“Vua” Djokovic và cơ hội của những tay vợt trẻ

Sự kiện: Novak Djokovic

Sự thống trị gần như tuyệt đối của Novak Djokovic khiến làng quần vợt nam thế giới tiếp tục rơi vào cảnh nhàm chán, như đánh giá của cựu danh thủ Pete Sampras và người hâm mộ đang khao khát một cuộc đổi ngôi mạnh mẽ trong năm 2016 và giai đoạn tiếp theo.

Ngôi sao người Mỹ một thời P. Sampras đã đề cập vấn đề không dễ lý giải khi mà quần vợt thế giới trong một thập niên qua chứng kiến cuộc chuyển giao rất chậm chạp vị trí dẫn đầu. Federer không có đối thủ xứng tầm giai đoạn 2004-2007, Nadal vươn lên một quãng ngắn trước khi trả lại vị trí đích thực hiện tại cho Djokovic.

“Vua” Djokovic và cơ hội của những tay vợt trẻ - 1

Djokovic chinh phục giới chuyên môn nhưng chưa được CĐV hâm mộ nhiều như Federer  Ảnh: REUTERS

Thậm chí, sau màn trình diễn vô cùng ấn tượng của tay vợt số 1 thế giới người Serbia trong năm 2015 với 82/88 trận thắng, 3 danh hiệu Grand Slam, 6 chức vô địch Masters 1.000, đăng quang lần thứ 4 giải đấu cuối mùa ATP, đồng thời đánh bại toàn bộ 9 đối thủ trong tốp 10 thế giới, không ai dám tin hành trình chinh phục của Djokovic sẽ chậm bước chứ chưa nói nhường sân lại cho bất kỳ một đối thủ nào!

Năm 2015 chứng kiến một Djokovic ngày càng toàn diện từ kỹ thuật, tốc độ đến cách thức tiếp cận, giải quyết trận đấu - những công thức đem lại sự thống trị gần như tuyệt đối và lâu dài của tay vợt người Serbia. Điểm trừ duy nhất của Djokovic chính là việc anh không thể chinh phục được… niềm tin yêu của người hâm mộ! Djokovic càng thăng hoa, khán giả càng quay lưng, sẵn sàng ủng hộ cho đối thủ của anh.

Ở trận chung kết Úc mở rộng, Djokovic giả vờ chấn thương để khiến Murray nổi sung trước khi đánh bại người bạn thân. Chung kết Mỹ mở rộng với Federer, khán giả vỗ tay mỗi khi Djokovic giao bóng lỗi và ở giải cuối mùa ATP, Djokovic cáu giận vô cớ khiến một cô bé nhặt bóng sợ xanh mặt và người xem bất bình.

Là người duy nhất “phá” thế thống trị của Djokovic, Wawrinka còn chỉ ra cách để đánh bại tay vợt số 1 thế giới, cụ thể trên mặt sân chậm như ở Roland Garros (Pháp). Ngôi sao người Thụy Sĩ chứng tỏ anh không thuộc diện “sớm nở tối tàn”, le lói ở một kỳ Grand Slam rồi rất khó để trở lại đỉnh cao lần nữa như trường hợp của Del Potro hay Marin Cilic.

Khi người hâm mộ lo lắng với nguy cơ nhóm “Big Four” bị giải tán trước sự thắng thế gần như tuyệt đối của Djokovic thì sự khẳng định dù muộn màng của Wawrinka cho thấy anh sẽ còn là “khắc tinh” thực sự của tay vợt người Serbia. Đừng quên hai danh hiệu Grand Slam hiện có của Wawrinka đều đến từ việc vượt qua chính Djokovic ở tứ kết giải Úc mở rộng 2014 và chung kết Pháp mở rộng 2015.

Năm 2015 chứng kiến những dấu ấn khó quên của Borna Coric hay Nick Kyrgios dù chưa nhiều người quen mặt, thuộc tên họ. Trẻ, chưa từng vô địch các giải Masters hay Grand Slam danh giá nhưng tương lai của quần vợt thế giới phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của thế hệ này khi những K. Nishikori, M. Cilic, M. Raonic… đang khiến người hâm mộ thất vọng.

Coric, 19 tuổi, xếp hạng 33 thế giới nhờ vào đến bán kết 2 giải ATP Tour, đánh bại tay vợt số 2 A. Murray và vào đến vòng 3 Roland Garros. Kyrgios, 20 tuổi, là tay vợt nam chủ nhà đầu tiên vào đến tứ kết Úc mở rộng sau 10 năm, đánh bại cựu số 1 Federer ở Madrid Masters, được xếp vào nhóm 8 tay vợt xuất sắc nhất hệ thống giải Grand Slam khi chưa đầy 20 tuổi, điều mà duy nhất Federer làm được cách đây 14 năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đông Linh ([Tên nguồn])
Novak Djokovic Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN