt giảm lương, “nói không” với thưởng Tết. Riêng các VĐV thành tích cao mới thực sự bi đát, khi hầu như phải tay trắng về quê sau 1 năm tập luyện, thi đấu vất vả. Dù vậy, khoảng thời gian sum họp với gia đình dịp Tết đến xuân về vẫn thực sự ý nghĩa.

* Cắt giảm lương hàng loạt

Để có thêm kinh phí hoạt động, việc làm đầu tiên ở các CLB chính là giảm phí lót tay, lương, thưởng. Cách làm này có thể sẽ tạo ra sự phản ứng của các cầu thủ trong đội, nhưng đó lại là chuyện sống còn của mỗi CLB trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái. Vì thế mà hầu như CLB nào cũng đã tiến hành giảm lương. Có CLB còn giảm tới 50 % như Ninh Bình, nhưng các cầu thủ vẫn phải chấp nhận.

Vui buồn chuyện thưởng Tết VĐV Việt - 1

Các cầu thủ Ninh Bình bị giảm 50% lương

Ở quy chế bóng đá chuyên nghiệp mới, VPF đưa ra mức lương tháng tối thiểu dành cho cầu thủ V.League là 10 triệu đồng, cao gấp 5 lần mức lương cơ bản Nhà nước quy định cho khối doanh nghiệp tại khu vực một. Mức lương tối thiểu đối với cầu thủ hạng Nhất có hợp đồng chuyên nghiệp là 6 triệu đồng, gấp 3 lần mức lương cơ bản Nhà nước quy định cho khối doanh nghiệp tại khu vực một. Dựa vào quy định này, nên các CLB đều hạ mức lương xuống “kịch sàn”. Những cầu thủ có số má, cùng lắm cũng chỉ nhận mức lương khoảng trên dưới 30 triệu/tháng.

Bầu Đệ (Thanh Hóa) cho rằng thu nhập của cầu thủ cần được đưa về mức hợp lý so với mặt bằng chung của xã hội, chứ nếu duy trì như trước, sẽ là một gánh nặng lớn. Bầu Trường của Ninh Bình cũng nói thẳng các cầu thủ quen nhận nhiều tiền, giờ ít không chịu được. Tuy nhiên, nếu ai muốn lương cao, thì cứ việc đi, CLB sẵn sàng thanh lý.

Nguồn tài chính hạn hẹp, buộc các đội phải đưa ra nhiều phương án nhằm tiết kiệm chi phí. Nhìn chung, đa số các cầu thủ đều chấp nhận giảm lương, thậm chí giảm còn một nửa so với quy định trong hợp đồng. Đó là sự hợp tác đáng ghi nhận của các cầu thủ, trong bối cảnh tình hình tài chính nhiều khó khăn ở các CLB hiện nay.

* Hẩm hiu chuyện thưởng Tết

Chưa có năm nào, TTVN lại ảm đạm như năm 2012, khi cả bóng đá và thể thao thành tích cao thất bại tại các sân chơi quốc tế. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thành tích lại bi đát, nên chuyện thưởng Tết gần như đã bị lãng quên.

Thực tế thì ngành thể thao vốn không có quy định thưởng Tết cho các VĐV. Nếu VĐV không có huy chương, coi như không có tiền thưởng, chỉ được nhận chế độ ít ỏi hàng tháng. Đã bao năm qua, các VĐV vẫn hỏi nhau: “Thưởng Tết là gì?”. Cái điệp khúc ấy, dường như sẽ lặp lại nhiều năm nữa.

Tầm này năm ngoái, giới cầu thủ háo hức với những khoản tiền thưởng lớn. Do V-League mùa giải 2012 thi đấu 2 vòng mới nghỉ Tết, nên nhiều CLB được thưởng lên tới cả tỷ đồng cho mỗi trận thắng, chia nhau cũng được vài chục triệu đồng/người. Chưa kể, ở hầu hết các CLB, đều áp dụng mức thưởng Tết 1 tháng lương. Vì thế, một cầu thủ loại A, thưởng Tết ngót nghét trăm triệu, thỏa sức tiêu xài dịp Tết.

Khi mà cơn khủng hoảng kinh tế chưa tác động tới đời sống bóng đá Việt Nam thì mỗi dịp Tết, các cầu thủ đều “no ấm” với những khoản thưởng Tết hậu hĩnh như vậy. Tuy nhiên, giờ thì ký ức đẹp ấy chỉ còn là hoài niệm.

Nhiều đội cho biết chỉ thưởng mức tiền “đồng hạng” 5 triệu/người. “Năm ngoái được thưởng 1 tháng lương, nhưng năm nay chúng tôi chỉ được thưởng cùng lắm là 5-10 triệu đồng. Thôi có còn hơn không, cũng là may rồi”, một cầu thủ tâm sự.

Có thưởng Tết đã may, nhiều CLB đến giờ vẫn còn nợ lương cầu thủ tới vài tháng, nên mong sao có lương đã tốt, chẳng mơ gì tới thưởng Tết.

Hàng trăm cầu thủ bị thất nghiệp, nhiều CLB vẫn nợ lương, trong khi thưởng Tết thậm chí còn chưa đủ tiền tầu xe. Giới bóng đá vốn được xem là thượng lưu, giờ cũng lâm vào cảnh bi đát.

Bóng đá như vậy, các môn thể thao thành tích cao còn “thảm” hơn, khi hầu hết các VĐV phải về quê với 2 bàn tay trắng sau 1 năm tập luyện, thi đấu vất vả.

Với quy định của nhà nước hiện nay, các VĐV thuộc ĐTQG được hưởng lương 150 nghìn/ngày, tiền ăn là 200 nghìn/ngày (chia đều 3 bữa). Như vậy, nếu tập luyện đều cả tháng tháng, cũng chỉ khoảng trên 4 triệu đồng tiền công. Nhưng chẳng phải đội tuyển nào cũng tập luyện đều đặn. Có đội tập chục ngày hay khoảng nửa tháng, nên lương chỉ dao động trên dưới 3 triệu. Với số tiền này, các VĐV tiêu cho bản thân còn chưa đủ, chứ chưa nói gì đến việc nuôi gia đình.

Từ nhiều năm nay, các VĐV cũng chưa bao giờ được thưởng Tết. Có những VĐV buồn rầu nói rằng: “Thưởng Tết là gì ạ? Bao nhiêu năm tập luyện, bọn em chưa bao giờ được nhận khoản này”.

Với những VĐV không có thành tích hay VĐV trẻ, đều ngậm ngùi về quê với số tiền chỉ đủ tàu xe. Với họ, sau 1 năm vất vả tập luyện, thì những ngày nghỉ Tết thực sự ý nghĩa khi được ở bên gia đình.

Vẫn biết thưởng Tết không có trong quy định của Nhà nước, nhưng với những đóng góp cho thể thao nước nhà, có lẽ ngành thể thao cũng cần có sự quan tâm hơn để mang lại niềm vui dịp Tết đến xuân về cho các VĐV.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Phong
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN