Võ thuật TP.HCM 40 năm hội nhập và phát triển (Phần 4)

TP.HCM không chỉ là mảnh đất bén duyên đầu tiên với môn quốc võ của xứ sở Kim Chi, mà còn là trung tâm đào tạo những võ sĩ hàng đầu cả nước, đem về vinh quang cho nền thể thao nước nhà trong buổi đầu hội nhập với đấu trường quốc tế. Thế nhưng…

Phần 4: Taekwondo TP.HCM – Giữ vững ngọn cờ đầu

Chuyện buồn hôm nay

Thời gian gần đây, báo chí liên tục đăng tải những vụ lùm xùm quanh đội tuyển Taekwondo TP.HCM về việc mua bán huy chương tại đại hội TDTT toàn quốc, chuyện “trọng – khinh” đầu tư nội dung quyền – đối kháng… Ở đây, chúng tôi không đề cập đến chuyện đúng – sai của các vấn đề đó (bởi chỉ có những người làm chuyên môn, những người trong cuộc mới đánh giá đầy đủ, nhận xét chính xác cái lý – cái tình trong quyết định của họ).

Tuy nhiên, với những người am tường trong giới, họ chỉ biết cười buồn, chặc lưỡi tiếc rẻ. Thực chất, đó chỉ là những chuyện lùm xùm không đáng có, là những cuộc đấu đá nội bộ giữa những người “làm võ” với nhau. Thật đáng buồn nếu nhìn lại một hành trình đầy vinh quang và đoàn kết của những tâm huyết. Câu chuyện bắt đầu từ hơn 50 năm trước…

Dấu ấn cố võ sư Choi Hong Hi

Ngay từ tháng 1/1959, một đoàn Taekwondo Hàn Quốc do cố võ sư Choi Hong Hi dẫn đầu đã đến biểu diễn tại sân Tao Đàn – Sài Gòn (võ sư Choi Hong Hi sau này cũng là chủ tịch của Liên đoàn Taekwondo quốc tế (ITF). Sự kiện này chính là dấu ấn đầu tiên cho sự xuất hiện Taekwondo tại Việt Nam. Năm 1962, khóa đào tạo HLV cấp tốc được tiến hành tại trường Vũ thuật và Thể dục quân sự Thủ Đức.

Theo thống kê, đến năm 1964, Sài Gòn có 5 võ đường Taekwondo nhưng lực lượng võ sĩ được đào tạo rất bài bản, tinh thần chiến đấu kiên cường. Trong lần tham dự quốc tế đầu tiên, giải vô địch châu Á lần 1- HongKong năm 1969, đoàn Taekwondo miền Nam giành 7HCV, 2HCB và 3 HCĐ với 8 võ sĩ. Tại giải châu Á lần 2, Malaysia 2 năm sau đó, cũng chỉ 8 võ sĩ, đoàn Taekwondo miền Nam giành 4HCV, 2HCB và 2HCĐ…

Võ thuật TP.HCM 40 năm hội nhập và phát triển (Phần 4) - 1

Làng võ TP HCM liên tục chuyển mình

Sau năm 1975, Taekwondo tái xuất tại TP.HCM nhưng hoàn toàn là tự phát, chủ yếu hoạt động dưới dạng võ tự vệ chiến đấu với số lượng hạn chế (5 đơn vị). Đến năm 1979, được sự chấp thuận của Sở TDTT TP.HCM, một chương trình biểu diễn giới thiệu môn Taekwondo được tổ chức tại CLB Phan Đình Phùng (quận 3) và tạo được ấn tượng tốt đẹp. Đấy chính là dấu ấn để Taekwondo xuất hiện với hình thức địa điểm luyện tập phong trào trong thành phố.

Quyết định táo bạo để thành công

Cuối thập kỷ 80, TP.HCM quyết tâm gia nhập tổ chức WTF (Liên đoàn Taekwondo thế giới), chứ không phải là ITF của thầy Choi. Đây là một câu chuyện dài và cũng là một quá trình đấu tranh đầy căng thẳng. Nhiều võ sư, HLV đầu đàn của Taekwondo cả nước (không riêng gì TP.HCM) vẫn còn lưu luyến với người thầy cũ Choi Hong Hi (dù tổ chức ITF không được Ủy ban Olympic Quốc tế công nhận).

Vấn đề đặt ra với làng Taekwondo lúc bấy giờ là làm thế nào vừa tôn sư trọng đạo, nhưng vẫn phải có trách nhiệm với tương lai của Taekwondo VN trên bước đường hòa nhập với thế giới.

Năm 1989, nhận lá thư của WTF về việc mời các quan chức bộ môn Taekwondo TP.HCM sang theo dõi giải VĐTG tại Hàn Quốc, phái đoàn TP.HCM gồm ông Trương Ngọc Để, võ sư Khúc Văn Bón và bác sĩ Nguyễn Xuân Cường quyết định lên đường mở mang tầm nhìn.  Do khó khăn về visa, đoàn TP.HCM có mặt khi giải đã… kết thúc nhưng chuyến đi ý nghĩa này đã mở ra nhiều cái nhìn mới cho taekwondo TP.HCM. TP.HCM chính thức quyết định gia nhập WTF.  Năm 1989, Hội Taekwondo TP.HCM hình thành và 20 tỉnh thành trong cả nước đã có phong trào luyện tập.

Có vàng ngay lần đầu đem chuông đánh xứ người

Từ quyết định gia nhập WTF, đã có hàng loạt thay đổi trong phương pháp huấn luyện, đặc biệt là sự hiệu quả trong kỹ thuật ra đòn của Taekwondo TVN. Năm 1990, TPHCM đã bắt đầu mời các quốc gia Mỹ, Malaysia… sang giao lưu và học hỏi kinh nghiệm. Trước câu hỏi của ông Dương Nghiệp Chí, Tổng cục trưởng TC TDTT: “Taekwondo TPHCM có dám dự SEA Games 1991 không?”, ông Để gật đầu quyết tâm và dẫn đội lên đường.

Đó là những gương mặt non choẹt nhưng đầy tự tin:  Khúc Chánh Bình, Trần Quang Hạ, Nguyễn Đăng Khánh (đi theo suất môn võ gậy Arnis), Song Hà, Thu Thủy… Thế rồi cái đội hình đã từng tập trên sân xi măng rải cát (chỉ khoảng 4 tháng trước ngày lên đường) ấy đã đem về chiếc huy chương còn quý hơn vàng của Trần Quang Hạ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Võ (thethaohcm.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN