Võ thuật Nga Mi: Chiêu thức ảo diệu
Núi Nga Mi nằm ở mép Tây Nam vùng lòng chảo Tứ Xuyên, trong địa hạt huyện Nga Mi. có đỉnh núi đối nhau như đôi mày ngài hình thành nên tên gọi. Đây cũng là nơi xuất phát của phái Nga Mi vang danh thiên hạ.
Trung Quốc là một cái nôi lớn của nền võ thuật. Đây là tinh hoa đặc biệt quý báu trong nền văn hoá truyền thống của quốc gia này nói riêng và toàn thế giới nói chung. Trong lịch sử dài hàng ngàn năm, dòng chảy võ thuật dù trải qua biết bao chìm nổi nhưng vẫn phát triển rực rỡ, đa dạng cho tới ngày nay. Loạt bài "Giới Võ lâm và những câu chuyện truyền kì" trên Dân Việt sẽ đưa bạn đọc tới với những câu chuyện truyền kì trong giang hồ rộng lớn... Bên cạnh đó, những chân dung của giới võ lâm cao thủ cũng sẽ được khắc họa và họ sẽ xuất hiện như thế nào trong cuộc sống thực, trong thế giới hiện đại ngày nay... Loạt bài cũng sẽ giới thiệu lịch sử hình thành của các đại môn phái võ thuật Trung Quốc như Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga My… với Nội gia quyền, Hình Ý quyền, Thái cực quyền, Nam quyền, Bát quái chưởng, Tượng hình quyền… đã tạo nên sự phong phú kì diệu cũng như tầm ảnh hưởng lớn tới các môn võ ngày nay trên toàn thế giới nói chung và nền võ thuật Việt Nam nói riêng. Mời các bạn cùng dõi theo "Giới Võ lâm và những câu chuyện truyền kì". |
Chiêu thức ảo diệu
Bấm đây xem tin HOT ngày 12/3 |
Ngọn núi chính trong quần thể Nga Mi Sơn có đỉnh Vạn Phật Hải Bạt cao 3.099 mét. Lắm sơn động treo trên vách đá thẳng đứng, cheo leo, khe hẹp lũng sâu, tùng xanh bách biếc, thác nước tung bay, xưa nay vẫn được ca tụng là “Nga Mi thiên hạ tú” (Nga Mi đẹp trong thiên hạ).
Thế kỷ thứ 2 đời Đông Hán bắt đầu xây dựng chùa chiền. Thoạt đầu lưu hành Đạo giáo, tới đời Đường đạo Phật lại càng thịnh, chùa chiền ở núi Nga Mi cũng dần tăng nhiều. Tới đời Minh, Thanh cũng núi Ngũ Đài ở Sơn Tây, núi Cửu Hoa ở An Huy, núi Phổ Đà ở tỉnh Chiết Giang được người dân Trung Hoa xưng tụng là “tứ đại danh sơn nước Phật”.
Tượng phật trên đỉnh Nga Mi.(nguồn Cutural China)
Theo nhiều tài liệu, võ phái Nga Mi có nguồn gốc từ chùa Thiếu Lâm Tung Sơn, Hà Nam do các sư tăng của Thiếu Lâm đến núi Nga Mi hoằng dương Phật pháp vào khoảng từ triều nhà Đường và phát triển mạnh từ thời nhà Nguyên đến thời nhà Minh.
Người của tăng (sư), đạo (đạo sĩ) khi tham thiền tĩnh toạ niệm kinh lạy Phật xong lại múa thương, múa gậy, luyện tập đấm đá, dần hình thành nên võ thuật Nga Mi nổi tiếng Trung Hoa.
Cho đến nay nguồn gốc của Nga Mi võ phái vẫn chưa có ai biết được sư tổ sáng lập ra môn võ này là ai, có lẽ đây là môn phái có nhiều người sáng tạo trải qua nhiều thế hệ do tính chất phong phú đa dạng và không nhất quán về đường lối kỹ pháp của nó nhất trong các phái võ miền Bắc Trung Hoa.
Môn sinh tập luyện tại Kim đỉnh trên Nga Mi sơn.(nguồn Cutural China)
Võ thuật Nga Mi thâu tóm cả sở trường, quan điểm của ca nhà Phật và nhà Đạo, vừa hấp thụ động công của nhà Đạo lại có cả cơ sở tu Thiền của nhà Phật, sáng tạo ra riêng một phương pháp luyện công kết hợp bài bản cả động lẫn tĩnh. Phương pháp này cùng các loại quyền thuật, khí giới cùng kỹ thuật tán đả- võ giao đấu- kết hợp tất cả lại tổ hợp thành thể hệ võ thuật của phái Nga Mi.
Về võ thuật Nga Mi, từ đời Minh đã có ghi chép lại. Đường Thuận trong “Đạo nhân Nga Mi quyền ca”, đối với kỹ thuật ảo diệu, sâu sắc của quyền Nga Mi đã tường thuật lại đủ hình, đủ tiếng, đồng thời hình thành nên bài võ hoàn chỉnh.
Ngô Thù trong sách “Thủ tý lục” có “Nga Mi thương pháp nhất quyển”. Lời tựa viết “Thương pháp Nga Mi do sư Nga Mi là Phổ Âm truyền lại”. Nội dung thương pháp có các chương: Trị tâm, trị thân, nghi tĩnh, nghi động, công thủ, thẩm thế, giới cẩn, đảo thủ, trát pháp, phá chư giới, thân thủ pháp, tổng yếu… làm phong phú võ thuật Nga Mi (tạm dịch: trị tâm, trị thân, thích nghi tĩnh, thích nghi động, tấn công phòng thủ, xét thế, đề phòng cẩn thận, đảo tay, phép đâm, khắc chế các loại vũ khí khác, phép về thân thủ, tổng quát…)
Clip: Nga Mi ảo diệu, sâu sắc, phong phú quyền thuật
Quyền thuật phong phú
Quyền thuật Nga Mi lưu truyền rộng rãi trong dân gian kể từ đời Thanh, mở rộng thành nhiều hệ phái khác nhau, phát triển lớn mạnh. Các võ phái ở Tứ Xuyên rất đông, riêng quyền thuật Nga Mi có đặc sắc riêng đã có gần 300 loại.
Xưa kia Tứ Xuyên rất thịnh hành “đả lôi đài” (đài đấu võ), vì vậy các đặc điểm giao đấu khác nhau, phương pháp giao đấu cũng khác nhau, các phép luyện công khác nhau nên các loại quyền thuật phát triển chen nhau dày đặc, hình thành nên võ thuật Nga Mi phong phú, nhiều sắc thái.
Ngoài thương pháp và quyền Nga Mi trứ danh ra, còn có Nga Mi hoả long quyền, Nga Mi Kiềm quyền (kiềm là cái kìm), Hồng Khâu, Lục trửu đến Ngũ giác quyền, Phả tử quyền (Phả tử là người đi khập khiễng), Hầu quyền, Áp hình quyền (quyền con vịt)…
Thương thuật trứ danh của Nga Mi (nguồn Ecns.cn)
Quyền Nga Mi về bộ hình chủ yếu có hư bộ, trường sơn bộ (thác bộ). Bộ pháp chủ yếu có xà hình bộ (hình rắn), chi tự bộ (bước chữ chi), tiễn bộ (tiễn là cắt, cũng tức là hoán khiêu bộ - nhảy đổi chân), thỏ tử bộ (bước thỏ), tức là chân trước bước đều, chân sau nhảy chồm lên một bước, khi chạm gót chân trước thì chân trước lại bật lên một bước nữa, rồi thoa bộ (bước thoi đưa), lưỡng tính bộ (bước hai chân ngang nhau)… Thân pháp yêu cầu phải gợn sóng như rắn bò, khi phát kình lực thì lấy chân đỡ tay.
Môn sinh luyện tập võ thuật Nga Mi (nguồn China.org.cn)
Phép đánh quyền Nga Mi thì có điểm, bàn, quan, đề (điểm, xoay, đóng, nâng). Đặc điểm là động tác nhỏ, biến hoá lớn, lấy nhu khắc cương, mượn sức dùng sức, lấy lén đánh người. Khi phòng thủ thì lấy cánh tay lăn áp tới sau quyền, mượn sức phản kích. Phép đánh sát thr thì có điểm huyệt, bóc mỡ, bẻ xương…
Nhìn chung với hơn 300 hệ phái khác nhau, Nga Mi là môn phái có quyền thuật phong phú nhất Trung Quốc.
5 lưu phái chính của võ thuật Nga Mi: |