Võ thuật TP.HCM: 40 năm hình thành và phát triển

Không môn võ nào được khai sinh trên đất Sài Thành nhưng không nơi đâu phát triển võ thuật mạnh mẽ cả chất lẫn lượng như tại thành phố mang tên Bác…

Võ thuật TP HCM – đặc biệt là 2 môn Judo và Taekwondo có chân đế rộng. Không chỉ quận huyện nào cũng có những lớp võ thuật hoạt động suốt ngày, mà 2 môn võ này cũng đã phát triển tốt ở trường học (CLB Judo trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, CLB Taekwondo trường ĐH Kinh Tế…). 

Các giải trẻ, học sinh 2 môn này cũng thu hút số lượng VĐV cao nhất trong tất cả các môn thể thao cá nhân. Mỗi đợt thi lên đai lên đẳng có đến hàng ngàn võ sinh (hầu hết đều còn trẻ) tham dự. Nhưng từ số này phát triển thành những võ sĩ tài năng vượt trội – không chỉ trong nước mà còn vươn ra các đấu trường quốc tế – như Quang Hạ, Thống Nhất, Phương Trinh, Huỳnh Châu, Tuyết Vân… không phải là dễ.

Hình thành đã hơn 20 năm, nhưng hoạt động của các Hội – Liên đoàn vẫn chưa thật sự đều tay, nên chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển chung của phong trào. Chọn được những người thật sự tâm huyết để củng cố BCH Hội – Liên đoàn là việc làm cần thiết để huy động tạo sức bật trong tương lai cho võ thuật, vì đặc biệt hơn nhiều môn khác, võ thuật có sức lan tỏa rất cao trong xã hội. Vì lý do ấy, nếu các hội – liên đoàn mạnh thì sẽ khơi dậy được những nguồn nhân lực, vật lực, tài lực rất phong phú và đa dạng trong xã hội.

Truyền thống yêu chuộng võ thuật của người dân thành phố là điều hiển nhiên từ nhiều thế hệ. Quyền Anh đã từng là một “món ruột” của võ thuật Sài Gòn từ nhiều chục năm trước thì không thể chấp nhận việc môn võ này đang lẹt đẹt phía sau nhiều địa phương khác.

Karatedo cũng đã bắt rễ tại thành phố này từ nhiều thập kỷ, nhưng từ nhiều năm qua, TP.HCM chỉ sản sinh ra mỗi Nguyễn Trọng Bảo Ngọc đoạt thành tích quốc tế (HCV Asiad từ năm 2002) là hoàn toàn không xứng với tiềm năng. Không phát triển được về cả bề rộng phong trào lẫn chiều sâu trong thể thao thành tích cao ở những môn này là điều cần phải nhanh chóng cải thiện. Truyền thống lâu đời và sự yêu thích của người dân sẽ là chất đệm quý giá để phát triển các môn võ này.

Phát triển phong trào luyện tập võ thuật ra những vùng còn “trắng” sẽ là việc cần phải làm để mở rộng cơ hội phát triển tài năng trẻ. Cho đến nay, phần lớn VĐV năng khiếu đều chỉ được phát hiện từ các quận nội thành, trong khi trẻ em ở các vùng nông thôn thường có tố chất thuật lợi hơn trong thể thao từ môi trường sống và lao động.

Cho đến nay, đã có vài thế hệ VĐV võ thuật trở thành HLV sau khi giã từ thảm đấu. Con số này lên đến hàng trăm, và sẽ là vốn quý cho sự phát triển thành tích cho võ thuật thành phố trên bình diện quốc gia và quốc tế. Không gì thuận lợi bằng những HLV dày dạn kinh nghiệm thi đấu, nay đứng ra hướng dẫn các đàn em.

Nhưng chỉ kinh nghiệm bản thân thì không đủ mà cần phải có biện pháp nâng kiến thức của các HLV này về nhiều mặt: dinh dưỡng, hồi phục, tâm lý… chứ không chỉ là những đòn thế chuyên môn. Làm sao khai thác được tối đa tài năng cũng như lửa nhiệt tình của lứa HLV xuất thân từ VĐV này sẽ là điều rất quan trọng, vì tương lai của võ thuật thành phố rực rỡ như thế nào, một  phần không nhỏ là do đội ngũ HLV này.

Võ thuật TP.HCM: 40 năm hình thành và phát triển - 1

Trong 40  năm qua, Võ thuật TP HCM đã có những bước tiến rõ rệt

Phát triển đội ngũ HLV ở cơ sở để phát hiện năng khiếu, huấn luyện ban đầu và làm công tác sàng lọc cũng cần được xem là khâu quan trọng không kém huấn luyện nâng cao.

Rõ ràng, để xây dựng được đội ngũ HLV và hệ thống đào tạo đều khắp không chỉ đòi hỏi nguồn nhân lực dồi dào, mà còn cần cả nguồn tài chính không nhỏ. Ngân sách Nhà nước khó kham nổi hoàn toàn, nên nguồn lực xã hội sẽ là yếu tố quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới cần phải đẩy mạnh hơn nữa các công tác này.

Bây giờ không chỉ tìm tài trợ để tổ chức tranh giải mà còn phải tìm nguồn bảo trợ lâu dài để phát triển hệ thống tài năng trẻ, tạo cơ hội cho lứa VĐV trẻ này nhanh chóng trưởng thành qua môi trường luyện tập hiện đại, được thi đấu, cọ xát nhiều cũng như được học văn hóa nghiêm chỉnh. Vì trong thời đại hiện nay không thể không có tri thức nếu muốn trở thành một VĐV giỏi. Thậm chí, phải dành những chuyên gia giỏi nhất (kể cả chuyên gia nước ngoài) cho việc đào tạo lứa VĐV năng khiếu này.

Trong 40  năm qua, Võ thuật TP HCM đã có những bước tiến rõ rệt, nhưng vẫn còn nhiều điều phải làm để xứng tầm với một thành phố năng động, có truyền thống đam mê thể thao nói chung, và võ thuật nói riêng.

Võ thuật TP HCM đang đứng trước những thử thách không nhỏ để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, nhưng có thể tin rằng dân làng võ thành phố sẽ vượt qua được những thử thách này để đưa phong trào lên một tầm cao mới, trên bình diện quốc gia lẫn quốc tế.

Đón đọc phần 2: Vovinam TP.HCM: Chuyển mình vươn ra biển lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Võ (Thể thao HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN