Võ thuật với giang hồ

Sự kiện: Khám phá võ thuật

Giang hồ là một khái niệm khá lâu đời, nghĩa của hai chữ này hiện vẫn còn nhiều cách hiểu. Tuy nhiên, theo nhiều sách vở, thì sơ khởi, hai tiếng “giang hồ” dùng để ẩn ý chỉ một lớp người thích phiêu bạt, sống phóng khoáng, ngao du sơn thuỷ, kết nghĩa bạn bè.

Giới Võ lâm và những câu chuyện truyền kì:

 Phần 3: Võ thuật với giang hồ

Giang hồ là một khái niệm khá lâu đời, nghĩa của hai chữ này hiện vẫn còn nhiều cách hiểu. Tuy nhiên, theo nhiều sách vở, thì sơ khởi, hai tiếng “giang hồ” dùng để ẩn ý chỉ một lớp người thích phiêu bạt, sống phóng khoáng, nay đây mai đó ngao du sơn thuỷ, kết nghĩa bạn bè. Lấy thơ ca, học vấn đề cao phong cảnh thiên nhiên, quê hương; lấy võ công để bôn tẩu, hành hiệp trượng nghĩa: “Giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”; giúp kẻ thế yếu, người thế cô giành lại sự công bằng, lấy phô diễn tài năng, sức mạnh võ nghệ làm niềm vui, giao lưu chứ không ngó ngàng đến phân thua thắng bại...

Sự biến thái của một khái niệm đẹp

Những người có máu phiêu lưu, bôn tẩu giang hồ thời xưa (còn được gọi là “giang hồ lãng tử”) ngoài kiến thức về học thuật, văn thơ, thi hoạ… thì ít nhiều họ cũng nắm được những tuyệt kỹ võ thuật, võ khí làm “vốn giắt lưng”. Đi tới đâu kết bè bạn văn thơ, võ học tới đó, cùng nhau thăm thú phong cảnh, ngao du danh thắng, “lấy trời làm màn, đất làm chiếu, bầu rượu túi thơ làm bạn”.

Câu “Tứ hải giai huynh đệ” (Bốn biển là anh em) để nói về những con người cùng chí hướng trong giới này. Lúc này đã xuất hiện những khái niệm “giang hồ mã thượng”, “giang hồ đơn thương, độc mã”, “giang hồ lữ khách”, “giang hồ lãng tử”… dọc ngang hành hiệp.

Võ thuật với giang hồ - 1

Chàng lãng tử Yến Thanh (trong phim Tân Thuỷ Hử)

Và cũng từ thủa sơ khởi đó, do tiếng tăm, do quan hệ nên danh tiếng của các cao thủ trong giang hồ được xã hội nể trọng. Ngoài ra còn có những gia chủ của những gia trang, thôn trang, những nhà buôn giàu có nặng lòng hào hiệp, lưu khách giang hồ trong nhà (môn khách) mà cùng đàm luận văn chương, dạy dỗ chữ nghĩa cũng như trao đổi võ thuật. Rồi các cao thủ giang hồ cũng nay đi, mai đến, miễn sao thoả chí tang bồng của họ.

Chuyện này được nhắc nhiều trong những giai thoại võ lâm trong dân gian kể về Lý Bạch (đời Đường), hay Tô Đông Pha, Âu Dương Tu (đời Tống) hoặc những nhân vật trong các tiểu thuyết dã sử hay võ hiệp như Tam Quốc chí, Thuỷ Hử truyện… của thời trước hay những tiểu thuyết võ hiệp lừng danh của Kim Dung, Cổ Long, Ưu Đàm Hoa… sau này. Với ý nghĩa đó, “giang hồ” được nhìn nhận như một lối sống, một phong cách, đẹp và quân tử mã thượng.

Từ thế kỷ XVI-XVII, phong trào lập ra các hội kín tại Trung Hoa bùng nổ, phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị của một tầng lớp dân chúng trong xã hội hay tham gia vào những cuộc khởi nghĩa chống lại vương triều tại vị.

Nhất là vào thời nhà Thanh nổi lên nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân như Thái bình Thiên quốc, Nghĩa Hoà Đoàn… giương cao khẩu hiệu “phản Thanh phục Minh”, cùng với đó là rất nhiều bang hội kín ra đời như Thiên Địa hội, Tam Hoàng hội, Bạch Liên giáo… với tôn chỉ hoạt động bất tuân triều đình nhà Thanh. Khi thời cuộc, lịch sử xoay vần, đặc biệt sau cácch mạng Tân Hợi (1911), các bang hội không còn mục tiêu chính trị để phấn đấu, dẫn đến phương hướng hoạt động bị lệch lạc, quay sang những phương thức tiêu cực, ngầm chống đối những quy định, luật pháp của chính thể mới.

Các bang phái, hội đoàn rút vào bí mật, dần mở rộng tầm ảnh hưởng đến khắp các châu lục trên thế giới, tham gia vào tất cả những hình thức kinh doanh phạm pháp trong thế giới ngầm như: Buôn bán người, ma tuý, vũ khí hay kinh doanh mại dâm, bảo kê khách sạn, nhà hàng, khu công nghiệp, thậm chí nắm giữ quyền lực ngầm do hối lộ quan chức…

Như vậy, theo thời gian, hai tiếng “giang hồ” đã bị biến thái hẳn. Đến nay, “giang hồ” được hiểu như một sự định danh về thế giới ngầm, gồm toàn những người sống ngoài vòng pháp luật, nhất nhất tìm lợi ích bằng nhiều con đường mang tính phạm pháp, tội lỗi, duy trì cái ác...

Trở lại với một người bôn tẩu giang hồ, hành hiệp trượng nghĩa như thủa ban đầu hay tham gia vào các bang hội về sau hầu như đều có vốn võ thuật tương đối dù ở môn phái nào. Nhất là sau khi phong trào Bảo tiêu nở rộ từ đời Đường, đời Tống (hay còn gọi là Phiêu sư- do các Tiêu cục đứng ra chuyên nhận bảo vệ, áp tải các chuyến hàng buôn), khi thực hiện hợp đồng cũng là lúc Tiêu sư đặt tính mạng của mình vào hàng hoá. Di chuyển qua những vùng nguy hiểm, nhiều băng đảng cướp bóc, thú dữ… họ phải sử dụng tất cả các tuyệt kỹ võ nghệ cũng như kinh nghiệm bôn ba để hoàn thành hợp đồng, bởi uy danh của Tiêu cục cũng như việc xem trọng lễ giáo, tính quân tử trong võ lâm luôn được đặt lên hàng đầu.

Và như vậy, họ phải nắm bắt được những yếu quyết nếu muốn tồn tại trong xã hội đầy những bất trắc đó. Bao gồm những nguyên tắc “bất di bất dịch”, “luật bất thành văn” tự cổ chí kim trong giao tiếp hay trong quá trình lang bạt giang hồ mà những người ngoài cuộc khó có thể lĩnh hội như: Sử dụng tiếng lóng, trà trận, ôm quyền thi lễ, sử dụng phù hiệu, cờ hiệu… trong giao tiếp hay thuật sử dụng ám khí, sử dụng quyền cước, vũ khí… trong chiến đấu mà tạo nên thanh danh, uy tín trong môi trường toàn những nguy hiểm, cạm bẫy này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chu Hồng Châu (Dân Việt)
Khám phá võ thuật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN