Vovinam Võ Việt ra thế giới

Không kể Judo của Nhật đã trở thành môn thể thao Olympic từ khá sớm, cách đây chưa lâu Hàn Quốc khá gian nan khi vận động đưa Taekwondo vào Olympic. Ở cấp độ thấp hơn, Indonesia đã đưa được Pencak Silat vào SEA Games thì tại sao Vovinam (Võ Việt Nam), tinh hoa võ Việt, lại không trở thành một môn thể thao quốc tế?

Năm 2015, Vovinam sẽ tiếp tục được VVF đẩy mạnh quảng bá với nhiều sự kiện quốc tế lớn như Giải vô địch thế giới lần 4/2015 vào tháng 7 tại Algeria, Giải vô địch Đông Nam Á lần 4/2015 vào tháng 8 tại Thái Lan, Giải vô địch Vovinam châu Á lần 3/2015 vào tháng 11 tại Ấn Độ.

VVF cũng sẽ mở rộng quan hệ giao lưu với các nước có phong trào Vovinam phát triển, quan tâm phát triển đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á như Trung Quốc, Hong Kong…, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Brunei... nhằm có thể đưa Vovinam vào chương trình thi đấu tại SEA Games 29 năm 2017. Bên cạnh đó, VVF sẽ tổ chức tập huấn Vovinam cho các nước khu vực châu Á tham gia Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á 2016 do Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng.

Tại châu Á, ngoài Việt Nam, Vovinam đã xuất hiện tại Afghanistan, Ấn Độ, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Iran, Iraq, Lào, Li-băng, Myanmar, Nepal, Nhật Bản, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan. Ông Lê Quốc Ân, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Vovinam Thế giới (WVF) kiêm Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF), ước mơ đưa Vovinam vào sân chơi ASIAD.

Dấu hiệu tốt lành

Sau khi được Đài truyền hình CNN (Mỹ) ghi hình và giới thiệu đến hàng triệu người trên thế giới vào tháng 11/2014, Vovinam Việt Nam sắp tới còn được Đài truyền hình TV5 (Pháp) giới thiệu đến với các nước nói tiếng Pháp và Đài truyền hình Áo giới thiệu trong chương trình “Đất nước và con người Việt Nam”.

Vovinam Võ Việt ra thế giới - 1

Vovinam được đưa vào trường học

Năm 2015, VVF tiếp tục được Tập đoàn Dệt may Việt Nam đồng hành và tài trợ 1,2 tỷ đồng nhằm có thể hoạt động và quảng bá cho hình ảnh võ Việt vươn xa ra thế giới.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Vovinam đang có mặt ở trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu.

Không ít môn sinh nước ngoài đã về đất tổ Việt Nam tập huấn và một số HLV Vovinam cũng được mời sang châu Âu, châu Á và tận châu Phi xa xôi để quảng bá một nét văn hóa của đất nước, con người Việt Nam.

Từ buổi lễ kỷ niện 70 năm hình thành và phát triển Vovinam (26/9/2008) tại TPHCM, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân hồi đó là Phó Thủ tướng đã xúc động trước hình ảnh hàng trăm võ sinh thiếu nhi biểu diễn các đường quyền, thế cước của Vovinam. Ông nói: Vovinam đã có sự lớn mạnh vượt bậc, mong VVF và IVF sẽ tiếp tục có kế hoạch, chiến lược để phát triển rộng khắp hơn nữa Vovinam trên toàn quốc cũng như trên toàn thế giới.

Ở trong nước, Vovinam liên tục tạo ra nhiều cơ hội cọ xát cho các võ sỹ Việt Nam nâng cao trình độ. Phong trào tập luyện Vovinam phát triển mạnh mẽ trên toàn quốc, thu hút đông đảo võ sinh tham gia tập luyện. Phong trào đặc biệt được đông đảo học sinh, sinh viên và lực lượng vũ trang tham gia. Vovinam cũng được quảng bá mạnh mẽ qua các cuộc giao lưu, thi đấu quốc tế.      

Từ một môn phái manh nha tại Hà Nội vào mùa thu 1938, Vovinam giờ đây phát triển vượt bậc và mở rộng đến nhiều nơi trên thế giới, trở thành môn phái được đông đảo bạn bè khắp năm châu hâm mộ tinh thần thượng võ Việt Nam. Liệu Vovinam có sớm trở thành môn võ thể thao thi đấu chính thức tại ASIAD và xa hơn nữa là Olympic?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Vũ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN