Võ thuật Việt Nam và các hệ phái vang danh
Các hệ phái võ thuật cổ truyền ở Việt Nam đa dạng nhưng có thể xếp vào 5 nhóm chính: Nhóm Bắc Hà (miền Bắc), nhóm Bình Định (miền Trung), nhóm Nam Bộ (miền Nam)...
Hà Nội và vùng phụ cận được xem là cái nôi của võ cổ truyền. Trước đây nhiều võ sinh khu vực này đã vượt qua nhiều cuộc khảo thí võ rất gian nan do triều đình phong kiến tổ chức tại Giảng Võ đường. Sau năm 1880 khi các kỳ thi võ bị triều đình bãi bỏ, nhiều võ gia vẫn tiếp tục bí truyền các kỹ năng lại cho con cháu.
Võ học trỗi dậy theo hoàn cảnh lịch sử
Thời Pháp thuộc nối tiếp nhà Nguyễn, tuy có cải tổ chính sách giáo dục, nhưng lại hướng học chế Việt Nam sang ngành học thư lại và chính sách văn hóa ngu dân. Võ học suốt trong thời kỳ này (tới năm 1938) chỉ gồm một số hoạt động võ thuật rời rạc, lẻ tẻ, dù có những xu hướng Cần Vương Văn Thân chú trọng tới võ học trong việc chống Pháp.
Võ sư, NSND Lý Huỳnh – một trong “tứ tú” của võ thuật miền Nam từng thách đấu với ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long năm 1970. (nguồn tinngan.vn)
Loại võ học ra khỏi chính sách giáo dục, người Pháp cũng đương nhiên loại bỏ võ học ra khỏi tổ chức quân đội. Chương trình thí võ trong quân đội đương nhiên được thay thế bằng chương trình huấn luyện vũ khí, tác xạ và kỹ thuật tác chiến. Võ học Việt Nam trong thời kỳ này, gần như chỉ còn được coi là một ngành thể thao có tác dụng giải trí công cộng theo quan niệm đơn giản về thể thao của người Pháp.
Mãi tới cuối thập niên 30, võ học Việt Nam mới có cơ hội bùng lên, bởi tính tự cường dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ sau những thất bại của những phong trào kháng Pháp của Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng… hay các cuộc nổi dậy của Đội Cấn, Đội Cung trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái.
Sau sự ra mắt của môn phái Vovinam vào năm 1938 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, một phong trào học "Võ Tự Vệ" và "Vovinam của người Việt Nam" được thổi bùng lên trong giới thanh niên, sinh viên, học sinh, viên chức tại miền Bắc, khích lệ thêm cả những dịch vụ du nhập võ học ngoại quốc vào Việt Nam, đặc biệt là môn Nhu Thuật (JuJitsu) và võ Thiếu Lâm. Sau 1945, Nhu Đạo (Judo) được du nhập Việt Nam, cùng với môn Yoga (Du Già).
Các hệ phái chính
Các hệ phái võ thuật cổ truyền ở Việt Nam đa dạng nhưng có thể xếp vào 5 nhóm chính: Nhóm Bắc Hà (miền Bắc), nhóm Bình Định (miền Trung), nhóm Nam Bộ (miền Nam), các môn phái có nguồn gốc từ Trung Quốc đến Việt Nam (như các hệ phái danh gia Thiếu Lâm) và ngoài ra, còn có thể kể đến các võ phái Việt Nam phát triển ở nước ngoài.
Nhóm Bắc Hà: Các phái võ Bắc Hà ban đầu đều phát triển ở miền Bắc Việt Nam dù có võ phái sau đó đã ảnh hưởng lan rộng đến các khu vực khác trong cả nước. Các phái này bao gồm:
· Vật Liễu Đôi: Võ vật có truyền thống lâu đời và rất phổ biến tại miền Bắc Việt Nam. Nhiều làng tổ chức thi đấu vật vào các lễ hội mùa xuân. Lễ hội Vật Liễu Đôi tổ chức thường niên ở làng Liễu Đôi, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, Hà Nam.
· Nhất Nam: có lịch sử lâu đời nhất trong các võ phái cổ truyền Việt Nam, có khởi nguồn từ Thanh Hóa, Nghệ An. Ông tổ của môn vật truyền thống Việt Nam, Nguyễn Tam Chinh, sinh ra tại vùng này.
Môn sinh võ phái Nam Hồng Sơn (tại Long Biên, Hà Nội) biểu diễn nằm trên bàn đinh cho xe máy cán qua người. (nguồn CAND.com)
Nam Hồng Sơn: Do võ sư Nguyễn Văn Tộ sáng lập dựa trên cơ sở chương trình rèn luyện võ cổ truyền dân tộc từ thời Nguyễn và vay mượn thêm một số kỹ thuật của võ Trung Hoa.
· Việt Võ đạo (Vovinam): Vovinam - Việt Võ Đạo là môn võ được võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1938. Đây là hệ thống pha trộn võ học gia đình, võ Việt Nam và các trường phái võ các nước khác như Judo, Karate... Võ phái dựa trên kỹ thuật phản công ngang, đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
Nhóm Bình Định: Bình Định là vùng từng thuộc vương quốc Chămpa, nơi có truyền thống võ thuật lâu đời mà những phù điêu của vương quốc Chăm còn lưu giữ hình ảnh. Đây cũng là cái nôi võ thuật miền Trung gắn liền với triều đại Tây Sơn (1778-1802).
Một số nguồn sử liệu cho rằng, sau cuộc khởi nghĩa thành công, Lê Lợi đặc biệt lưu tâm đến việc trui rèn võ nghệ cho quân đội nên cho mở các kỳ thi võ và mở trường dạy võ. Nhà vua ủy thác cho nhà sư Sa Viên là người huấn luyện võ nghệ cho nghĩa binh Lam Sơn từ năm 1415 mở võ đường. Nguyễn Trãi đã đặt tên cho võ đường của nhà sư Sa Viên là Võ đường Bình Định để tưởng nhớ công lao của Bình Định Vương Lê Lợi. Từ đó tên Võ Bình Định được truyền nối khắp nước.
Trong thế kỷ XVIII, một số võ sư nổi tiếng từ miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc chuyển đến định cư tại vùng này và dạy võ cho người dân địa phương. Trong số này có Trương Văn Hiến (vùng Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh), Trần Kim Hùng (có tổ tiên sáng lập thôn Trường Đình, Tây Sơn), Diệp Kim Tòng (từ Phúc Kiến, Trung Quốc), Đinh Văn Nhưng (người Ninh Bình). Những võ sư này đã rèn luyện võ nghệ cho anh em nhà Tây Sơn và hầu hết các tướng sĩ của cuộc khởi nghĩa.
Nhạc võ Tây Sơn. (nguồn vntime.vn)
Từ cuối thế kỷ XVIII các võ sư đã gây dựng tại Bình Định phái võ Tây Sơn (còn gọi là Võ trận Tây Sơn) độc đáo, kết hợp của nhiều hình thức và kỹ thuật từ những võ phái Bình Định khác nhau. Nguyên tắc của võ phái này là: "Nhất mạnh, nhì nhanh, thứ ba giỏi", nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của sức mạnh, sự khéo léo, và kỹ thuật có uy lực thực dụng. Tuy nhiên, cùng với sự suy vi của dòng họ Tây Sơn, nhiều kỹ thuật của phái võ trận này chỉ còn được truyền dạy trong các chi phái võ của các gia tộc tại Bình Định.
Từ thời Tây Sơn đến nay, nhóm Bình Định bao gồm nhiều võ phái xuất phát từ Bình Định và vùng phụ cận như: Roi Thuận Truyền, quyền An Thái, quyền An Vinh và các hình thức võ thuật do các gia tộc, các nhà sư truyền dạy như Tây Sơn Nhạn, Thanh Long võ đạo, Bình Định Sa Long Cương, Võ trận Bình Định, Tân Sơn Bạch Long, Tây Sơn Thiếu Lâm, Bình Định gia, Tiên Long Quyền Đạo...
Nhiều bài danh quyền có xuất xứ từ đất Bình Định như Ngọc trản ngân đài, Lão mai quyền, Thần đồng quyền, Yến phi quyền (còn được gọi là Én bay thảo pháp) đã được đưa vào chương trình khảo thí võ thuật thời Nguyễn và một số bài trở thành bài quy định của Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam sau này.
Nhóm Nam Bộ: Các phái võ Nam Bộ xuất hiện cùng với quá trình mở cõi và định cư của người Việt trong thế kỷ 18 và thế kỷ 19. Sau khi dứng chân ở Nam Trung Bộ, các chúa Nguyễn tiếp tục mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam và di dân từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Quy Nhơn vào khai khẩn đất hoang tại đồng bằng sông Cửu Long.
Song song với điều đó, triều Nguyễn cũng lưu đày nhiều tội phạm vào Nam. Vì vậy, nhiều người Việt ở miền Nam xuất thân từ các vùng có truyền thống võ nghệ, lại giành giật sự sống trong cuộc chiến sinh tử với vùng quê mới còn hoang dã, nên hầu hết trong số họ rất thành thạo nghệ thuật chiến đấu.
Từ cuối thế kỷ 18, bị bại trận trước quân khởi nghĩa Tây Sơn, tàn quân nhà Nguyễn bỏ chạy xuống phía Nam quy tụ về Đồng Nai tiếp tục tuyển mộ các võ sư để rèn binh luyện võ. Sau khi nhà Nguyễn được thành lập năm 1802, nhiều người vùng này đã vượt qua các kỳ thi võ của triều đình, theo đuổi binh nghiệp và trở thành nhiều võ tướng tên tuổi.
Một số hoàng thân quốc thích nhà Tây Sơn, để trốn tránh sự truy nã trả thù của vua Gia Long, cũng lưu lạc tới miền Nam, mang theo sở học của bản thân và âm thầm truyền dạy trong các gia tộc, hình thành nên nhiều võ phái nổi tiếng.
Xuất thân đa dạng của người Việt trong miền Nam đã tạo nên những hệ thống võ thuật Nam Bộ có nguồn gốc rất phong phú pha trộn từ các nhóm Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An, đồng bằng sông Hồng và cả những võ phái có xuất xứ từ Trung Quốc (như võ Thiếu Lâm), võ thuật của dân tộc Chăm, võ Cao Miên (Campuchia).
Sự pha trộn nhiều môn loại với kỹ thuật được cải biến cho phù hợp với điều kiện cụ thể ở miền Nam trong đó có nhu cầu tự vệ trước thú dữ và khai khẩn đất canh tác mới, đã tạo nên phái Nam Bộ đặc biệt với những võ phái được gọi là "võ miệt rừng" hay "võ miệt vườn" nổi danh như Tân Khánh Bà Trà, Thất Sơn quyền của các nhà sư tại vùng Thất Sơn (An Giang), Âm dương võ phái và phái Kim Kê.
Nhiều võ sư ở miền Nam nổi danh được ví với "tam nhật" (ba mặt trời) là Hàn Bái, Bá Cát và Bảy Mùa; "tam nguyệt" (ba mặt trăng) Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kế và Vũ Bá Oai; "tứ tú" (bốn vì sao) với Hồ Văn Lành, Trần Xil, Xuân Bình và Lý Huỳnh (Võ sư- diễn viên điện ảnh-Nghệ sĩ nhân dân Lý Huỳnh).
Nhiều võ sĩ miền Nam đã tham gia thượng đài với rất nhiều lần toàn thắng trước các võ sư đến từ những quốc gia lân bang như Cao Miên, Lào, Xiêm. Trước năm 1975, ở miền Nam cũng đã có Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam của Tổng nha Thanh niên trực thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên.
Tuy nhiên, trong các môn phái võ học trên, chỉ có môn phái Vovinam là phát triển mạnh nhất, do cao trào đấu tranh chống Nhật – Pháp trước Cách mạng Tháng Tám. Vụ đụng độ điển hình nhất xẩy ra vào năm 1942, giữa 2 lớp sinh viên Việt và Pháp tại Hà Nội, đã tạo nên hình ảnh cao đẹp trong dư luận Hà Nội: Những sinh viên Việt thấp bé, gầy yếu đã xử dụng tay không đại thắng sinh viên Pháp cao to, khoẻ mạnh.
Từ đó, phong trào học "Võ Tự vệ" (danh xưng Võ trình nhập môn của Vovinam đương thời) và Vovinam bùng dậy mãnh liệt tại khắp các nơi: Các trường trung tiểu học, trường Sư phạm... mặc dầu tại một vài nơi, người Pháp đã quyết liệt áp dụng những biện pháp chế tài tối đa, cấm tập luyện, truyền bá Vovinam.
Sau năm 1945, phong trào học Vovinam để chống Pháp đã mở rộng ra các vận động trường và sân Đại Học Xá Hà Nội, với những lớp võ cộng đồng hàng ngàn người tới hàng chục ngàn người. Trận đánh điển hình nhất là trận cận chiến bằng dao găm và lưỡi lê, giữa một bên là Tự vệ Thành Hà Nội, một bên là lính Lê dương châu Phi thuộc Pháp năm 1946.
Điểm đặc biệt trong thời gian này là: Môn phái Vovinam dưới sự lãnh đạo của cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc đã góp công đào tạo rất nhiều cấp chỉ huy kháng chiến qua lớp huấn luyện các cấp bộ đại đội trưởng và trung đội trưởng dân quân du kích tại Chế Lưu - Ẩm Thượng, Thanh Hương, Đan Hà, Đan Phú (Phú Thọ)… Trong kháng chiến chống Mỹ cũng như xây dựng lực lượng quân đội, công an sau này, võ thuật Vovinam luôn được chú trọng đưa vào giảng dạy, huấn luyện.
Môn phái Vovinam bước sang giai đoạn quảng bá mạnh mẽ với danh xưng Vovinam - Việt Võ Đạo, và hội nhập vào các chương trình huấn luyện cộng đồng cho quân đội, cảnh sát, sinh viên các trường đại học, trung học... đồng thời khởi sự quảng bá ra ngoại quốc. Các môn võ Việt Nam cổ truyền cũng bừng sống lại và hoạt động khá mạnh mẽ như: Võ Bình Định, Lam Sơn Võ Đạo v.v...
Hiện nay, các môn phái võ thuật Việt Nam vẫn được truyền bá rộng rãi khắp trong và ngoài nước, thu hút hàng triệu môn sinh tham gia tập luyện. Việc quảng bá võ thuật Việt cũng không ngừng được các võ sư truyền bá ra nước ngoài, giúp cộng đồng võ thuật thế giới hiểu rõ hơn về võ học Việt Nam và tinh thần võ đạo Việt Nam.