Võ thuật TP.HCM: 40 năm hình thành và phát triển
Không môn võ nào được khai sinh trên đất Sài Thành nhưng không nơi đâu phát triển võ thuật mạnh mẽ cả chất lẫn lượng như tại thành phố mang tên Bác…
Năm 2015, năm mà cả nước hân hoan chào đón sự kiện 40 năm thống nhất đất nước. 40 năm, đó cũng là hành trình của võ thuật TP.HCM trên bước đường hình thành và tỏa sáng rực rỡ trong công cuộc góp phần vào niềm tự hào của thể thao Việt Nam trên bước đường hoàn nhập đấu trường quốc tế. TP.HCM, với lợi thế của một thành phố năng động và phát triển kinh tế bậc nhất quốc gia, luôn lá cờ đầu của võ thuật cả nước. Nhân sự kiện trọng đại của dân tộc, chúng ta hãy cùng nhìn lại hành trình này…. |
Phần 1: Hội tụ, tỏa sáng và những thách thức
Đột phá tiên phong
Bảy năm gần đây, giới hâm mộ võ thuật Việt Nam đã quen thuộc với những chiến công vang dội của những Duy Nhất, Phú Hiển, Tự Do, Văn Đài, Văn Sang ở môn Muay Thai. Đấy là một minh chứng cho thấy truyền thống về thành quả “đi đầu – đột phá thành công” của võ thuật TP.HCM.
Chỉ phôi thai trong thời gian ngắn nhưng với những bước đầu tư hiệu quả (tích cực gửi quân – vốn là những võ sĩ có nền tảng tốt các môn võ cổ truyền, quyền Anh… – sang tập huấn tại Thái Lan, các lớp huấn luyện HLV – trọng tài thường xuyên được mở, tích cực đăng cai các giải quốc tế…) Muay Việt Nam đã nhanh chóng hòa nhập với đấu trường Muay thế giới ở cả 3 cấp độ thi đấu: nghiệp dư, bán chuyên, chuyên nghiệp…
Quá khứ cũng minh chứng rõ ràng, những thành công đầu tiên của võ thuật Việt Nam (kể từ ngày đất nước thống nhất) trên đấu trường quốc tế là đóng góp của TP.HCM. Đó là ngôi vương của Trần Quang Hạ, HCB của Lê Thị Kim Hương, HCĐ của Nguyễn Đăng Khánh ở môn Taekwondo; 3 danh hiệu vô địch SEA Games liên tiếp môn Judo hạng cân 48kg của cô gái vàng Cao Ngọc Phương Trinh (và lần thứ tư là Nguyễn Thị Kim Vui, cũng là võ sĩ đất Sài Thành).
TP.HCM có những bước đột phá trong võ thuật
Trên đấu trường ASIAD, cũng ở môn Taekwondo, Trần Quang Hạ và Hồ Nhất Thống thay nhau thống trị hạng cân 58kg suốt 8 năm (2 kỳ đại hội tại Nhật Bản và Thái Lan năm 1994 và 1998). Đó đều là những cái tên từ lò đào tạo võ thuật của thành phố mang tên Bác.
Hơn thế nữa, trong giai đoạn đầu hòa nhập với đấu trường quốc tế, hai môn Taekwondo và Judo luôn chiếm 2/3 số lượng võ sĩ TP.HCM trong đội hình ĐTQG. Để đạt được những thành quả ấn tượng đó, ấy là từ những quyết định sáng suốt, từ những con người “làm võ” cả tâm lẫn tầm, từ những sự hậu thuẫn và đồng lòng của các cấp…
Với 2 môn quốc võ (không thuộc hệ thống thi đấu Olympic) là Võ cổ truyền và Vovinam, tuy không phải là nơi khai sinh nhưng TP.HCM vẫn khẳng định, đây là “mảnh đất lành để chim đậu, nơi hội tụ để tỏa sáng”. Đó là hai môn võ mà TP.HCM luôn giành thế thống trị trong các giải vô địch quốc gia, và còn hơn thế nữa, cùng với Liên đoàn Vovinam thế giới, Vovinam TP.HCM cùng chung tay phát triển cả chiều sâu lẫn chiều rộng đưa võ Việt vươn ra khắp năm châu.
Ba nguyên nhân giúp võ thuật TP.HCM cất cánh và bay cao trong giai đoạn đầu có thể gói ghém trong 8 chữ: “Đoàn kết – nhạy bén – tích cực học hỏi”. Và việc võ thuật TP.HCM đi xuống trong thời gian qua cũng bởi TP.HCM đánh mất chính mình, xa rời những nguyên nhân giúp võ thuật thành phố này phát triển mạnh mẽ trong 20 năm đầu.
Sự chia rẽ, mưu cầu danh lợi thế chỗ cho sự đoàn kết; sự nhạy bén cũng không còn, chậm bước thay đổi so với các tỉnh thành bạn (nói chi phạm vi quốc tế); cách quản lý, điều hành chưa đáp ứng được quá trình xã hội hóa đang diễn ra tất nhanh tại TP.HCM; chế độ chính sách đãi ngộ chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống kinh tế tại TP.HCM cho các HLV, võ sĩ… Từ thế mạnh, TP.HCM trở nên xoàng xĩnh, thất bại ngay cả trong các giải đua tài quốc gia.
Và những thách thức
So với không ít môn khác, võ thuật có nhiều điều kiện để vươn cao hơn những năm trước: được xã hội hóa (thành lập Liên đoàn hoặc Hội) từ rất sớm, lại có quan hệ quốc tế rộng rãi, có Trung tâm đào tạo được tổ chức quy củ, hệ thống năng khiếu xuyên suốt từ quận huyện đến thành phố, có lực lượng HLV nhiều kinh nghiệm, điều kiện tập huấn và thi dấu cọ xát thuận lợi hơn nhiều địa phương khác, CSVC không đến nỗi thiếu thốn…
Judo và Taekwondo có chân đế rộng
Do vậy, không vượt hơn thành tích của chính mình của vài năm trước đã là thất bại, nói chi đến việc bị các địa phương khác bắt kịp ở giải trong nước, và thụt lùi ở thành tích quốc tế.