Võ thuật TP.HCM 40 năm hội nhập và phát triển (Phần 4)
TP.HCM không chỉ là mảnh đất bén duyên đầu tiên với môn quốc võ của xứ sở Kim Chi, mà còn là trung tâm đào tạo những võ sĩ hàng đầu cả nước, đem về vinh quang cho nền thể thao nước nhà trong buổi đầu hội nhập với đấu trường quốc tế. Thế nhưng…
Những thế hệ vàng nối tiếp sản sinh
Từ những thành tích này, nhận thấy taekwondo VN hoàn toàn có khả năng vươn lên đẳng cấp khu vực châu Á, bộ môn quyết tâm nhắm vào mục tiêu Asiad. Đài Loan trở thành nơi đầu tiên cho những chuyến tập huấn nước ngoài.
Đội được HLV trưởng lãnh thổ này hướng dẫn các bài tập hiện đại, hoàn chỉnh cả về thể lực lẫn những “tuyệt chiêu” tung đòn. Đến Asiad Hiroshima 1994, Hạ lại lấy vàng. Chiến thắng ở vòng 2 đấu trường khu vực trước võ sĩ Đài Loan khiến vị chuyên gia đã từng cất công giúp đỡ VN “nổi giận”. Ông ta giận thế thôi nhưng cũng chính là người đầu tiên đến chia vui cùng ông Để và vui cùng sự cất cánh của taekwondo TP.HCM…
Tiếp bước thời kỳ thứ nhất, TP.HCM lại sản sinh ra thế hệ thứ 2 (Khúc Liễu Châu, Kim Nga, Duy Khương…) mà Hồ Nhất Thống là ngôi sao sáng nhất. Anh tiếp tục kế thừa ngôi VĐ châu Á hạng cân 58kg của sư huynh Trần Quang Hạ. Thế hệ thứ 3 là của những Huyền Diệu (4 lần vô địch SEA Gamesd, HCB Asiad..), Tấn Đạt, Ngọc Bích, Phương Quyên… đều là những nhà vô địch SEA Games.
Trong 3 ngày tranh tài sôi nổi, NTĐ Phú Thọ luôn đầy ắp khán giả để chứng kiến thế hệ tiếp nối với 3 võ sĩ nam của TP.HCM lần đầu tiên góp mặt và tỏa sáng: Long Điền, Cao Trọng Chinh, Nguyễn Quốc Huân. Chỉ 4 năm sau, một chu kỳ Olympic, người hâm mộ Taekwondo cả nước lại nhanh chóng ghi nhớ đến những cái tên ấn tượng khác: Hoàng Hà Giang, Lê Huỳnh Châu, Quốc Đạt…
Sóng sau xô sóng trước
Và nay, Taekwondo TP.HCM cũng tự hào là nơi đóng quân của đội tuyển quyền quốc gia, đội tuyển luôn nằm trong tốp 4 của thế giới (thành phần nòng cốt là những võ sĩ thành phố mang tên Bác). HLV trưởng Nguyễn Thanh Huy cùng hotgirl Châu Tuyết Vân là 2 nhân tố tiêu biểu trong đội hình này.
Để thời hoàng kim trở lại
Về phong trào, TP.HCM vẫn là đơn vị mạnh nhất nước với hơn 15.000 người tập luyện thường xuyên. Nhưng ở thể thao thành tích cao, không phải trong những năm gần đây, Taekwondo TP.HCM bỗng nhiên đi xuống, mà dấu hiệu đã xuất hiện từ năm 2006. Cụ thể, tại Đại hội TDTT TQ 2002, TP.HCM đoạt 8 HCV, đến Đại hội năm 2006 chỉ đoạt 6 HCV, 4 năm sau chỉ còn 3 HCV (nữ không có HCV), những năm sau đó 2011, 2012, Taekwondo nữ TP.HCM tiếp tục trắng huy chương ở các giải quốc gia…
Theo ông Trương Ngọc Để, then chốt là chúng ta chưa có một HLV có thể đem đến cho VĐV một lối đánh mới hiệu quả trong tình hình luật thi đấu thay đổi và WTF sử dụng các trang thiết bị điện tử ở các giải thi đấu. Cạnh đó là những yếu tố tác động khác: TPHCM đầu tư dàn trải so với các tỉnh thành khác chọn Taekwondo làm chủ lực đầu tư, chế độ đãi ngộ chưa tốt (so với các địa phương chọn Taekwondo làm trọng điểm)…
Nhìn lại lịch sử, để có được những thế hệ và những thành tích vàng như thế, taekwondo TP.HCM liên tục làm mới mình: không tiếc tiền gửi VĐV sang nước ngoài tập huấn (tiêu biểu là chương trình thế hệ vàng, sản sinh một Lê Huỳnh Châu đầy bản sắc), thường xuyên tham dự các giải mời, giải quốc tế, nâng cao phương pháp huấn luyện và tập luyện hiện đại từ HLV cho đến VĐV; làm tốt mô hình xã hội hóa thể thao chủ động đăng cai các giải World Cup, trẻ thế giới, vô địch Đông Nam Á, trẻ châu Á, vô địch châu Á… trong 10 năm qua.