Võ thuật TP.HCM: 40 năm hội nhập, phát triển và những thách thức (Phần 5)

Cũng như các môn võ khác, TP.HCM là nơi tiếp nhận môn Judo sớm nhất và có phong trào phát triển mạnh mẽ nhất, là nơi đi đầu cả nước sản sinh ra những võ sĩ tài năng từ chuyên môn đến nhân cách. Thế nhưng, đây cũng là môn võ “lùm xùm” nhất, bị nhiều thế lực “không làm mà phá” nhiều nhất khiến trong một thời gian dài, Judo TP.HCM tụt dốc bởi những người tâm huyết không còn đủ nhiệt huyết…

Phần 5: Judo TPHCM: Bao giờ cho đến tháng 10?

Judo TP. Hồ Chí Minh thời vàng son

Nhắc đến sự thành công của Judo TP.HCM trong những ngày đầu thành lập, người hâm mộ không thể bùi ngùi khi nhớ đến hình ảnh của 2 cố võ sư Hoàng Việt Hùng và Nguyễn Hữu Huy, những người được xem là “kiến trúc sư” của Judo TP.HCM ngày đầu thành lập.

Trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, với quan niệm “khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, ông mạnh dạn xây dựng võ đường taekwondo và judo tại Nhà Thiếu Nhi TPHCM với mong ước gầy dựng sức khỏe cho giới trẻ. Chưa dừng ở đó, năm 1986, ông đưa cả phong trào võ thuật vào trường mẫu giáo với nhân vật thử nghiệm là đứa con mới 4 tuổi của mình.

Võ thuật TP.HCM: 40 năm hội nhập, phát triển và những thách thức (Phần 5) - 1

Gia đình cố võ sư Nguyễn Hữu Huy – một hình tượng của gia đình võ thuật

Sau chiếc HCV SEA Games 1991 vượt ngoaì dự kiến của Phương Trinh, uy tín judo VN bắt đầu hình thành. Năm 1992, thông qua các mối quan hệ tốt đẹp, giải judo quốc tế đầu tiên được tổ chức tại VN do Công ty First Holiday (Malaysia) tài trợ.

Rồi cũng bằng mối quan hệ của mình với ông Wada, nay là chủ tịch danh dự của LĐ Judo VN, người bạn tốt Nhật Bản này đã tặng 1 tấm thảm đúng tiêu chuẩn đầu tiên cho VN vào những năm đầu khó khăn này. Năm 1996, ông Hùng dám đứng ra vận động cho VN đăng cai giải VĐ châu Á. Lần ấy, đối thủ cạnh tranh với VN là Macau đã đứng lên lấy 1 tấm séc chuẩn bị ký tiền đặt cọc (deposit) 5.000USD để lấy quyền đăng cai về mình.

Dĩ nhiên với VN, số tiền ấy là không tưởng. May thay, LĐ Judo Singapore đã bảo vệ VN hết mình và đưa ra lập luận: “Cần để VN đăng cai để phát triển phong trào khu vực”. Để có kinh phí tổ chức giải, chính ông đã lên đường sang Nhật và cùng ông Takeuchi, chủ tịch LĐ Judo Nhật Bản bước vào tổng đoàn KONICA “xin tiền”. Kết quả thì ai cũng biết: VN đăng cai giải thành công tốt đẹp với 21 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

Năm 2007, sau cơn đau tim tại nhà riêng, ông Hùng vào cõi vĩnh hằng, khi ấy đang giữ chức chủ tịch Liên đoàn Judo Đông Nam Á.

Thời hoàng kim

Võ thuật TP.HCM: 40 năm hội nhập, phát triển và những thách thức (Phần 5) - 2

Judo TP.HCM luôn là nòng cốt của phong trào cả nước giai đoạn đầu xây dựng

Câu chuyện về cố chủ tịch Hoàng Việt Hùng cũng là minh chứng cho những tâm huyết – nỗ lực của những con người làm Judo TP.HCM trong giai đoạn đầu đầy gian khó.

Sau khi thống nhất đất nước, một vài điểm tập Judo được mở lại vào khoảng cuối thập niên 70 và đến năm 1986, Judo TP HCM đã có dịp giao lưu quốc tế qua các trận thi đấu hữu nghị cùng các võ sĩ Campuchia. Ba năm sau (7/1989) cùng với 7 môn võ khác, Hội Judo TP HCM được chính thức hình thành và một giải Judo toàn quốc thử nghiệm cũng được tổ chức tại TP HCM, mở đầu cho các giải vô địch, giải Trẻ toàn quốc tiếp tục diễn ra sau này.

Nhằm đánh giá thực lực của bộ môn, Tổng cục TDTT đã cử Judo Việt Nam tham dự Asiad 11 (1990) ở Bắc Kinh và VĐV Nguyễn Quốc Trung đã xếp hạng 7/19 ở hạng cân 60kg. Năm sau, nữ võ sĩ Cao Ngọc Phương Trinh (hạng cân 48kg) mang về cho Judo Việt Nam chiếc HCV SEA Games 16 (1991) sau 22 năm xa vắng.

Chiến tích này là một trong những cơ sở thuyết phục ngành TDTT quan tâm nhiều hơn đến Judo. Tháng 8/1992, Sở TDTT và Liên đoàn Võ thuật TP HCM đã mời 2 võ sư người Nhật là Yukio Azuma và Yoshisada (6 đẳng) sang tập huấn kỹ thuật, luật thi đấu mà Kodokan vừa công bố vào tháng 12/1991.

Từ đó, nhiều võ sĩ của TP HCM được chọn vào đội tuyển quốc gia đi tập huấn 1-2 lần/ năm tại CHLB Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Đến tháng 11/1993, TP.HCM tổ chức giải quốc tế và duy trì cho đến nay để tạo điều kiện cho VĐV học hỏi.

Và từ năm học 1997-1998, Judo được đưa vào hệ thống thi đấu trong trường học (Hội khỏe Phù Đổng) nhằm động viên và thúc đẩy phong trào. Judo TP HCM còn có nhiều VĐV đoạt thành tích cao trên đấu trường quốc tế như: “cô gái vàng” Cao Ngọc Phương Trinh (3 lần liên tục VĐ SEA Games 16, 17, 18), Nguyễn Kim Vui (VĐ Sea Games 19, HCV Đông Nam Á 1994 và 1998)...

Có thể nói, đây là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của Judo TPHCM. Một minh chứng rõ ràng nhất là cả BCH Judo TPHCM (Hoàng Việt Hùng, Nguyễn Hữu Huy, Trần Lê Vũ…) cũng được bầu vào BCH LĐ Judo Việt Nam (từ năm 1996).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Võ (thethaohcm.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN